LTS: Tiếp tục cuộc trò chuyện với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định rằng, trong bất cứ tình huống nào, công tác cán bộ cũng là vấn đề sống còn của Đảng, cũng là sự tồn vong của dân tộc.
Quyết liệt, dám chịu trách nhiệm
Bác Hồ dạy rằng “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Lời dạy của Người muôn đời vẫn đúng.
Nhớ lại nhữngthập niên 60, 70 của thế kỷ 20, đất nước còn chiến tranh, gian khổt lắm, mọi thứ đều thiếu thốn. Cán bộ phần lớn trưởng thành từ thực tiễn, trường học lớn nhất làthực tiễn cách mạng.
Họ là những người có cuộc sống trong sáng, tràn đầy nghị lực, luôn tìm cái mới để thay thế cho cái cũ lạc hậu.
Đồng chí Kim Ngọc là một điển hình. Đắm mình vào cuộc sống của dân, thấu hiểu nỗi khổ của dân, ông đã mạnh dạn đưa ra chủ trương phù hợp với thực tiễn ở địa phương.
Ông được nhiều người gọi là "cha đẻ của khoán hộ" (quen gọi là “khoán mười”), với câu nói nổi tiếng: “Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”.
Ông Vũ Mão: "Đảng sẽ gặp nguy nếu người cộng sản tự cao, ngạo mạn, mất đoàn kết". ảnh: Ngọc Quang. |
Đồng chí Đoàn Duy Thành khi là Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo và tổ chức đắp đập Đình Vũ và đắp đê đường 14, lấn ra biển một diện tích ngang với huyện Tiên Lãng.
Từ việc đắp đê đường 14 đã thành lập thêm được hai xã; để ghi nhớ công lao của Đoàn Duy Thành, nên đã đặt tên xã mới là Hải Thành và Tân.
Đồng chí Võ Chí Công cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao khác cũng rất sôi nổi, sâu sát với đời sống của dân. Họ là những người có công rất lớn trong “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (quen gọi là khoán 100).
Đồng chí Võ Văn Kiệt cũng là người rất nổi tiếng với tư duy đổi mới, quyết liệt, sẵn sàng lao vào việc khó.
Đồng chí là người có chủ trương và trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường dây 500kV vào năm 1994. Công trình này đã giải quyết được cơ bản tình trạng mất điện ở miền Trung và miền Nam sau đó.
Họ là những người lăn lộn và trưởng thành trong thực tiễn, là những nhân vật đi vào lịch sử của đất nước mà nhân dân mãi còn thương nhớ.
Tôi phải dông dài một chút, nhắc lại một số đồng chí như vậy để thấy rằng, sự thành công của người lãnh đạo – chiến sĩ cộng sản là luôn đắm mình với đời sống của dân; khi có tin bất lợi cho dân thì ngay lập tức xuống địa bàn tìm hiểu và giải quyết; không quan cách, không nặng về lý thuyết, mà rất coi trọng thực tế. Dân tin yêu các đồng chí bởi những lẽ ấy.
Bây giờ, chúng ta đang thấy nhiều lãnh đạo rất sôi nổi, quyết liệt như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Đinh La Thăng... Đất nước cần nhiều hơn nữa những cán bộ lãnh đạo mạnh mẽ như vậy.
Công tác cán bộ của Đảng ta cần đổi mới thực chất và mạnh mẽ. Làm theo kiểu cũ thì rất khó tìm ra người tài, người thực sự vì dân, đấy là mầm mống tai họa.
Đảng sẽ gặp nguy nếu người cộng sản tự cao, ngạo mạn, mất đoàn kết.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: "Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ Cộng sản mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức".
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết tháng 10/1947, Người đã nói: "Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả, điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư".
Cần có tranh cử, kể cả đối với nhân sự cấp cao
Theo dõi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mấy hôm nay, tôi thấy rất lo lắng khi có đồng chí chia sẻ rằng, nhiều Vụ trưởng, Giám đốc Sở đi thi chuyên viên cao cấp mà cứ “lơ mơ, làng màng”.
Cấp Vụ trưởng hay Giám đốc Sở là cán bộ quan trọng của ngành, của địa phương, ấy thế mà trình độ non kém thì thật đáng lo.
