Hãy trả lại tên ngôi trường Hồng Chiêm

19/02/2019 08:24
Trần Phương
(GDVN) - Đã từng có một ngôi trường mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm, người con gái đất biển anh hùng đã hi sinh anh dũng vào ngày 17/2/1979.

Đóa Hồng Chiêm trên đỉnh Pò Hèn

Những ngày tháng Hai lịch sử, cả nước hướng về biên cương phía Bắc của Tổ quốc, nơi cách đây 40 năm đã diễn ra cuộc chiến vệ quốc anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Tại đỉnh chốt Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh), một tượng đài sừng sững đã được xây dựng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc của lớp lớp cha anh.

Tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh ngày 17/2/1979 trên đỉnh Pò Hèn có một liệt sĩ duy nhất là nữ mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm, người con gái anh hùng của đất biển Bình Ngọc (Móng Cái, Quảng Ninh).

Tượng đài liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm tại Trường trung học cơ sở Bình Ngọc. (Ảnh: Lại Cường)
Tượng đài liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm tại Trường trung học cơ sở Bình Ngọc. (Ảnh: Lại Cường)

Trong ký ức của cựu chiến binh Hoàng Như Lý, cán bộ trinh sát của đồn Công an vũ trang 209 (nay là đồn biên phòng Pò Hèn), Hoàng Thị Hồng Chiêm không chỉ là cô mậu dịch viên dễ mến, đẹp người đẹp nết, mà còn là người đồng đội anh hùng trong chiến đấu.

Cựu chiến binh Hoàng Như Lý nhớ lại: “Trong giờ phút chiến đấu cam go ác liệt, Hoàng Thị Hồng Chiêm xuất hiện với khẩu súng K44 đã đỏ nòng.

Trước đó, Chiêm đã chiến đấu với quân địch từ dưới cửa hàng mậu dịch. Sau khi hết đạn, Hồng Chiêm đã tiến lại đồn Công an vũ trang tiếp tục sát cánh với anh em chiến sĩ của đồn chiến đấu rất anh dũng”.

Vốn là chiến sĩ của Trung đoàn 8 làm đường Ba Chẽ, chuyển về cửa hàng Pò Hèn tháng 5/1975, Hoàng Thị Hồng Chiêm có nhiều kinh nghiệm chiến đấu.

Sau 40 năm, ký ức của cựu chiến binh Hoàng Như Lý vẫn nhớ như in giờ phút chiến đấu anh dũng của cô gái đất biển Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Thấy các đồng chí của ta bị thương, Chiêm vừa tham gia chiến đấu vừa băng bó vết thương cho đồng đội, cựu chiến binh Hoàng Như Lý kể lại rằng Chiêm chiến đấu rất giỏi, mỗi phát súng là một tên địch đổ xuống.

Anh em trong đồn rất bất ngờ với khả năng, bản lĩnh chiến đấu của cô gái ấy, dù vẫn biết chị đã có mấy năm đã từng đi bộ đội.

Thế nhưng, địch quá đông, lực lượng của ta lại mỏng Hoàng Thị Hồng Chiêm đã cùng các chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường, kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiếc áo màu vàng nhạt, điểm hoa tím mà Hồng Chiêm vẫn thích mặc đã nhuốm đỏ.

Hoàng Thị Hồng Chiêm, cô gái đẹp nết đẹp người ấy đã anh dũng hi sinh trên mảnh đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc khi bước vào tuổi 25.

Hoàng Thị Hồng Chiêm hi sinh khi rất nhiều dự định còn dang dở, một mối tình đẹp với hạ sĩ Nguyễn Văn Lượng, cán bộ chiến sĩ của đồn, một dự định về tổ ấm hạnh phúc tương lai khi cả hai đã xin tổ chức chọn ngày để nên duyên vợ chồng…

Tiếc nuối tên một ngôi trường

Gương chiến đấu của Hoàng Thị Hồng Chiêm đã từng được ngợi ca như một biểu tượng của tuổi trẻ yêu nước, sẵn sàng hi sinh thân mình vì Tổ quốc thân yêu.

Đã có không ít những bài ca viết về người con gái đất biển anh hùng:

“Bên hoa hồi, hoa quế thơm rừng biên giới, có bông hoa Hồng Chiêm thắm đẹp, dưới ánh nắng vàng khoe sắc bản làng”…( Bông Hoa Hồng Chiêm, Nhạc sĩ Dân Huyền).

Di ảnh của người con gái đất biển anh hùng, Hoàng Thị Hồng Chiêm (Ảnh chụp tại gia đình)
Di ảnh của người con gái đất biển anh hùng, Hoàng Thị Hồng Chiêm (Ảnh chụp tại gia đình)

“Cô gái kiên trung, cuộc đời nêu sáng tấm gương; Mang trong mình hào khí Trưng Vương”…(Bài ca trên đỉnh Pò Hèn, nhạc sĩ Thế Song)…

Những bài hát ấy đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.

Năm 1979, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã truy tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc cho liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và ghi tên chị vào trang sử truyền thống của Đoàn.

Để tưởng nhớ công lao hi sinh vì Tổ quốc đồng thời giáo dục thế hệ con cháu mai sau về tấm gương của người con gái đất biển Bình Ngọc, năm 1988 Trường liên cấp 1 - 2 Bình Ngọc được mang tên nữ liệt sĩ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Bức tượng một tay cầm AK, một tay cầm lựu đạn và ánh mắt rực lửa hướng về kẻ thù hiện vẫn được giữ tại ngôi trường.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 112, ngày 18/6/1998 đã đổi tên trường Hoàng Thị Hồng Chiêm thành trường Trung học cơ sở Bình Ngọc.

Sau 40 năm chiến sự nổ ra ngày 17/2/1979, nhiều người dân xã Bình Ngọc (Móng Cái, Quảng Ninh) vẫn nhớ đến người con gái anh hùng của đất biển, còn các chiến sĩ đồn biên phòng Pò Hèn gọi Hoàng Thị Hồng Chiêm là người đồng đội anh hùng.

Đã từng có nhiều ý kiến đồng tình về việc đổi lại tên trường trung học cơ sở Bình Ngọc trở lại thành trường Hoàng Thị Hồng Chiêm và cho đó là việc nên làm.

Trường Trung học cơ sở Bình Ngọc hôm nay (Ảnh chụp ngày khai giảng năm học 2018 - 2019)
Trường Trung học cơ sở Bình Ngọc hôm nay (Ảnh chụp ngày khai giảng năm học 2018 - 2019)

Vấn đề này phóng viên cũng đã từng liên hệ với các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Móng Cái... Nhiều vị lãnh đạo cũng đã cho biết mọi việc sẽ được đưa ra xem xét và bàn bạc.

Tuy nhiên, mới đây, theo một lãnh đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Móng Cái, đơn vị trực tiếp quản lý cấp học trường Trung học cơ sở Bình Ngọc cho biết: “Không thể đổi lại được đâu”.

Khi được hỏi lý do, vị lãnh đạo này cho biết còn có nhiều cái khó.

Việc đổi tên trường đã khiến nhiều thế hệ học sinh, người dân tiếc nuối về một ngôi trường mang tên người con gái sinh ra tại quê hương Bình Ngọc đã sống và chiến đấu hi sinh vì Tổ Quốc.

Tại Phường Hồng Hải, Thành phố Hạ Long vẫn có một con đường mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Trần Phương