Trong số những người đã ngã xuống ngày 17/2/1979 tại đồn Pò Hèn, cựu chiến binh Hoàng Như Lý ấn tượng mãi với Hoàng Thị Hồng Chiêm, cô mậu dịch viên đã sát cánh cùng chiến sĩ đồn Pò Hèn chống lại kẻ thù dày xéo quê hương.
Cô gái Hồng Chiêm ngày ấy luôn rất "đặc biệt" với đôi giày ba-ta màu xanh và bộ quân phục đã sờn vai, bạc màu.
Tuổi 17 vào đời
Theo người thân trong gia đình, tuổi 17, Hoàng Thị Hồng Chiêm là một cô gái thùy mị, hiền lành, một học sinh ngoan của trường liên cấp I, II xã Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh được hợp tác xã lưu ý để đào tạo thành cán bộ kế toán. Thế nhưng Hồng Chiêm đã có lựa chọn của riêng mình.
Trong một đêm tháng 8/1971, trên của bãi biển Mũi Ngọc, cô gái tuổi 17 đã quyết định cùng với Bê, một người bạn gái thân thiết quyết định chọn quân ngũ là nơi cống hiến tuổi trẻ cho Tổ Quốc.
Những năm rèn luyện trong quân ngũ, từ một cô gái hiền lành nhút nhát, Hồng Chiêm đã trưởng thành, rắn rỏi hẳn lên.
Chị Nguyễn Thị Viên, nguyên là hiệu phó trường Pò Hèn, một người bạn rất thân với chị Chiêm kể rằng, những ngày đầu mới vào bộ đội Chiêm cũng e dè, nhút nhát như bao cô gái tuổi 17 lúc bấy giờ.
Tuy có giọng hát hay nhưng Chiêm vẫn ngượng ngùng và chỉ hát cho các bạn thân nghe. Thế rồi trong cuộc sống tập thể, Chiêm đã hòa đồng hơn, bạo dạn dần và trở thành một cây văn nghệ của đơn vị.
Không chỉ vậy, Chiêm còn là một “chủ công” có tiếng của đơn vị mỗi khi tham gia môn bóng chuyền, các hoạt động rèn luyện Chiêm thường đạt điểm cao, nhất là môn bắn súng.
Tháng 5/1975, Hoàng Thị Hồng Chiêm chuyển ngành về bán hàng ở cửa hàng hợp tác xã mua bán huyện Hải Ninh. Một thời gian sau, cửa hàng cần người lên Pò Hèn, một điểm trên điểm cao biên giới, ngày đó đường lên Pò Hèn phải đi bộ gần 30 km.
Thế nhưng khó khăn ấy không thể cản được người con gái đầy khát vọng.
Di ảnh liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm tại gia đình (Ảnh: Lại Cường) |
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý, một trong những người anh em, bè bạn gần gũi với Hồng Chiêm kể lại rằng, ngày đó Hồng Chiêm là một tấm gương lao động cần cù liêm khiết.
Làm thương nghiệp thường xuyên tiếp xúc với tiền hàng, nhưng chưa bao giờ Chiêm tơ hào, thu vén riêng cho mình. Trong lao động Chiêm vẫn phẩm chất, giữ vẻ đẹp của người chiến sĩ, hăng say nhiệt tình công tác.
Trong những ngày đầu căng thẳng vùng biên giới, quân địch vẫn thường xuyên khiêu khích, lén lút phục kích bắn về phía ta thế nhưng Chiêm vẫn băng rừng về Móng Cái nhận hàng.
Chuyện tình đẹp như cổ tích
Ở tuổi 25, Hoàng Thị Hồng Chiêm có một mối tình rất đẹp với anh công an nhân dân vũ trang của đồn biên phòng Pò Hèn, hạ sĩ Nguyễn Văn Lượng. Cửa hàng hợp tác xã mua bán Pò Hèn cách đồn không xa.
Những buổi chiều đánh bóng chuyền, những buổi văn nghệ trên đồn chẳng mấy khi vắng bóng Chiêm.
Ngày đó, nhiều anh em còn thừa nhận, nếu trong buổi văn nghệ của đồn mà vắng bóng Chiêm thì buổi đó giảm vui đi một nửa.
Hạ sĩ Bùi Văn Lượng, một chiến sĩ trẻ của đồn khi nhập ngũ năm 1976, là người hòa nhã, tính tình vui vẻ lại có giọng song ca rất hợp với Chiêm, đã đem lòng cảm mến cô mậu dịch viên Hồng Chiêm.
