"Đã tuyên thệ, gánh trọng trách trên vai thì không dám làm trái lời thề"

26/04/2016 06:57
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Người đã thốt ra lời tuyên thệ, gánh trọng trách trên vai thì không bao giờ dám làm trái lời thề trước Quốc hội”.

Đối với nghi thức tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Phải xem lại cái gì hay, cái gì chưa hay để rút kinh nghiệm. Người tuyên thệ đứng ở trên còn đại biểu ngồi ở dưới lấy điện thoại quay, nên khi nhân dân xem nói là không nghiêm túc.

Đây là nhiều đại biểu quốc hội và nhân dân nói chứ không phải chủ quan của mình. Dù chúng ta làm nhiệm vụ gì đi chăng nữa thì chúng ta cũng là một công dân nên cần phải nghiêm túc”.

Lễ tuyên thệ thiêng liêng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. ảnh: Thanh niên.
Lễ tuyên thệ thiêng liêng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. ảnh: Thanh niên.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, dù có nhiều ý kiến góp ý, nhưng đa số các ý kiến đều khen nghi thức tuyên thệ lần đầu tiên tại Quốc hội, thiêng liêng, xúc động.
“Người đã thốt ra lời tuyên thệ, gánh trọng trách trên vai thì không bao giờ dám làm trái lời thề trước Quốc hội”, bà Ngân chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, cần phải đổi mới công tác kỳ họp để đạt được kết quả tốt hơn nữa.

“Thời gian thảo luận ở đoàn lâu quá, hồ sơ bầu nhân sự mà không đưa cho đại biểu nghiên cứu thì cần rút kinh nghiệm. Đại biểu họ phản ánh như vậy là đúng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Liên quan tới việc tổng kết kỳ họp thứ 11 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng dân tộc – ông Hà Ngọc Chiến cho rằng, sắp tới cần đánh giá rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác nhân sự để khóa sau làm sao tính thời điểm bầu đại hội Đảng và bầu Quốc hội sát nhau.

“Nếu không tháng 3 bầu, tháng 7 lại bầu lại. Tháng 3 vừa tuyện thệ, tháng 7 lại tuyên thệ tiếp thì không thiêng lắm”, ông Chiến nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Quốc hội phải gương mẫu

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, trong công tác nhân sự phiếu phát ra phải chú ý, ta phải làm gương, mẫu mực cho địa phương. Vừa qua có tình trạng phiếu phát ra không có dấu, phải thu hồi lại khiến thời gian đợi chờ kiểm phiếu rất lâu, gây bức xúc cho nhiều ĐB. Nhiều ĐB nói ở địa phương chưa bao giờ xảy ra chuyện này.

"Đã tuyên thệ, gánh trọng trách trên vai thì không dám làm trái lời thề" ảnh 3

Có phải cán bộ không bố trí được vào đâu nữa thì đưa về Hội đồng nhân dân?

“Phát phiếu ra không có dấu là lỗi của chúng ta đâu phải lỗi của đại biểu, trước khi phát phải kiểm tra trước đã, cho nên cần rút kinh nghiệm sâu sắc”-Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Lê thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thì bày tỏ băn khoăn về quyền bỏ phiếu kín của các đại biểu.

Bà Nga cho hay, đại biểu gửi gắm lại để bà phản ánh với Thường vụ Quốc hội, cần tạo điều kiện để các đại biểu thực hiện đúng quyền bỏ phiếu kín.
“Khi bầu các chức danh, theo quy định đại biểu sẽ bỏ phiếu kín, nhưng theo tôi điều kiện để đại biểu bỏ phiếu kín chưa đảm bảo, không có phòng để đại biểu thực hiện quyền ghi phiếu.

Theo tôi, nên bố trí một số phòng để đại biểu ghi phiếu, vì đại biểu không muốn có người đi ngang qua thấy mình gạch người này, người kia. Làm như vừa qua là không thể hiện quyền riêng tư, quyền bỏ phiếu kín của đại biểu”, bà Nga nêu vấn đề.

Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thì nêu ra “sơ hở” trong báo cáo tổng kết khi nói rằng, Quốc hội khóa 13 khép lại một nhiệm kỳ.

“Các nhà báo cũng hỏi tôi là bây giờ khép lại rồi mà 3 tháng nữa mới có Quốc hội, vậy thì đất nước này bây giờ không có Quốc hội à? Cơ quan quyền lực nhà nước của dân vậy 3 tháng nữa ở đâu?

Ta lại khẳng định Quốc hội khóa 13 khép lại một nhiệm kỳ. Khép lại thế nào được. Thế thì ta ngồi họp thế này làm gì?

Đại biểu người ta nói rằng, nếu các anh bảo kỳ họp thứ 11 kết thúc nhiệm kỳ thì chúng ta bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các chức danh khác chẳng lẽ chỉ để đọc diễn văn bế mạc nhiệm kỳ, kết thúc nhiệm kỳ à. Không đúng!”, ông Lý nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn ra quy định tại điều 2 luật tổ chức quốc hội nêu rõ, nhiệm kỳ Quốc hội bắt đầu từ kỳ phiên khai mạc họp đầu tiên của khóa đó cho đến phiên khai mạc kỳ đầu tiên của Quốc hội khóa mới.

“Luật quy định như thế mà viết như thế này. Trái lè lè. Không chịu tiếp thu. Không những tôi nói mà các anh em khác nói nhưng không nghe. Văn phòng Quốc hội có một số anh cứ bảo thủ. Rõ ràng sai luật thế mà cứ viết vào đây như thế này”, ông Lý nói thẳng.

Ngọc Quang