Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang – đoàn Nghệ An nhấn mạnh, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, chúng ta thu hồi được khoảng 4.600 tỷ đồng/59.000 tỷ đồng tức là chỉ đạt 8%.
Thu hồi 200 héc ta đất/400 héc ta đất chỉ đạt 54%.
Như vậy, theo logic bài toán đặt ra cho chúng ta trong lần sửa luật này là phải có giải pháp khắc phục, trong đó có giải pháp về thể chế.
“Tuy nhiên, nghiên cứu dự thảo lần này tôi thấy chúng ta chưa tập trung nhiều nội dung này mà chủ yếu viện dẫn quy định hiện hành”, đại biểu Trang đánh giá.
Về tài sản kê khai không trung thực và tài sản thu nhập tăng thêm không giải tình được nguồn gốc hợp lý được quy định tại Điều 59 dự thảo, đại biểu cho rằng cần tách ra 2 tình huống.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - đoàn Nghệ An. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tình huống thứ nhất là tài sản kê khai không trung thực đây là hành vi vi phạm pháp luật Phòng, chống tham nhũng và các hình thức xử lý được quy định rõ tại Điều 118 dự thảo.
Ngoài ra, để thể hiện thái độ của nhà nước đối với thực trạng kê khai tài sản mang tính hình thức, đối phó như thời gian qua dự thảo quy định thêm hình thức xử phạt một khoản tiền (bằng 45% tài sản tăng thêm, không giải trình được - PV) như phương án 2 đại biểu cho là có cơ sở và phù hợp.
Tình huống thứ hai là tài sản thu nhập tăng thêm nhưng không giải trình được nguồn gốc hợp lý. Đây là vấn đề nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
“Nhiều đại biểu nêu, trước hết luật phải xác định thế nào là hợp lý. Theo tôi, đó là thước đo để xác định tính pháp lý của tài sản thu nhập, từ đó xác định được phương án xử lý là đánh thuế hay phạt hành chính hay thu hồi.
Còn nếu không các phương án đưa ra mới chỉ phù hợp với nguyện vọng của cử tri, chưa phù hợp thực tiễn, nó đang non về cơ sở pháp lý như một số đại biểu phân tích trước tôi.
Tuy nhiên, ở nước ta tôi nghĩ xác định không phải dễ vì các đặc thù như thói quen tích cóp, dành dụm, tặng cho bằng tiền mặt. Quyền sở hữu tài sản nghĩa vụ chứng minh vi phạm pháp luật trong pháp luật nước ta có những đặc thù so với các nước khác.
Do đó, theo tôi cần thận trọng từng bước tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định này.
Trước mắt đối với tài sản tăng thêm không giải trình được thì nhà nước phải chứng minh nó là do vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định pháp luật hiện hành”, đại biểu nêu quan điểm.
Giám đốc Sở tham nhũng, Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm? |
Đại biểu Thu Trang kiến nghị, cần có quy định cụ thể về điều kiện, quy trình, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng.
Đại biểu phân tích, hiện nay theo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thanh tra đã quy định việc cấm giao dịch, phong tỏa, kê biên tài sản tham nhũng nhưng vẫn còn chung chung, tùy nghi.
Vì vậy, trong thực tiễn rất ít áp dụng các biện pháp này, từ giai đoạn thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử mà đa số vẫn đến giai đoạn thi hành án dân sự mới áp dụng.
Thực tiễn chứng minh cho đến giai đoạn thi hành án dân sự thì đa số tài sản đều đã được chuyển dịch và tẩu tán.
Nên cần phải quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn, tẩu tán tài sản ngay trong luật này.
Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý để các cơ quan yên tâm thực hiện, nâng cao trách nhiệm trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản và tránh tùy tiện trong thực hiện nhiệm vụ.
Hai là cần mở rộng thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản đối với các cơ quan thanh, kiểm tra trong xử lý vụ việc tham nhũng mà không có dấu hiệu hình sự.
"Tại khoản 2 Điều 67 dự thảo quy định việc thu hồi, tạm giữ, phong tỏa, sung công tài sản tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu pháp luật hiện hành thì việc thu hồi tài sản tham nhũng khi có dấu hiệu hình sự chủ yếu là do các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Thẩm phán là Chủ tọa phiên tòa và cơ quan thi hành án dân sự thực hiện.
Còn đối với những vụ việc tham nhũng không có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan thanh, kiểm tra đa số không trực tiếp áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản mà chủ yếu kiến nghị, đề xuất các cơ quan.
Nghiên cứu quy định hiện hành thì các cơ quan này chưa được quy định rõ, đây là một trong những trở ngại tạo cơ hội để tấu tán, chuyển dịch tài sản.
Vì vậy, tôi đề nghị trong luật này mở rộng thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với cơ quan thanh, kiểm tra”, đại biểu Trang đề nghị.
Bày tỏ sự nhất trí cao với ý kiến của đại biểu Hoàng Thu Trang, đại biểu Nguyễn Bá Sơn – đoàn Thành phố Đà Nẵng cho rằng đó là phân tích khá sâu sắc và cụ thể, chi tiết của các nội dung thuộc về nội hàm của hai phương án mà Điều 59 nêu ra.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - đoàn Thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tuy nhiên, để làm rõ thêm vấn đề này, đại biểu Sơn đề nghị ban soạn thảo loại khỏi dự thảo này phương án 1 (yêu cầu thực hiện thuế thu nhập cá nhân với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý – PV).
Đại biểu cho biết, ông không thể tìm ra lý do để đưa một quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân vào nội hàm của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tiếp đó là hệ lụy của vấn đề này đặt ra. Mặc dù trong điều luật cho phép sau này khi có nảy sinh người kê khai tài sản thuộc diện này nếu bị đánh thuế thu nhập cá nhân có phát sinh thì có thể khởi kiện tại tòa hoặc khiếu nại.
“Tôi không biết Tòa án sẽ căn cứ vào quy định nào để đưa ra phán quyết cho vấn đề này nếu việc này đưa ra giải quyết bằng con đường Tòa án”, đại biểu Sơn nêu.