Chiều ngày 7/1, phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo. Trong đó, một phần lớn thời gian buổi xét xử này, Dương Chí Dũng đã trình bày chi tiết về nhân vật đã mật báo thông tin cho Dũng bỏ trốn vào ngày 17/5/2012.
Theo đó, Dương Chí Dũng đã khai rằng, vào sáng ngày 17/5/2012, ông có gọi điện thoại cho một cán bộ của Bộ Công an nhưng không bắt máy. Trưa cùng ngày, Dũng gọi điện lại cho vị cán bộ kia thì được vi cán bộ này cho biết chiều cùng ngày Chính phủ sẽ nghe báo cáo liên quan đến những sai phạm của Vinalines. Vì lo lắng, chiều ngày hôm đó, Dũng loanh quanh ở khu vực nhà riêng vị cán bộ kia trên đường Lý Thường Kiệt để đợi gặp vị cán bộ này.
Tới khoảng 17 – 18h00 cùng ngày thì vị cán bộ cấp cao gọi điện lại cho Dương Chí Dũng và thông báo: “...đã chấp thuận khởi tố, bắt tạm giam chú, chú tạm lánh đi một thời gian.” Sau đó vị cán bộ kia đã bảo Dũng tắt máy điện thoại. Thế rồi Dũng bỏ trốn.
Dương Tự Trọng. |
Đáng chú ý, Dương Chí Dũng khai thêm rằng, trước thời điểm bỏ trốn, Dũng đã nhận được giấy mời của Cục C48 đề nghị đến ngày 7/5 sẽ tới trụ sở cơ quan này để làm việc về vấn đề mua ụ nổi 83M của Vinalines. Ngay thời điểm đó, Dũng đã tính chuyện nhờ "ông anh" nói trên “lo việc” cho mình.
Theo lời khai của Dũng, ngày 29/4, Dũng cùng vợ đã cùng vợ tìm tới nhà riêng của vị cán bộ kia ở Quảng Ninh nhằm nhờ nhân vật này giúp Dũng tránh bị điều tra về những sai phạm ở Vinalines. Trong lần gặp gỡ đó, Dũng đã biếu vị cán bộ kia 10.000 USD. Đáp lại món quà đó, vị cán bộ kia chấn an Dũng rằng: “Chú là Chủ tịch tập đoàn, chỉ vào những văn bản, giấy tờ thì không vấn đề gì đâu. Mọi chuyện cứ để anh lo...”
Đến ngày 2/5, Dũng một mình tìm tới căn hộ của vị cán bộ kia trên phố Lý Thường Kiệt. Khi đi, Dũng mang theo một túi đen bên trong đựng 500.000 USD. Tới nơi, Dũng gặp vị cán bộ này ngồi ở quan nước tầng 1 tòa nhà. Thấy Dũng, vị cán bộ này một tay chỉ xuống đấy, một tay chỉ lên trên ý bảo Dũng cứ lên trước. Trước khi đi lên, Dũng đã để túi tiền xuống gần chỗ ngồi của vị cán bộ cấp cao kia.
Khi hai người trò chuyện tại căn hộ riêng, vị cán bộ kia đã đề nghị Dũng sử dụng số điện thoại rác để tiện liên lạc. Tại cuộc nói chuyện này, vị cán bộ có gọi điện cho một lãnh đạo C48 (Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng - PV) nhưng người này không bắt máy. Thấy vậy Dũng xin số để tiện liên lạc. Vì ngại nên sau đó Dũng cũng không dám gọi cho vị lãnh đạo C48.
Tối ngày 6/5, Dũng lại đến nhà vị cán bộ và nhờ con trai ông này dẫn đến nhà lãnh đạo C48 nói trên. Khi tới nơi, Dũng có tặng một cán bộ khác “món quà” gồm 20.000 USD và 1 chai rượu. Mục đích tặng quà của Dũng là để vị này “giúp” trong việc Dũng bị triệu tập điều tra việc mua ụ nổi 83M.
Theo lịch hẹn, sáng hôm sau Dũng đến trụ sở C48 để làm việc và xin được số điện thoại của một cán bộ khác tại cơ quan này. Sau đó, Dũng đã chủ động gọi điện, đến thăm và lại biếu vị cán bộ này phong bì bên trong có 10.000 USD.
Dương Chí Dũng khai nhận tại tòa. |
Ngày 14/5, Dũng gọi điện cho vị cán bộ ("ông anh") thì được ông này thông báo: “Tình hình căng thẳng, C48 đề nghị khởi tố 3 người, trong đó đứng đầu là chú.” Nghe vậy, như thường lệ, Dũng chỉ biết xin vị cán bộ này “giúp đỡ”.
