15h45 phút chiều nay, phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng kết thúc phần xét xử, trước khi chuyển sang phần tranh luận, Việ Kiểm sát đưa ra đề nghị các mức án phạt đối với các bị cáo.
Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt:
Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng) mức án 18-20 năm tù về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài với vai trò chủ mưu.
Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trận tự xã hội, Công an TP Hải Phòng) mức án 17-18 năm về tội Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài với vai trò chủ mưu.
Dương Tự Trọng. |
Các bị cáo Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng); Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Cục Hải quan TP Hải Phòng, bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố bị can, truy nã, đang bỏ trốn vào thời điểm đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn); Trần Văn Dũng (ở Bắc Kạn) mỗi bị cáo bị đề nghị mỗi bị cáo 6-7 năm tù về Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài với vai trò đồng phạm giúp sức.
Bị cáo Phạm Minh Tuấn (bạn thân của Trọng, nguyên Giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng) bị đề nghị án phạt 5-6 năm tù cùng tội danh trên.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc Dương Chí Dũng tố cáo một cán bộ cấp cao của Bộ Công an mật báo thông tin để Dũng bỏ trốn, Viện Kiểm sát đề nghị khởi tố thêm vụ án “Cố tình tiết lộ bí mật công tác” để điều tra làm rõ.
Trong phiên xét xử chiều này, Dương Chí Dũng tố cáo một số cán bộ trong ngành công an nhận hối lộ. Về vấn đề này, Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX có đề nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ.
Vũ Tiến Sơn |
Sau khi nghe đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư bào chữa cho Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn đều cho rằng đề nghị này chưa thỏa đáng và hồ sơ vụ án có nhiều thiếu sót.
Theo Luật sư Hưng, bào chữa cho Dương Tự Trọng, việc kết luận bị cáo Trọng về tội tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài với vai trò chủ mưu là chưa có cơ sở. Bởi ở đây, Dương Chí Dũng là người có ý định đi trốn và Trọng cũng như các bị cáo khác chỉ giúp cho Dũng đi trốn.
Cũng theo ông Hưng, việc Viện Kiểm sát kết các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là chưa thỏa đáng. Theo ông Hưng, trong vụ án này chỉ có 1 người trốn ra nước ngoài và Dương Tự Trọng giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn khi chỉ mới biết Dũng bị khởi tố chứ chưa hề biết Dũng có phạm tội nghiêm trọng hay không. Nếu Trọng biết chắc chắn Dũng phạm tội gì và mức độ nghiệm trọng ra sao mà vẫn giúp Dũng bỏ trốn thì có thể mức độ phạm tội sẽ nghiệm trọng hơn.
Luật sư Hưng cũng cho rằng bản cáo trạng do Viện Kiểm sát đưa ra đã thiếu sót khi chưa đề cập đến nhân thân, thành tích tốt của bị cáo Trọng. Đây được coi là một yếu tố giúp thân chủ ông được giảm nhẹ hình phạt.
Hoàng Văn Thắng |
Cùng quan điểm với Luật sư Hưng, Luật sư Hùng bảo vệ cho Vũ Tiến Sơn cũng không bằng lòng với kết luận của Viện Kiểm sát khi cho rằng các bị cáo trong vụ án này đã dùng thủ đoạn tinh vi như thường xuyên thay đổi sim rác, nơi trốn.
Theo ông Hùng, tâm lý chung của người phạm tội là họ tìm mọi cách để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Vì vậy, hành vi của các bị cáo trong vụ án này là bình thường chứ không tinh vi và đặc biệt nghiêm trọng. Hơn nữa, vào thời điểm giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn, các bị cáo và cả bản thân Dương Chí Dũng cũng chưa biết mình phạm tội gì và mức độ nghiêm trọng như thế nào. Hành vi của các bị cáo cũng chưa ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước.
“Việc Dương Chí Dũng phạm tội ở Vinalines là lỗi của Dũng và cá nhân ông phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, HĐXX cần phải xem xét rằng, việc đưa một người phạm tội nghiêm trọng ra nước ngoài không có nghĩa là những người thực hành vi đưa đó cũng phạm tội nghiêm trọng,” Luật sư Hùng nói./.