Những lớp học đặc biệt ở hai thôn Cát, Trỉa

02/05/2023 06:40
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lớp chỉ 2 học sinh, có lớp chia thành 3 nhóm, nhưng các em rất chăm ngoan, biết tự học, tự làm bài tập để thầy còn "chạy đi chạy lại" giữa các lớp. 

Hai thôn Cát và Trỉa của xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là khu vực thường xuyên bị cô lập, chia cắt giao thông do tác động của thời tiết.

Đây cũng là địa bàn hai thôn xa nhất, nghèo nhất của huyện Hướng Hóa, đường sá đi lại quả thực lắm nỗi gian nan.

Giao thông không thuận lợi đã và đang là rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong đó có việc học hành của trẻ em nơi đây.

Điểm trường thôn Trỉa của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn nằm ngay trên một mỏm đồi khá biệt lập với nhà dân.

Đường vào hai thôn Cát, Trỉa hun hút qua những cánh rừng già. Ảnh: LC

Đường vào hai thôn Cát, Trỉa hun hút qua những cánh rừng già. Ảnh: LC

Thời tiết đang mùa gió Lào khiến mọi thứ dường như bị héo quắt lại, nhưng lớp học với những tiếng đánh vần con chữ của học trò vẫn không ngừng nghỉ.

Các thầy giáo nhiều năm công tác ở xã Hướng Sơn cho biết, việc đi học và dạy học ở thôn Trỉa luôn là nỗi canh cánh của bao thế hệ giáo viên nhà trường nhiều năm qua.

Trước kia, đã có thầy cô giáo khi nhận phân công vào thôn này dạy học đều không thể gắn bó được lâu dài. Trang giáo án có lúc bị bỏ lại dở dang.

Những người thầy đầu tiên vào hai thôn Cát và Trỉa phải mang theo cả rựa để phát cỏ tìm đường. Ở lại trường dạy học rồi lại phải phát cỏ tìm đường ra…

Từ trung tâm vào đến điểm trường, các thầy phải vượt qua “dốc trăm cú” - các thầy lí giải là leo đến đó, đứng lại thở dốc đến cả trăm lần mới lấy lại sức mà đi tiếp. Ở thôn Trỉa ngày ấy, có tiền lương cũng chẳng thể tiêu được vì bà con Vân Kiều không hề biết đến khái niệm mua bán, lương thực, thực phẩm bà con tự nuôi trồng, tự cấp, tự túc hết.

Đường vào hai thôn phải đi qua những con suối. Mùa mưa, những con suối này dâng nước lớn, hai thôn Cát, Trỉa gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Ảnh: LC

Đường vào hai thôn phải đi qua những con suối. Mùa mưa, những con suối này dâng nước lớn, hai thôn Cát, Trỉa gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Ảnh: LC

Muốn mua gì, cần gì, các thầy đều phải lặn lội vài ngày xuống dưới trung tâm huyện, chứ ra trung tâm xã Hướng Sơn cũng không có gì để mua. Các thầy cô giáo chỉ biết trữ muối, cá khô để ăn, cứ lặp đi lặp lại như vậy đến nỗi phải nói vui là…“Mở mắt thấy đồi. Mở nồi thấy muối”.

Mùa mưa, sau giờ lên lớp, các thầy chỉ còn biết giăng mùng soạn bài vì muỗi quá nhiều và đối diện với nguy cơ bị… đói vì đường ra mua thực phẩm bị chia cắt.

Tại đây, không biết bao nhiêu mồ hôi, cả nước mắt các thầy cô giáo đã đổ để sự học tại thôn Trỉa không đứt gánh.

Thầy và trò ở điểm trường thôn Trỉa. (Ảnh: LC)

Thầy và trò ở điểm trường thôn Trỉa. (Ảnh: LC)

Phụ trách điểm trường thôn Trỉa là 2 thầy giáo người Vân Kiều, thầy Hồ Vinh và thầy Hồ Xuân Sinh.

Thầy Hồ Vinh phụ trách lớp 3 trình độ, phòng còn thừa nên thầy Vinh đã tách lớp 3 trình độ thành 2 phòng học, một mình thầy chạy đi, chạy lại 2 lớp để dạy.

Trong phòng học nhỏ xíu, 2 học sinh lớp 2 đang cặm cụi làm bài, khi thầy giáo Vinh đang ở lớp bên cạnh.

Lớp 2 trình độ còn lại do thầy Hồ Xuân Sinh đứng lớp. Lớp học đơn sơ, được chia làm các tổ, nhóm; trong lớp các em đang chăm chú học, nhóm đánh vần, nhóm tính toán…

Lớp học chỉ có 2 học sinh. Ảnh: LC

Lớp học chỉ có 2 học sinh. Ảnh: LC

“Do trường thiếu giáo viên nên 2 chúng tôi phụ trách đứng lớp tất cả các trình độ”, thầy Hồ Xuân Sinh chia sẻ.