Đến ngày 17/5 thì Dũng nhận được cuộc điện thoại của vị cán bộ nói trên thông báo có lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với Dũng và Dũng đã bỏ trốn.
Chưa Dừng lại ở đó, Dũng còn khai rằng, ngoài khoản tiền 500.000 USD và 10.000 USD nói trên, còn một lần khác Dũng đã giúp bà Lan (Công ty Vạn Thịnh Phát ở TP Hồ Chí Minh – PV) chuyển khoản tiển 1 triệu USD cho vị cán bộ của Bộ Công an.
Về lần đưa tiền này, Dũng cho biết không nhớ rõ là ngày nào, nhưng đó là vào năm 2010. Khi đó bà Lan có nhờ một người khác đưa tiền cho Dũng để Dũng chuyển cho vị cán bộ. Hôm đó Dũng gọi điện cho vị cán bộ này và được biết khoảng 5 giờ chiều ông sẽ về nhà. Dũng cầm 1 triệu USD để trong hai túi.
Gặp vị cán bộ, Dũng cùng ông này bước vào thang máy tòa nhà rồi lên căn hộ của ông. Khi vị cán bộ bước qua phòng khách, đi vào căn phòng phía trong, Dũng cũng đi theo rồi đặt hai túi tiền ở gần cửa phòng. Sau đó Dũng quay ra ghế sô pha ở phòng khách ngồi uống nước.
Sau khi nghe những lời khai nói trên của Dương Chí Dũng, đại diện Viện Kiểm sát nhận định đây là những tình tiết mới của vụ án và sẽ kiến nghị HĐXX xem xét. Cuối giờ chiều phiên xét xử ngày 7/1, Viện Kiểm sát đã đề nghị khởi tố thêm vụ án “Cố ý tiết lộ bí mật công tác” để điều tra làm rõ về tình tiết có nhân vật đã mật báo thông tin để Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Đồng Xuân Phong - một tội phạm trốn lệnh truy nã giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn. |
Về tình tiết Dương Chí Dũng tố cáo một số cán bộ trong ngành công an tham ô, Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX có đề nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ.
Dương Chí Dũng cũng trình bày thêm rằng, sau khi bị tuyên án tử hình tại phiên tòa xét xử sơ thẩm về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản diễn ra vào các ngày 12-13-14 và 16/12/2013 vừa qua, Dũng đã viết đơn tố cáo gửi tới nhiều lãnh đạo Nhà nước. Trong đó Dũng cũng trình bày chi tiết các vấn đề mà Dũng đã khai ở trên.
Cùng với đơn tố cáo, Dương Chí Dũng cũng đã gửi đơn kháng cáo tới cơ quan chức năng. Dũng cho rằng bản án tử hình mà HĐXX đưa ra tại phiên xét xử sơ thẩm là quá nặng. Trong đó, Dũng vẫn khẳng định mình bị oan về tội Tham ô tài sản. Dũng cho rằng, tới thời điểm này bị cáo vẫn không hề biết gì về khoản tiền 1,666 triệu USD được cho là tiền “lại quả” từ vụ mua bán ụ nổi 83M.
Liên quan đến tội danh của những bị can đã tổ chức cho Dương Dũng trốn đi nước ngoài, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines khai rằng: “Khi nhận được cuộc điện thoại báo tin mình bị khởi tố và bắt giam, tôi hoảng quá nên mới bỏ trốn. Tôi nghĩ mình chỉ mắc một số sai phạm nhỏ nên tránh đi một thời gian, đợi khi cơ quan điều tra làm sáng tỏ sự việc thì lại trở về.”
Dương Chí Dũng cho rằng, chính ông là người có ý định và khởi xướng kế hoạch bỏ trốn và mong tòa giảm nhẹ hình phạt đối với em trai Dương Tự Trọng cùng các đồng phạm trong vụ án này. Dũng nói: “Việc bỏ trốn tất cả là do tôi. Ban đầu tôi định đi sang Trung Quốc. Nhưng sau khi thấy hướng đi đó xấu. Lúc đó tôi lại có hộ chiếu, visa nhập cảnh vào Mỹ nên tôi mới quyết định chuyển hướng vào phía Nam rồi sang Campuchia, sau đó sang Mỹ.
Các anh em (ý chỉ Dương Tự Trọng và đồng phạm trong vụ án Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài – PV) ở đây chỉ hỗ trợ tôi bỏ trốn vì tình cảm anh em chứ không vì mục đích vụ lợi cá nhân nào. Chỉ vì tôi mà các anh em đã bị liên lụy. Vì vậy xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”./.