Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 17/2/1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến quy mô lớn xâm phạm biên giới Việt Nam - nước láng giềng mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đó luôn khẳng định: “vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Trung Quốc huy động trên 600.000 quân, tấn công toàn tuyến biên giới Việt - Trung trên bộ, với chiều dài 1449,566 km.
Quân số Trung Quốc tham chiến đông hơn các đạo quân của Mỹ và Pháp trong 2 cuộc chiến tranh trước đó.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thời điểm cao nhất, Mỹ tham chiến trên chiến trường gần 550.000 quân; Pháp khoảng 250.000 quân. [1]
Trung Quốc đã phát động cuộc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 ngay sau chuyến công du Hoa Kỳ của Đặng Tiểu Bình để gặp Jimmy Carter, ảnh: flickr. |
Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia độc lập; để lại tổn thất nặng nề về nhân lực, vật lực cho nhân dân hai nước; để lại vết thương sâu sắc cho quan hệ của hai quốc gia.
Từ một số sự kiện lịch sử, người viết bài có đôi điều bàn về quan hệ giữa nước lớn với nước bé ở các khía cạnh dưới đây:
Khi người cầm quyền của nước lớn chỉ vì mục tiêu và lợi ích quốc gia hẹp hòi thì mọi cam kết, hứa hẹn với nước bé dễ bị hủy bỏ
Trước năm 1979, trong tất cả các tuyên bố chung được những người đứng đầu hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký kết đều khẳng định quan hệ Việt - Trung là mối quan hệ đồng chí, láng giềng đặc biệt, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Xuất phát từ quan điểm trên đây, thời đó trong đường lối đối ngoại, Việt Nam xác định quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là hòn đá tảng chiến lược.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng thường xuyên khẳng định quan hệ hữu nghị với Việt Nam là quan hệ đồng chí, anh em láng giềng “như môi với răng”.
Năm 2017, trước khi sang dự Hội nghị APEC do Việt Nam đăng cai, ông Tập Cận Bình - Tổng Bí thư Đảng cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc gửi bài viết đăng trên Báo Nhân Dân (08/11/2017), có tiêu đề: “Mở ra cục diện mới hữu nghị Trung - Việt”.
Trong bài viết này, ông Tập Cận Bình, tiếp tục nhắc lại câu nói từ những năm 60 thế kỷ XX của Mao Trạch Ðông (Chủ tịch Trung Quốc 1949 - 1976):
“700 triệu người dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững chắc của nhân dân Việt Nam, Trung Quốc bao la là hậu phương tin cậy của nhân dân Việt Nam.". [2]
Nhưng trên thực tế thì sao?
Trên thực tế Trung Quốc đã phát động chiến tranh tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam tháng 2/1979. Trước đó, năm 1956, họ đưa quân chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Biên giới phía Bắc đầu tháng 2/1979, những ngày trước khi súng nổ |
Tiếp đến ngày 19/01/1974, Trung Quốc chiếm đóng trái phép toàn bộ phần còn lại quần đảo này của nước ta.
Ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc đã gây ra vụ thảm sát dã man 64 chiến sĩ Công binh Hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ canh giữ chủ quyền của Tổ quốc ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Sau đó, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 5 bãi đá ngầm của Việt Nam ở khu vực này.
Như vậy, vì mục đích chính trị, vì tham vọng mở rộng lãnh thổ lãnh đạo Trung Quốc đã hủy bỏ mọi cam kết giữa hai quốc gia và xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Vì lợi ích quốc gia, khi cần các nước lớn sử dụng các nước bé như những quân cờ
Hơn ai hết, người Việt Nam rất thấm thía điều này. Tháng 2/1972, khi cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam đang ở giai đoạn gay go quyết liệt, Mao Trạch Đông đã mời Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Bắc Kinh.
Theo các nhà phân tích thời sự quốc tế, một trong những nội dung quan trọng nhất chuyến thăm của Nixon là tìm kiếm thỏa thuận với Trung Quốc để đảm bảo cho Mỹ kết thúc chiến tranh Việt Nam có lợi nhất.
Luật gia J. Amter, đồng Chủ tịch Hội nghị Nhà trắng nghiên cứu về công tác quốc tế của Mỹ, người nắm nhiều tài liệu đặc biệt quan trọng của cuộc chiến Việt Nam qua các đời Tổng thống Mỹ, đã viết về chuyến đi Bắc Kinh của Nixon trong cuốn “Lời phán quyết về Việt Nam”:
“Trên thực tế, Nixon gợi ý Trung Quốc ép Hà Nội chấp nhận những điều kiện hòa bình của Mỹ và tổng thống Nixon muốn Bắc Kinh giúp ông ta thương lượng với Hà Nội những điều kiện hòa bình thuận lợi (cho phía Mỹ) đó”. [3]
J. Amter viết tiếp: “Nixon nói rằng nếu Bắc Kinh giúp làm giảm các căng thẳng ở Việt Nam thì Nixon thấy không có lý do tại sao các lực lượng Mỹ ở Đài Loan lại không thể rút đi”.
Theo J. Amter: “Đó là “thông điệp” của Nixon trực tiếp gửi đến Trung Quốc, rằng: “Mỹ hoàn toàn sẵn sàng thỏa hiệp vấn đề Đài Loan để đổi một giải pháp ở Việt Nam”! [4] (sđd, tr.374).
