Lớp học xóa mù ở vùng biên Sơn La giúp nhiều bà con lần đầu đọc được cái chữ

16/07/2023 08:01
Hoàng Quỳnh - Lò Dung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Biết được chữ, cuộc đời của những người phụ nữ dân tộc thiểu số đã bước sang một trang mới, họ có hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Bất kể nắng hay mưa, giá lạnh hay nắng nóng, ngày mùa hay lúc nông nhàn, đúng 17 giờ hằng ngày, 50 học viên lớp xóa mù chữ ở điểm trường bản Sum Pàn, thuộc Trường Tiểu học Bản Mé (xã Nà nghịu, huyện Sông Mã, Sơn La) lại có mặt đông đủ để học chữ.

Lớp học xóa mù đặc biệt vùng giáp biên này có nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đến với lớp học bằng khát vọng duy nhất… học lấy con chữ để có thể viết được cái tên, học được kiến thức để phát triển kinh tế và khát vọng ngày mai cuộc sống sẽ khá hơn.

Khai giảng từ tháng 9/2022, lớp xóa mù chữ ở bản Sum Pàn sẽ kết thúc vào cuối tháng 7/2023.

Sau gần 1 năm kiên trì, dù ở đủ các lứa tuổi, nhưng họ cùng tìm đến lớp học với mong mỏi học được cái chữ. Các học viên kiên trì nghe giáo viên giảng bài và chịu khó tập viết chữ để đưa con chữ vào đầu.

Những đôi tay khô ráp thường ngày cầm cuốc, cầm dao, được cô giáo hướng dẫn tận tình, đã có thể viết những chữ cái mềm mại.

Chị em vui mừng trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: LD

Chị em vui mừng trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: LD

Bà Lường Thị Diên, 61 tuổi ở bản Sum Pàn sau giờ lên lớp ở nhà cũng phải nhờ thêm một “thầy giáo” nữa là cháu nội bổ túc thêm.

“Tuổi tôi cao, lâu rồi không học nên cũng khó tiếp thu, học chữ khó khăn hơn làm ruộng nhiều. Nhờ các cô và học thêm cùng cháu nay, tôi đã biết viết, biết đọc tên của mình”, bà Diên tâm sự.

Cô giáo Hà Thị Hoàn, giáo viên trường Tiểu học Bản Mé, người được phân công dạy lớp xóa mù đặc biệt này cho biết: “Học viên của lớp học có nhiều lứa tuổi; có người chưa thạo tiếng phổ thông, nên khi truyền đạt gặp khó khăn, nhất là trong phát âm, viết chữ.

Với phần viết chữ, viết số, học viên trẻ dễ tiếp thu hơn, nhưng học viên lớn tuổi phải hướng dẫn từ cách cầm bút, cầm tay viết từng nét, từng chữ.

Khó khăn là vậy, nhưng hầu hết các học viên đều tích cực học tập. Hiện nay, các học viên đều đã đọc và viết thành thạo".

Chị Giàng Thị Dợ (người dân tộc Mông, sinh năm 2002 ở bản Ngu Hấu, xã Nà Nghịu), học viên lớp xóa mù bản Nà Hin (Trường tiểu học Nà Nghịu) sau 1 năm đã học được con chữ.

Lấy chồng, cặm cụi quanh năm với ruộng đồng không ngơi nghỉ, không biết chữ, cuộc sống Dợ vất vả bao nhiêu năm nay. Dợ còn trẻ, tương lai còn dài nên Dợ thích đi học chữ và là một trong những học viên tích cực, chưa bỏ buổi học nào.

Giờ có chữ, Dợ thấy cuộc đời mình như sang một trang mới khi có thể đọc được chữ, viết được tên mình.

Chị Lò Thị Thỉnh (dân tộc Thái) là một trong những học viên lớn tuổi nhất tại lớp xóa mù bản Nà Hin. Chị sinh năm 1987 nhà ở Bản Mung cũng là một trong những học viên chịu khó nhất lớp.