Điểm trường thôn Trỉa có tổng số 22 học sinh tuy nhiên, mới đây 1 học sinh đã nghỉ theo bố mẹ đi làm ăn xa nên còn lại 21 em từ lớp 1 đến lớp 5.

Nói về việc dạy 3 trình độ, thầy Hồ Vinh bảo: “Vất vả lắm, nhưng thôi cũng phải cố. Riêng thời gian đi lại 2 lớp đã đủ mệt rồi. Thế nhưng không phân chia thế, một lớp ghép 3 trình độ thì các em không thể tập trung học được”.

Lớp học của thầy Hồ Xuân Sinh ở thôn Trỉa. Ảnh: LC

Lớp học của thầy Hồ Xuân Sinh ở thôn Trỉa. Ảnh: LC

Khi được hỏi học về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các thầy cho biết, đang cố gắng để học sinh được học chương trình ở mức độ cơ bản nhất, chứ còn để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra thì cần có sự đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất và cả giáo viên.

“Ví dụ như Thể dục, Hát nhạc hay Mỹ thuật thì các thầy có thể hướng dẫn các em được, còn Tiếng Anh thì cho các em làm quen bằng cách xem video…”, thầy Sinh cho biết.

“Học trò ở thôn Trỉa thiệt thòi hơn các bạn vùng khác bởi điều kiện sống, địa hình, cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn hơn. Khó khăn thì vẫn còn, nhưng so với điều kiện dạy và học trước kia thì bây giờ cũng đã khá hơn rất nhiều rồi”, thầy Hồ Vinh nói thêm.

Các học sinh người Vân Kiều rất chịu khó, ham học hỏi. Ảnh: LC

Các học sinh người Vân Kiều rất chịu khó, ham học hỏi. Ảnh: LC

Các em học sinh thôn Trỉa phần lớn rất hiếu học, có những cựu học sinh của thôn Trỉa đã vượt rừng thực hiện được ước mơ thành cô giáo và cô giáo ấy lại về chính xã Hướng Sơn để dạy học.

Trường hợp mà các thầy cô tự hào và thường xuyên nhắc đến chính là cô giáo Hồ Thị Mái (sinh năm 1988) – hiện là giáo viên dạy tiểu học tại điểm trường thôn Cát của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn, cách thôn Trỉa 3km.

Lớp học của cô giáo Hồ Thị Mái - cô nữ sinh đầu tiên của thôn Trỉa thành cô giáo. Ảnh: LC

Lớp học của cô giáo Hồ Thị Mái - cô nữ sinh đầu tiên của thôn Trỉa thành cô giáo. Ảnh: LC

Điểm trường thôn Cát thuận lợi hơn khi có 4 thầy cô giáo phụ trách từ lớp 1 đến lớp 5.

Thầy giáo Hồ Văn Thành (sinh năm 1977) – phụ trách điểm trường thôn Cát kể, mấy năm trước, do con đường thường đi từ trung tâm xã vào điểm trường khó khăn, có lúc bị chia cắt, nên có những thời điểm các cô giáo phải chấp nhận đi đường vòng, xa cả trăm cây số về trung tâm để họp.

Nếu đi đường vòng, các thầy cô phải xuống dưới huyện Cam Lộ, rồi vòng qua huyện Đakrông lên Khe Sanh rồi về xã Hướng Phùng, sau đó mới có thể vào lại xã Hướng Sơn.

Con đường ấy dễ đi hơn nhưng lại quá dài, tuy nhiên những lúc con đường gần hơn không thể đi được, thầy cô đành phải chấp nhận bỏ thêm tiền xăng xe để về trung tâm khi có việc chuyên môn cần thiết. Tuy nhiên, sau trận lũ năm 2020, con đường vòng ấy cũng bị sạt lở quá nhiều, có những đoạn sụt hẳn xuống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Con đường tưởng như thuận lợi hơn để về trung tâm xã bị "chặt đứt" do những đoạn sụt lở bởi cơn lũ năm 2020, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Ảnh: LC

Con đường tưởng như thuận lợi hơn để về trung tâm xã bị "chặt đứt" do những đoạn sụt lở bởi cơn lũ năm 2020, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Ảnh: LC

Thầy Thành bảo, khó khăn lớn nhất trong việc dạy học ở đây là bà con người Vân Kiều không quan tâm con cái sát sao được việc học của con. Nếu con không muốn đi học, chính bố mẹ cũng khó bắt con quay lại trường được, bọn trẻ sẽ bỏ vào nương, rẫy hoặc đi nơi khác kiếm việc làm thuê. Chính vì thế các thầy cô giáo vất vả thêm nhiều phần về công tác phổ cập, vận động trẻ đến trường.

Trần Phương