Có một ngôi trường đã mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm Ngay sau khi tấm gương Hoàng Thị Hồng Chiêm, người con gái anh hùng đất Bình Ngọc hi sinh trên đỉnh chốt Pò Hèn, ngôi trường liên cấp I,II nơi chị học tập đã đổi tên thành trường Hoàng Thị Hồng Chiêm. Bức tượng một tay cầm AK, một tay cầm lựu đạn và ánh mắt rực lửa hướng về kẻ thù hiện vẫn được giữ tại ngôi trường. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó Sở giáo dục đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 112, ngày 18/6/1998 đã đổi tên trường Hoàng Thị Hồng Chiêm thành trường Trung học cơ sở Bình Ngọc. Điều này đã để lại bao luyến tiếc đối với biết bao thế hệ học trò, thầy cô giáo đã công tác và học tập dưới mái trường Hoàng Thị Hồng Chiêm. |
Nhiều đêm văn nghệ của đồn, đôi trẻ ấy thường song ca những bài hát ngợi ca tình yêu quê hương đất nước.
Anh em trong đồn nhận xét, hai giọng ca ấy như hòa quyện vào nhau. Tình yêu trong sáng của 2 người cũng bắt đầu từ đó, nhẹ nhàng nhưng sâu đậm vô cùng.
Tình yêu của Chiêm và Lượng được các anh em trong đồn cũng như cửa hàng vun vào cho họ.
Chiêm hơn Lượng một tuổi, nhưng khoảng cách về tuổi tác đó không làm ngăn cách được tình yêu họ dành cho nhau.
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý nhớ lại, hôm báo cáo với tổ chức, Lượng nhận xét chân thành về Chiêm: “Chiêm sống chân thật và giàu tình cảm, có nghị lực, hai chúng tôi hiểu nhau và thương mến nhau.”
Và họ đã dự tính lấy đồn là nơi tổ chức hôn lễ và cùng nhau xây dựng hạnh phúc lâu dài ngay tại miền biên viễn Pò Hèn này cũng như bao đôi nam nữ thanh niên khác tình nguyện lên xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Tình yêu bất tử dành cho Tổ Quốc
Theo lời cựu chiến binh Hoàng Như Lý, chiều 16/2, chị Hồng Chiêm cùng với đồng chí Vượng, cửa hàng trưởng cửa hàng Pò Hèn, từ Tràng Vinh lên để chuyển một số mặt hàng cuối cùng về tuyến sau.
Tối đó, ở lại bảo vệ cửa hàng Pò Hèn có đồng chí Thắng, chủ tịch xã, đồng chí Vượng, Hồng Chiêm và đồng chí Định, y sĩ của bệnh xá Pò Hèn.
Sớm ngày 17/2, Hồng Chiêm và các đồng chí ở lại bảo vệ cửa hàng đã trở thành những người chiến sĩ nơi tuyến đầu của trận đánh.
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý bên tượng đài liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đặt tại trường Trung học cơ sở Bình Ngọc (Ảnh: Lại Cường) |
Theo những nhân chứng, ngay trong những phút đầu của cuộc chiến, chị Hồng Chiêm chiến đấu vô cùng anh dũng. Với một khẩu K44 và 2 quả lựu đạn, chị đã yểm trợ cho đồng đội lùi sâu an toàn.
Sau khi yểm trợ đồng đội rút lui an toàn, Hoàng Thị Hồng Chiêm tiến về đồn Pò Hèn cùng chiến đấu với anh em chiến sĩ của đồn. Gặp chị Chiêm trong chiến đấu, Cựu chiến binh Hoàng Như Lý nhớ lại:
“Lúc đó Chiêm từ dưới cửa hàng lao lên đồn, trên tay cầm một khẩu K44 đã bắn đỏ nòng, súng bị kẹt đạn, Chiêm nhanh chóng lấy một khẩu AK và chiến đấu tiếp vô cùng anh dũng, lúc đó, bên đồi quế, anh Lượng, người yêu của Chiêm đã hi sinh”.
Thấy các đồng chí của ta bị thương, Chiêm vừa tham gia chiến đấu vừa băng bó vết thương cho đồng đội, anh Hoàng Như Lý kể lại rằng Chiêm chiến đấu rất giỏi, mỗi phát súng là một tên địch đổ xuống.
Anh em trong đồn rất bất ngờ với khả năng, bản lĩnh chiến đấu của chị Chiêm, vẫn biết chị đã có mấy năm đã từng đi bộ đội.
Thế nhưng, địch quá đông, lực lượng của ta lại mỏng Hoàng Thị Hồng Chiêm đã cùng các chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường, kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
Những giờ phút chiến đấu của ngày 17/2/1979 là những giờ phút chiến đấu cuối cùng nhưng oanh liệt nhất của người con gái đất mỏ mang tên Hồng Chiêm.