Con cái đã lớn, nhưng chị Thỉnh vẫn mong học được cái chữ để mình có thể tự đọc được tài liệu của cán bộ khuyến nông, biết chăn nuôi khoa học hơn, trồng cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng để cải thiện kinh tế.

Lớp học xóa mù ở bản Nà Hin. Ảnh: LD

Lớp học xóa mù ở bản Nà Hin. Ảnh: LD

Nhờ chịu khó, chị Thỉnh đã vượt qua khó khăn của những ngày đầu cầm bút. Giờ đây, chị đã viết thạo những đoạn văn dài, đọc hiểu được tài liệu nhiều chữ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Công Viên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã có chia sẻ về công tác xóa mù chữ ở vùng biên cương còn khó khăn này.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã cho biết: “Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2015-2020; 2021-2025, trong thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, mở các lớp xóa mù chữ theo từng giai đoạn.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ cho mọi người; huy động các tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia công tác xóa mù chữ; củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; làm nền tảng vững chắc, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn huyện Sông Mã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, thực hiện công bằng xã hội.

Trong giai đoạn 2015-2020, đã mở 71 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, với trên 2.600 học viên.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến mở 31 lớp xóa mù chữ cho trên 1.500 học viên, đến thời điểm hiện tại ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện mở được 04 lớp, với 228 học viên tại 2 xã: Nà Nghịu, Đứa Mòn”.

Trong quá trình triển khai các lớp xóa mù chữ, ngành giáo dục đã gặp không ít khó khăn vì nhiều nguyên nhân, trong đó, địa bàn huyện rộng, địa hình bị chia cắt, dân cư phân bố rải rác, nên công tác tuyên truyền vận động người dân mù chữ ra lớp ra gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, đối tượng mù chữ đa số đang trong độ tuổi lao động nên thường đi làm ăn xa hoặc ngại tham gia học các lớp xóa mù chữ vì ảnh hưởng đến thời gian lao động.

Cán bộ phụ trách công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là kiêm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Lớp xóa mù chữ được khai giảng từ tháng 9/2022. Ảnh: Phòng giáo dục Sông Mã cung cấp

Lớp xóa mù chữ được khai giảng từ tháng 9/2022. Ảnh: Phòng giáo dục Sông Mã cung cấp

“Trên cơ sở thực tiễn của công tác xóa mù chữ đã và đang diễn ra, ngành giáo dục Sông Mã sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, tăng cường công tác tuyên truyền tới cán bộ, hội viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc biết chữ, từng bước nâng cao nhận thức, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác xóa mù chữ.

Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với từng nhóm đối tượng; tăng cường điều tra đến tận hộ gia đình để đảm bảo số liệu chính xác người mù chữ, tái mù chữ, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ phù hợp cho từng xã;

Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phân công cán bộ chủ chốt của xã, bản, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và các lực lượng khác để vận động từng người mù chữ tham gia học tập và không bỏ học giữa chừng.

Chỉ đạo các đơn vị trường học lựa chọn địa điểm, thời gian tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ tham gia học tập.

Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với những người học và những tham gia dạy xóa mù chữ.

Đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình, tiến hành đánh giá, xếp loại học viên linh hoạt và phù hợp với tình học viên” Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Sông Mã cho biết.

Theo số liệu thống kê, của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, hiện nay, trên địa bàn huyện, tỷ lệ người mù chữ độ tuổi từ 15 - 60 tuổi ở mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình lớp 3) và mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình lớp 5) là gần 7.000 người.

Trên cơ sở số liệu tổng hợp, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch mở 31 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2022-2025 cho trên 1.500 học viên.

Năm 2022, Phòng Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp tổ chức 4 lớp xóa mù chữ cho 228 học viên tại xã Đứa Mòn và Nà Nghịu.

Năm 2023, dự kiến tổ chức 13 lớp xóa mù chữ cho 650 học viên ở 8 xã. Qua đánh giá, đến nay, 19 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Hoàng Quỳnh - Lò Dung