LTS: Trước vấn nạn tham nhũng trong trường học, thầy giáo Sơn Quang Huyến kiến nghị biện pháp để chống lại vấn nạn này.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chỉ cần điểm qua vài mặt báo là thấy sự nhức nhối của các hình thức tham nhũng trong giáo dục:
Chạy trường, chạy lớp, chạy việc, chạy chức, từ những dự án nghìn tỷ đồng phải bỏ đến cắt xén chế độ đồng nghiệp, cắt xén khẩu phần học sinh nội trú, bớt tiền trợ cấp của học sinh, thu trái quy định, cả thời gian dài không công khai tài chính…
Trường học, nơi đáng ra phải là nơi tồn tại sự thanh cao, trung thực để làm gương cho học sinh, giáo dục ra những thế hệ trung thực, liêm sỉ, biết xấu hổ.
Vậy mà chưa bao giờ tham nhũng trong trường học lại nhiều như thế!.
Các hình thức tham nhũng trong giáo dục ngày càng phức tạp. Ảnh minh hoạ: laodong.vn |
Tại sao vậy? Tất cả cũng do quy chế công khai dân chủ trong giáo dục chưa được thực hiện đúng, chưa minh bạch các hoạt động trong nhà trường với hội đồng sư phạm.
Việc giám sát các hoạt động trong trường học do thanh tra nhân dân, công đoàn đảm trách.
Thế nhưng hoạt động của những bộ phận này dưới lại nằm dưới sự chỉ đạo, định hướng của hiệu trưởng.
Vì vậy các tổ chức này hoạt động yếu, kém hiệu quả, không phát huy được vai trò nhiệm vụ của nó.
Trong các đợt tập huấn về công tác kiểm tra, thanh tra trong trường học, một số người đã hỏi cán bộ tập huấn “có được thanh tra tài chính trong trường học không?”, câu trả lời là “không, trừ khi hiệu trưởng yêu cầu”.
Chi chít sai phạm, Hiệu trưởng trường Trần Phú nhận kỷ luật nhẹ nhàng |
Có bao giờ hiệu trưởng yêu cầu không? Câu trả lời cũng là “không”.
Không ít vụ việc giáo viên dũng cảm tố cáo tham nhũng, sau khi cấp trên thanh kiểm tra, tố cáo đúng sự thật nhưng những người tố cáo phải “xin nghỉ hưu”, bị chuyển trường, hay chịu nhiều bất công khác.
Ngược lại, người tham nhũng lại chỉ bị xử lý với hình thức “giơ cao đánh khẽ”, “rút kinh nghiệm” hay được chuyển đến vị trí cao hơn, họa hoằn lắm mới có kỷ luật “mát mặt” cho người vi phạm.
Để chống tham nhũng không gì hơn là minh bạch, công khai hoạt động của nhà trường, cần thiết nhất là tài chính của đơn vị.
Theo Thông tư 61/2017/TT-BTC, việc công khai tài chính thực hiện sau khi đã quyết toán với cấp trên, giáo viên chỉ thấy “các con số vô cảm” chứ không biết được hoạt động thực tế của nó, có thực chi không.
Từ thực tế ta thấy, tài chính cấp trên quyết toán chỉ dựa vào chứng từ có hợp pháp hay không, có đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ không.
Để hợp pháp hóa thì quá đơn giản. Có thể đến các tiệm tạp hóa, cửa hàng… có thể mua bao nhiêu “hóa đơn đỏ” cũng được, với điều kiện trả 10% giá trị trên hóa đơn.
Kho bạc chỉ căn cứ trên hóa đơn là duyệt chuyển tiền, và vài thao tác là “tiền tham nhũng” đã về với “khổ chủ” của nó.
Phần lớn các đơn vị trường học đều mua hàng văn phòng phẩm tại một nơi do … Hiệu trưởng chỉ định.
Tại sao vẫn có những hiệu trưởng bất chấp, không dạy vẫn lĩnh phụ cấp? |
Nếu thực chi, thực mua thì cán bộ quản lý đã có 10% đến 20% hoa hồng do cửa hàng “lại quả”.
Vì thế tiền tiết kiệm chi cuối năm của mỗi trường, tỷ lệ “hoa hồng” của các bếp ăn nội trú … tùy thuộc vào “lương tâm” của hiệu trưởng và kế toán.
Để phòng và chống tham nhũng trong trường học có hiệu quả phải bảo vệ các thầy cô giáo đã dũng cảm tố cáo tham nhũng.
Xử lý nghiêm minh tất cả cán bộ tham nhũng, đã tham nhũng là phải loại ra khỏi vai trò cán bộ quản lý.
Việc công khai tài chính theo Thông tư 61/2017/TT-BTC như hiện nay chỉ là hình thức, hoàn toàn không có tác dụng phòng chống tham nhũng như kỳ vọng của mọi người.
Cơ quan quản lý tài chính cấp trên nên phê duyệt khi nội dung quyết toán đã được công khai minh bạch tại cơ sở.
Chỉ có người lao động tại cơ sở mới nắm bắt được hoạt động tài chính “thực tế” của đơn vị, còn cấp trên chỉ thấy được tính “hợp pháp” của hoạt động tài chính mà thôi.
Các hoạt động tài chính trong trường học không phải là hoạt động cần bảo mật, vì vậy phải công khai chi tiết từng tháng, từng quý.
Việc công khai chi tiết theo thời gian ngắn giúp mọi người dễ dàng giám sát theo thực tế, phòng ngừa được các “hóa đơn đỏ” kê khống, kê quá, vừa chống được tham nhũng, vừa bảo vệ được cán bộ, hơn hết là tận dụng được ngân sách cho hoạt động giáo dục hiệu quả nhất.
Nhận diện tham nhũng trong trường học không khó, phần lớn giáo viên đều biết, đều thấy nhưng “đấu tranh thì tránh đâu”. Vì thế tham nhũng cứ ung dung phát triển.
Chống tham nhũng trong trường học hiện nay là giải pháp cấp thiết để xây dựng hình ảnh người thầy, hình ảnh giáo dục nước nhà.
Biện pháp đơn giản nhất là minh bạch các hoạt động của nhà trường, đặc biệt là hoạt động tài chính.
Để cải cách giáo giáo dục, đổi mới giáo dục thành công phải thực hiện chống tham nhũng trong trường học thành công trước, đảm bảo nguồn ngân sách phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học, vì học sinh thân yêu.
Học sinh không nên học tập trong môi trường tham nhũng. Trường học không thể là nơi truyền nhiễm, nuôi dưỡng, ươm mầm tham nhũng.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Chi-chit-sai-pham-Hieu-truong-truong-Tran-Phu-nhan-ky-luat-nhe-nhang-post186931.gd
http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Giua-Thu-do-10-nam-qua-giao-vien-truong-Hoang-Hoa-Tham-bi-an-chan-tien-len-lop-post186894.gd
http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Can-bo-phai-xin-huu-non-vi-to-Hieu-truong-tham-o-post185208.gd
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chenh-lech-3-6-ty-dong-giao-vien-cang-bang-ron-doi-hieu-truong-cong-khai-tai-chinh-450595.html
http://vtv.vn/trong-nuoc/bat-tam-giam-hieu-truong-lam-thu-tai-hai-phong-20180511013528904.htm
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-61-2017-TT-BTC-cong-khai-ngan-sach-don-vi-du-toan-to-chuc-ngan-sach-nha-nuoc-ho-tro-334648.aspx