Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Hầm Hải Vân nứt thông thường!

03/11/2012 07:40
Các vết nứt đều nằm ở đoạn hầm do liên danh Sông Đà thi công, có đoạn kéo dài trên 2 m.

Liên quan đến việc hầm đường bộ Hải Vân sau thời gian nhận bàn giao đưa vào khai thác đã xuất hiện nhiều vết nứt dọc - ngang trên vòm và thành hầm nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Ngày 1-11, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Huy Thành, Trưởng Phòng Quản lý giao thông - Khu Quản lý đường bộ 5, cho rằng đó chỉ là những vết nứt thông thường trên bề mặt bê tông bên ngoài của kết cấu chịu lực nên không ảnh hưởng gì đến độ an toàn của hầm.

Hầm Hải Vân nứt thông thường! ảnh 1
Các vết nứt trong hầm đường bộ Hải Vân

Trưa 2-11, khi đi qua hầm đường bộ Hải Vân, chúng tôi dễ dàng nhận thấy trong hầm xuất hiện hàng loạt vết nứt dọc - ngang hai bên thành và đường vòm. Điều đáng lưu ý là hầu hết các vết nứt đều nằm ở đoạn hầm phía Nam, do liên danh Sông Đà (Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà) - Dong Ah )Hàn Quốc) thi công. Đoạn hầm bị vết nứt nhiều nhất là đoạn cách cửa hầm phía Nam khoảng 200 - 300 m.

Nơi đây xuất hiện rất nhiều vết nứt chân chim và có cả vết nứt chạy dài trên 2 m. Theo báo cáo của ông Phan Thái, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường V gửi Tổng cục Đường bộ, trên đỉnh vòm hầm đã xuất hiện một số vết nứt, ngang và dọc, gây thấm và dột nước xuống mặt đường xe chạy. Theo lý giải của một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco), việc thấm dột là do hơi nước ẩm kết tụ lại hay đơn giản là “những giọt mồ hôi” chảy ra từ chiếc áo bê tông.

Theo báo cáo của Khu Quản lý đường bộ 5, hiện các vết nứt đang có nguy cơ phát sinh và phát triển theo đa phương, trong khi điều kiện trang thiết bị kiểm tra còn nhiều hạn chế và việc kiểm tra theo dõi chỉ bằng mắt thường nên không đánh giá  hết mức độ nguy hại của các vết nứt. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định hầm vẫn an toàn và hoạt động bình thường.

Cũng theo ông Thành, hầm đường bộ Hải Vân chính thức đưa vào khai thác từ tháng 6-2005, thời gian bảo hành là 24 tháng nên đến nay đã hết thời hạn bảo hành. Vì vậy, Khu Quản lý đường bộ 5  tiếp tục kiến nghị Tổng cục Đường bộ cho lập dự án sửa chữa khắc phục hư hỏng trên bằng nguồn kinh phí sửa chữa đường bộ 2012. “Hằng năm, Khu Quản lý đường bộ 5 cho sửa chữa hầm bằng nguồn vốn quản lý và bão dưỡng thường xuyên bằng biện pháp bơm keo cường độ cao vào các khe nứt. Dù vậy, hiệu quả không cao, đến nay các vết nứt này phát sinh ra các vị trí khác, nước vẫn thấm dột từ trên đỉnh vòm hầm” -  ông Thành nói.

ThS Nguyễn Văn Mỹ, Phó trưởng Khoa Xây dựng cầu đường - Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, cho rằng  một công trình mà xảy ra nhiều vết nứt là không bình thường. Nếu vết nứt chỉ nằm ở bề mặt bê bông phủ ngoài lớp chịu lực thì không ảnh hưởng đến độ an toàn của hầm, nếu lún sâu vào tận bên trong lớp chịu lực thì rất nguy hiểm, cần phải khắc phục ngay.

Đánh giá lại chất lượng đường hầm sông Sài Gòn

Ngày 2-11, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Đô thị TPHCM  (Ban Giao thông đô thị) cho biết nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đang tiến hành xử lý những vết thấm còn lại trong đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) từ nay đến ngày 2-12. Theo Ban Giao thông đô thị, sau đợt xử lý trước (từ ngày 23-7 đến 21-9), các vị trí thấm và mức độ thấm trong đường hầm đã giảm rõ rệt, hiện chỉ còn những vết thấm ở mức độ nhẹ. Sau khi hoàn tất đợt sửa chữa này, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục quan trắc để đánh giá tình trạng thấm trong đường hầm sông Sài Gòn và báo cáo Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước.

 Hiện Ban Giao thông đô thị đang chọn đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, đánh giá tuổi thọ, kiểm định chất lượng của đường hầm sau quá trình chống thấm.

Bài và ảnh: HOÀNG DŨNG/Người lao động