Cán bộ có vi phạm vẫn được quy hoạch, bổ nhiệm?
Tài liệu phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được cho thấy, việc điều động, bổ nhiệm ông Đào Trọng Quy giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm bất thường.
Theo đó, cán bộ này được điều động, bổ nhiệm vào vị trí nói trên trong tại thời điểm có hàng loạt các vi phạm liên quan tới công tác cán bộ tại thành phố Thanh Hóa khi còn giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa.
Cụ thể, ngày 10/5/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa có báo cáo số 1601/UBND-NV gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tiếp nhận tuyển dụng đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức không qua thi tuyển theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại công văn số 6356/UBND-THKH, ngày 17/6/2016...
Theo văn bản này, ông Quy được cho là có trách nhiệm chính, trực tiếp ký quyết định tuyển dụng viên chức (9 trường hợp) thành công chức không qua thi tuyển không tuân thủ quy định của pháp luật.
Việc tuyển dụng này không được báo cáo Sở Nội Vụ cũng như sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Mặt khác, theo báo cáo tự kiểm tra, rà soát quy trình công tác cán bộ mới nhất của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, từ tháng 6/2012 đến nay (thời điểm ông Quy làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa đến trước khi được điều động, bổ nhiệm chức vụ mới) lãnh đạo thành phố này đã ký bổ nhiệm nhiều trường hợp công chức lãnh đạo thiếu bước tuyển dụng (viên chức và từ viên chức sang công chức).
Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Quang. |
Trong khi những vi phạm của ông Đào Trọng Quy và tổ chức có liên quan trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm chưa được xem xét, xử lý một cách kịp thời, thì ngày 11/5/2017, cán bộ này có quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy, nếu xét từ khâu quy hoạch cho đến việc bổ nhiệm cán bộ trong trường hợp này, có thể thấy, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa chưa tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5/11/2012 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nêu rõ:
Theo văn bản này, cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, phải đảm bảo một trong số các quy định như:
Có căn cứ để kiểm tra các dấu hiệu vi phạm đối với ông Đào Trọng Quy |
“Việc chấp hành chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc giữ gìn đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác;
Tinh thần tự học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, công bằng, khách quan, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác...".
Mặt khác, tại một số văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Thanh Hóa đề cập tới việc bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý nêu rõ công chức, viên chức được bổ nhiệm nói chung phải trong quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cán bộ nằm trong diện bổ nhiệm phải nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
Như vậy, nếu đối chiếu với quy định trên thì việc quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đối với ông Đào Trọng Quy ở thời điểm vị này được phát hiện có nhiều vi phạm trong công tác cán bộ kéo dài từ năm 2012 đến nay, khi còn đương chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố là điều hết sức bất thường.
Mặt khác, đối với việc quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ có vi phạm nêu trên, không thể có chuyện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa không biết bởi lẽ trước đó thành phố Thanh Hóa đã có công văn báo cáo Chủ tịch tỉnh về những trường hợp tuyển dụng không đúng quy định (đã nêu ở bài trước), trong đó ông Đào Trọng Quy là người có trách nhiệm chính, trực tiếp khi ký nhiều quyết định bổ nhiệm cán bộ vi phạm.
Đến đây, dư luận có quyền đặt nghi vấn: Vì sao ông Đào Trọng Quy có vi phạm trong công tác cán bộ vẫn được điều động, bổ nhiệm vào vị trí công tác mới (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), trong khi vị này và tổ chức có liên quan vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm?
Ủy ban kiểm tra Trung ương cần vào cuộc
Hôm 9/7, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hành vi của ông Đào Trọng Quy được coi là “vi phạm nghiêm trọng” các quy định của Đảng về công tác cán bộ.
“Về nguyên tắc chúng ta gọi đó là dấu hiệu của việc tự diễn biến, suy thoái.
Theo tôi, những trường hợp này không xứng đáng được bổ nhiệm vào vị trí đó (vị trí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – PV), thậm chí phải hạ cấp, hạ chức, và có những trường hợp phải đưa ra khỏi bộ máy”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh: quochoi.vn). |
Trước những vi phạm về công tác cán bộ, nhưng ông Đào Trọng Quy vẫn được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, vị Đại biểu này cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc làm rõ những băn khoăn của dư luận xung quanh quyết định điều động, bổ nhiệm này.
“Thời điểm ông Đào Trọng Quy có vi phạm mà vẫn đưa vào quy hoạch để bổ nhiệm thì phải xem lại.
Đây là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, thì Ủy ban kiểm tra Trung ương cần vào cuộc, xem xét lại vấn đề công tác cán bộ (điều động, bổ nhiệm) đối với ông Quy.
Tôi cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu vi phạm công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý.
Đáng lẽ phải đưa cán bộ này vào diện “sổ đen” chứ không thể đưa vào diện “sổ đỏ” được.
Nếu đã bổ nhiệm trường hợp này thì phải xem xét, kiểm điểm cấp ủy”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Vị Đại biểu Quốc hội thận trọng khi đưa ra nhận định vấn đề buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền trước những vi phạm về công tác cán bộ của ông Đào Trọng Quy, nhưng cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ băn khoăn của dư luận phía sau những quyết định bổ nhiệm đó.
“Có hay không vấn đề buông lỏng quản lý trong công tác cán bộ thì phải xem xét, kiểm tra.
Nhưng biết đâu trong chuyện này có sự bao che, dung túng, hoặc lợi ích nhóm thì sao? Vấn đề này chỉ có Ủy ban kiểm tra Trung ương mới có thẩm quyền xem xét, kết luận.
Sau khi làm rõ sai phạm của cán bộ đối với ông Đào Trọng Quy thì mới có thể biết được nguyên nhân vi phạm là do cán bộ giỏi che giấu, hay được người khác bao che hoặc nhóm lợi ích phía sau?”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói và cho biết, trường hợp cán bộ được bổ nhiệm ở vị trí mới nhưng khi phát hiện vi phạm trong quá khứ vẫn phải xem xét, xử lý bình thường.