Tiếc cho ông Trần Đăng Tuấn
Việc ông Trần Đăng Tuấn không vượt qua được vòng Hiệp thương thứ ba do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hà Nội, với tỷ lệ tín nhiệm 15,66% để lại nhiều tiếc nuối cho nhiều người.
Trước đó tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác, ông Trần Đăng Tuấn đều đạt tín nhiệm 100%.
Trao đổi với giới truyền thông sau khi nhận thông tin mình bị loại sau hiệp thương vòng 3, nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cho biết, ông không bất ngờ với kết quả này: “Tôi hiểu họ khó hơn tôi”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng bày tỏ sự tiếc nuối “vì không có những điều kiện mà tư cách Đại biểu Quốc hội đem lại để thực hiện dù chỉ một phần những công việc như kế hoạch đã đặt ra”.
Có lẽ cái tiếc của ông Tuấn cũng là sự tiếc của nhiều cử
tri. Bởi lẽ “hiệu ứng Trần Đăng Tuấn” với những việc làm thiết thực, trong đó phải kể đến quỹ "Trò nghèo vùng cao" và chương trình từ thiện nổi tiếng "Cơm có thịt", đã tạo ra dấu ấn, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Chính vì sức ảnh hưởng lớn của mình, khi ông tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, hầu hết trên các diễn đàn, mạng xã hội đã dậy lên làn sóng ủng hộ.
Nhiều người đặt niềm tin, hy vọng ông Tuấn sẽ lọt vào danh sách bầu cử và trúng cử đại biểu Quốc hội, để có điều kiện nhiều đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Ông Trần Đăng Tuấn với trẻ em vùng cao (ảnh: Viết Cường). |
Quan điểm của người viết cho rằng, việc ông Trần Đăng Tuấn không có tên trong danh sách bầu Đại biểu Quốc hội sau khi vòng hiệp thương thứ 3 kết thúc, chưa hẳn đồng nghĩa với hai từ "thất bại".
Bởi lẽ, điều lớn nhất ông Tuấn nhận được đó là “tín nhiệm, ủng hộ của cộng đồng”, có lẽ gấp nhiều lần so với số lá phiếu ông nhận được sau khi hiệp thương vòng 3 kết thúc.
Và cũng bởi nói theo cách nói của nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam: “Tôi có nhiều cách để đóng góp cho xã hội”.
Đến đây, tác giả xin mượn lời của một độc giả để kết lại "câu chuyện Trần Đăng Tuấn", mà chắc hẳn không ít người sẽ đồng tình với quan điểm này.
“Tôi chưa từng kỳ vọng những người như ông Trần Đăng Tuấn rồi sẽ "đi một lèo" từ một nhà hoạt động xã hội vào thẳng hội trường Diên Hồng, dù ông có bằng tiến sĩ và uy tín khá cao trong cộng đồng, ít nhất là với “Cơm có thịt".
Cũng đừng thất vọng thay cho ông ấy vì, đi được đến ngày hôm nay, nhíu mắt cười trên hàng trăm trang báo, hàng ngàn trang mạng, hàng triệu link facebook, đã là sự "trúng cử" mà chính ông có thể tự hào.
Như ông đã thấy, những lá phiếu dành cho ông, đã đến từ nhiều tháng nay, ngay cả khi "hiệp thương" chưa hoàn tất! Cuộc đời bao la và vẫn đẹp, như thung lũng, như thảo nguyên xanh, phía sau tấm ảnh này, anh Tuấn à!
Xin vỗ tay cho một người mạnh mẽ, trí tuệ và tử tế...”, nhà báo Hoàng Anh Minh, bình luận trên trang cá nhân của mình.
Các ứng viên cần được đối xử công bằng
Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 20/4, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi ông Trần Đăng Tuấn không lọt vào danh sách bầu cử Đại biểu Quốc hội.
“Về sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, ông Tuấn vượt trội hơn nhiều so với một số người, bởi ông thực sự là người có năng lực, uy tín, tầm ảnh hưởng, được dư luận ủng hộ.
Ngay từ ban đầu tôi nghĩ với sự ảnh hưởng của mình, ông Tuấn sẽ ứng cử viên sáng giá sẽ lọt vào danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội, nhưng…
Tôi tiếc cho ông Tuấn!
Luật sư Phạm Quốc Bình (ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Trong khi đó, Luật sư Phạm Quốc Bình – Phó Giám đốc Công ty luật Long Hà cho rằng, việc ông Trần Đăng Tuấn bị loại khỏi vòng hiệp thương thứ 3 có phần chưa thuyết phục.
“Ở đây phải thấy rằng, Mặt trận Tổ quốc giống như “đại cử tri”. Cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi làm việc đã tín nhiệm rồi, tại sao khi đến Mặt trận Tổ quốc - cửa "gác gôn" cuối cùng lại loại bỏ người ta? Vậy tính đại chúng của Mặt trận thể hiện như thế nào trong trường hợp này?”, Luật sư Bình băn khoăn.
Luật sư Phạm Quốc Bình cũng cho rằng, việc ông Tuấn bị loại khỏi danh sách bỏ phiếu là một điều đáng tiếc.
“Câu hỏi đặt ra là trong số 38 người ứng cử đại biểu Quốc Hội được giới thiệu thì không ai bị loại.
Còn trong số 48 người tự ứng cử thì chỉ được 2 người. Có chắc 2 trong tổng số 48 người tự ứng cử đó đã hơn được một trong số những người bị loại?”.
Do đó, cách nói “so bó đũa chọn cột cờ” mà một vị đại diện Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hà Nội đưa ra khi đề cập tới trường hợp ông Trần Đăng Tuấn bị loại, sau khi vòng hiệp thương thứ 3 kết thúc, chưa có tính thuyết phục, vô hình chung việc làm đó khiến dư luận quần chúng thắc mắc, nghi ngờ”, Luật sư Bình nêu quan điểm.
Từ những băn khoăn trên, Luật sư Bình đề xuất, cần xem xét mở rộng “quyền” cho người tự ứng cử, để họ có điều kiện phát huy được năng lực, cống hiến cho đất nước.
“Xét dưới góc độ người làm công tác luật pháp, tôi cho rằng, lẽ ra chúng ta nên để những người tự ứng cử được tự hiệp thương trong nhóm.
Có thể trong trường hợp này, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc sẽ đứng ra với vai trò là người trung gian, trọng tài, mời các ứng viên tự ứng cử đến họp bàn, chứng kiến họ tự hiệp thương với nhau, chọn người đại diện ra ứng cử”, ông Bình đề nghị.
Không thể có chuyện một ứng cử viên đại biểu Quốc hội (người được giới thiệu) hiện là thành viên trong Ủy ban bầu cử hoặc là thành viên trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (cơ quan tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba) lại tự giơ tay đồng ý giới thiệu mình ra ứng cử, đồng thời cũng là người giơ tay gạt bỏ những ứng cử viên khác. Cùng 1 người đóng 3 vai, tôi cho là việc hiệp thương sẽ thiếu khách quan.
Đây là điểm “mờ” của pháp luật. Và, tới đây những điểm này cần phải được cụ thể hóa trong Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân", Luật sư Bình kiến nghị.