Phải chăng, tháng 1/1974, Trung Quốc đưa quân chiếm quần đảo Hoàng Sa (lúc đó do quân đội Việt Nam Cộng hòa - đồng minh của Mỹ quản lý), nhưng Mỹ làm ngơ cũng nằm trong “thông điệp” của Nixon chuyển tới lãnh đạo Trung Quốc?
Ngày 28/01/1979, Đặng Tiểu Bình thực hiện chuyến công du Hoa Kỳ với tư cách lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm này là dọn đường đưa quân tấn công Việt Nam.
Hai ngày sau khi từ Mỹ trở về, Đặng Tiểu Bình triệu tập phiên họp Bộ Chính trị mở rộng, giải thích đặc điểm và mục tiêu của cuộc tấn công Việt Nam. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc phát động cuộc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
Qua đó, có cơ sở để có thể khẳng định, Đặng Tiểu Bình đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Jimmy Carter trong việc đưa quân tấn công Việt Nam.
Qua các sự kiện trên đây có thể thấy, vì lợi ích quốc gia, các nước lớn sử dụng các nước bé như những quân cờ, cho dù đó là đồng chí hay đồng minh.
Nhìn thẳng vào hành động của Trung Quốc để bác bỏ những tuyên truyền sai lệch của họ về các vấn đề lịch sử
Có một nội dung mà từ hàng chục năm nay, luôn được lãnh đạo hai nước Việt - Trung khẳng định trong các tuyên bố chung hoặc thông cáo báo chí khi viếng thăm nhau, đó là:
Hai bên cần xử lý tốt vấn đề trên biển trên tinh thần tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hai bên cần thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển và các quy định của luật pháp quốc tế để giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển.
Hai bên cần kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Ai cũng có thể thấy, Việt Nam luôn nhất quán thực hiện quan điểm trên đây cả trong lời nói và việc làm.
Nhưng với Trung Quốc thì hoàn toàn khác. Trên thực tế, ở quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa (của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), Trung Quốc đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để biến các đảo mà họ chiếm đóng thành các căn cứ quân sự.
Đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp các bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo, có tổng diện tích trên 13 km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa). [5]
Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài và qua hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang khẩn trương biến các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam thành những căn cứ quân sự hiện đại, khống chế toàn bộ biển Đông và khu vực Đông Nam Á.
Qua đó cho thấy, hành động của Trung Quốc khác xa (không muốn nói là trái ngược) với những gì mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết với lãnh đạo Việt Nam trên các bàn hội nghị.
Từ ba vấn đề trên đây có thể rút ra bài học rằng, với những nước lớn có tư tưởng cực đoan về lợi ích dân tộc, trong quan hệ với nước bé, họ sẵn sàng bỏ qua các hiệp ước, các cam kết; bỏ qua tình đồng chí, đồng minh với nước bé; sẵn sàng bán rẻ lợi ích của nước bé để bắt tay các nước lớn khác, phục vụ cho lợi ích quốc gia mình.
Cho nên, đòi hỏi nước bé phải luôn tỉnh táo, cảnh giác với đối sách của các nước lớn, nhất là nước lớn láng giềng, nước lớn có tư tưởng dân tộc cực đoan. Có như vậy các nước bé mới không bị biến thành quân cờ trong tay các nước lớn.
Quay lại luận bàn về sự việc xảy ra tại Biên giới phía Bắc tháng 2/1979, phải khẳng định đây là chủ ý của Trung Quốc và dân tộc Việt Nam phải một lần nữa đứng lên bảo vệ Tổ quốc.
Trên quan điểm đó, cần phải loại bỏ tư tưởng e ngại khi luận bàn cuộc chiến ái quốc này của dân tộc.
Và cũng đừng cho rằng phê phán một cách khoa học và khách quan tính chất phi nghĩa của Trung Quốc khi bành trướng vào biên giới Việt Nam tháng 2/1979 và việc họ đã và đang thôn tính biển đảo của Việt Nam, là kích động, chia rẽ quan hệ Việt - Trung.
Có như vậy mới tôn trọng và công bằng với sự hy sinh của hàng chục nghìn chiến sĩ và đồng bào trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979 và các trận chiến bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Cũng chỉ như vậy mới đảm bảo được sự công bằng, khách quan, chính danh của lịch sử.
Cho nên cần phải đánh giá, tổng kết và tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về tính phi nghĩa của kẻ bành trướng và tính chính nghĩa của dân tộc ta trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979, tương xứng như các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Thay cho lời kết, người viết xin trích dẫn quan điểm rất xác đáng của Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng về Cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc tháng 2/1979: "Nếu không đề cập đến thì mười năm, hai mươi năm nữa con cháu lớn lên không hiểu gì về mối quan hệ Việt - Trung giai đoạn này. Để cho thế hệ sau không biết gì hoặc hiểu sai về cuộc chiến là có tội với lịch sử". [6]
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/projects/chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-nhung-dieu-khong-the-quen-3542378/index.html
[2] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/34654802-mo-ra-cuc-dien-moi-huu-nghi-trung-viet.html.
[3] NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1985, trang 375.
[4] SĐD, tr.374).
[5] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Gio-Gac-Ma-nhin-lai-qua-trinh-Trung-Quoc-thon-tinh-Hoang-Sa-mot-phan-Truong-Sa-post184439.gd
[6] https://vnexpress.net/projects/chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-nhung-dieu-khong-the-quen-3542378/index.html