Vậy nên trong dư luận xã hội chẳng thiếu gì những chuyện về ông nọ, bà kia trình độ thì làng nhàng, thực tiễn cũng kém cỏi nhưng bỗng dưng lại được đặt vào những vị trí quản lý quan trọng ở đây đó.
Dẫu chẳng nhìn thấy tường tận sự việc, nhưng cứ thấy vậy là dân ta sẽ nói rằng “chạy chức chạy quyền” hay “bè phái”, vì nếu không rơi vào một trong hai cái giỏ ấy thì làm sao leo lên cao được khi mà trình độ non kém.
Có lần, tôi đã nói rằng nhân dân rất công bằng khi đánh giá lãnh đạo, vì vậy cho nên dù anh có leo được lên cao mà không sống được trong lòng dân, không được dân tin yêu quý trọng thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.
Ở ta những năm gần đây khi đánh giá về cán bộ thường hay nặng về mặt bằng cấp, thế nên ai cũng cố có được bằng này bằng khác, càng nhiều bằng càng oai và càng đẹp hồ sơ, tiện bề đua tranh để làm ông nọ, bà kia.
Rồi thì có nhiều người rất giỏi dù họ chỉ là cử nhân, nhưng để được đề bạt thì cũng vẫn phải đi học thạc sĩ (dù ai cũng hiểu làm vậy không giải quyết được gì), nhưng người ta vẫn chấp nhận như cái lệ trong đời sống xã hội.
Tôi nghĩ rằng, bằng cấp cũng quan trọng, nhưng để đánh giá một cán bộ cần có cách nhìn toàn diện. Đạo đức là cái gốc, thâm niên và từng trải trong thực tiễn (dù có vấp váp) là thước đo quan trọng. Chọn người làm quản lý thì cần thi tuyển để cọ sát, tạo sự cạnh tranh công bằng.
Ông Vũ Mão cho rằng, cần phải phát huy sáng kiến thi tuyển lãnh đạo ở cấp cao. ảnh: TTBC. |
Vừa rồi Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thi tuyển Vụ trưởng Vụ Vận tải; thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ; và mới nhất là thi tuyển Cục trưởng Cục đường sắt. Đó là những việc làm tốt.
Tỉnh Quảng Bình thì tổ chức thi tuyển Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới; thi tuyển Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bố Trạch.
Tỉnh Quảng Ninh thì đã thi tuyển các vị trí phó giám đốc các sở Nội vụ, Tài nguyên Môi trường, Tư pháp, Ngoại vụ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Giao thông vận tải.
Điều rất thú vị là ngay cả những cán bộ chưa phải đảng viên cũng được dự tuyển công bằng.
Cách đây ít ngày, Bộ Tư pháp cũng công bố kế hoạch thi tuyển các vị trí cấp cao như: Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật; thi tuyểnHiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội; thi tuyển Giám đốc Học viện Tư pháp và Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.
Tôi mong rằng từ việc tổ chức thi tuyển ấy, chúng ta sẽ có nghiên cứu để sớm tiến tới đổi mới thực sự trong công tác nhân sự cấp cao hơn.
Tôi nhớ lại, vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII năm 1988 đã diễn ra chuyện tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) giữa đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt.
Đó là minh chứng cho nỗ lực đổi mới của Đảng ta, nhưng tiếc là sau này lại không duy trì được dấu son ấy.
Trước mắt, theo tôi dù chưa có tranh cử Bộ trưởng, nhưng chí ít là khi được Quốc hội phê chuẩn thì ông Bộ trưởng cũng cần phải trình bày công khai về Chương trình hành động của mình.
Như vậy nhân dân sẽ nắm được kế hoạch cơ bản của các Bộ trưởng và sẽ có nhiều góp ý giúp cho Bộ trưởng làm việc tốt hơn.
Chúng ta biết rằng, 3 năm liền Tổ chức minh bạch xếp Việt Nam ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Dù chỉ là thông tin tham khảo, nhưng đấy cũng là chuyện đáng buồn, xấu hổ, và cũng rất đáng lo.
Thực tế ấy một lần nữa cho thấy công tác cán bộ là thách thức cho Đảng ta khi Đại hội XII sắp đến gần.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của ông!