LTS: Quý bạn đọc đang theo dõi bài viết thứ 3 trong loạt bài hồi ức 40 năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, chống Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc, của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão.
Bài viết này tiếp theo bài 2, Bắc Luân – Dòng sông biên giới. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Trên địa bàn Quảng Ninh, Đặc khu Quảng Ninh được thành lập. Các binh đoàn tinh nhuệ đã qua khắp chiến trường, các tướng lĩnh nổi tiếng một thời nay đã về nơi đây gắn bó với miền đất biên cương Đông Bắc.
Các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân chủng, binh chủng được bố trí ở các khu vực chiến lược, đảm nhiệm phòng thủ tuyến biên giới trên bộ và khu vực bờ biển, tuyến đảo Quảng Ninh.
Riêng ở huyện Tiên Yên, số quân của các đơn vị chủ lực đứng chân trên địa bàn huyện đã bằng với số dân sống ở địa phương.
Vị trí miền Đông Bắc quan trọng nên thường xuyên được đón tiếp và làm việc, tiếp nhận sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Trung ương như Đại tướng Lê Trọng Tấn, Bộ trưởng Phan Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Đặng Quốc Bảo…
Việc thành lập Đặc khu và tăng cường các vị tướng lĩnh tài ba trực tiếp chỉ đạo góp phần làm cho nhân dân địa phương tin tưởng, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất biên cương của tổ quốc.
Có thể kể ra đây một số tướng lĩnh và nhân vật tiêu biểu:
Tư lệnh Nguyễn Anh Đệ
Nguyễn Anh Đệ là vị Tư lệnh đầu tiên của Đặc khu Đông Bắc. Ông tham gia cách mạng từ thời kỳ Tiền khởi nghĩa.
Một thời Đông Bắc, ký ức không thể nào quên mùa Xuân năm 1979 |
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông đã có mặt ở khắp các chiến trường và cùng đồng đội lập nên những chiến công hiển hách.
Là Đặc khu mới được thành lập, công việc bộn bề, nhưng với tài năng của một vị tướng sắc sảo, có tầm nhìn chiến lược, chỉ sau mấy tháng, guồng máy của Đặc khu, nề nếp của công việc đã đâu vào đấy.
Có lẽ chính vì thế, ông được rút về sớm để tăng cường cho một vị trí mới của quân đội.
Tôi rất kính trọng ông bởi tư chất khiêm tốn, cởi mở; bởi tâm đức yêu thương và chia sẻ những khó khăn của cấp dưới.
Chỉ 2 ngày sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông đã đến Huyện ủy để trao đổi công việc với tôi.
Tôi thầm nghĩ, một vị tướng, một con người từng trải, lớn tuổi hơn mình rất nhiều mà chủ động đến gặp một Bí thư huyện ủy trẻ tuổi là điều thật là hiếm. Tôi xúc động bởi cử chỉ rất văn hóa của ông.
Ông sinh năm 1925 và mất năm 1985. Tự đáy lòng mình, tôi tiếc thương vô hạn người chiến sĩ kiên cường, vị tướng tài năng đã ra đi vào tuổi 60, đang độ sung sức và chín chắn.
Phó Tư lệnh Sùng Lãm
Sùng Lãm là Phó Tư lệnh một thời gian ngắn, rồi sau đó thay tướng Nguyễn Anh Đệ làm Tư lệnh Đặc khu Đông Bắc.
Trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tướng Sùng Lãm có biệt danh là Hùm Xám mà đồng đội đã tặng cho ông.
Biệt danh ấy, nghe vừa thân thương vừa thể hiện sự khâm phục và kính trọng. Tướng Sùng Lãm sẽ được viết sâu hơn ở phần sau.
Phó Tư lệnh Lê Văn Chiểu
Lê Văn Chiểu là Phó Tư lệnh Đặc khu. Ông là phó giáo sư, tiến sĩ, đang là Hiệu phó Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự được điều động tăng cường cho biên giới.
Lê Văn Chiểu là một trong những chuyên gia vũ khí hàng đầu của đất nước.
Năm 1947, anh được điều động về Phòng Xạ thuật của Nha Nghiên cứu Kỹ thuật.
Cuối năm 1948, yêu cầu đặt ra là phải có súng lớn để xuyên phá được hệ thống công sự bê tông của Pháp, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật triển khai nghiên cứu súng không giật SKZ 60.
Ban nghiên cứu gồm 5 người do anh Nguyễn Trinh Tiếp - Trưởng phòng Xạ thuật - là trưởng ban, chủ trì đề tài.
Anh Lê Văn Chiểu được phân công phụ trách tiến hành các bước thử nghiệm và phụ trách sản xuất loạt « 0 » tức loạt súng thử nghiệm.
Anh là người Việt Nam đầu tiên sang Liên Xô học về Vũ khí ở trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moskva Bauman, Khoa Cơ khí Quốc phòng (nay là Khoa Chế tạo máy đặc biệt), chuyên ngành Vũ khí tự động.
Năm 1957, sau khi tốt nghiệp với bằng đỏ, về nước, anh được bổ nhiệm Phó Phòng Kỹ thuật thuộc Tổng cục Hậu cần (1957-1960), rồi Trưởng phòng Nghiên cứu Vũ khí – Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Quân sự (1960-1966).
Sau một thời gian ở Đặc khu Đông Bắc, anh Lê Văn Chiểu được điều về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.
Anh Lê Văn Chiểu và tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, anh là Phó phòng Xạ thuật rồi Trưởng phòng thì tôi là liên lạc của phòng ấy.
Sau này, trong thời kỳ chống quân Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới tôi là Bí thư Huyện uỷ Huyện Tiên Yên, kiêm Chính uỷ các lực lượng vũ trang thống nhất của Huyện thì anh là Phó Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh.
Chúng tôi gắn bó với nhau nơi biên cương ở những thời điểm sôi động nhất. Thật tuyệt vời.
Phó Tư lệnh Đoàn Xưởng
Đoàn Xưởng là Phó Tư lệnh đồng thời là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn Xưởng sinh ra và lớn lên ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Đây là nơi có truyền thống cách mạng lâu đời và đã hun đúc trong ông những tư chất trong sáng.
Ông tham gia lực lượng vũ trang từ thời trai trẻ và là người đã kinh qua các chiến trường, có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo việc huy động và phối hợp các lực lượng vũ trang trên địa bàn.
Phó Tư lệnh Đoàn Xưởng cùng với Phó Tư lệnh Sùng Lãm, Phó Tư lệnh Lê Văn Chiểu là chiếc kiềng 3 chân, dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh Nguyễn Anh Đệ tạo nên sức mạnh tổng hợp trên chiến tuyến Đông Bắc.
Chính uỷ Đặc khu Nguyễn Đức Tâm
Nguyễn Đức Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh được Quân uỷ Trung ương phân công làm chính ủy của Quân khu Đông Bắc. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm sẽ được viết sâu hơn ở phần sau.
Trong số các sĩ quan quân đội được tăng cường cho Đặc Khu Đông Bắc, tôi rất vui mừng được gặp lại những con người nổi tiếng một thời.
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị
Nguyễn Thế Trị sinh năm 1940 tại làng Cổ Phục, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Thời kỳ Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc, ông điều động ra Đặc khu Quảng Ninh là Phó Sư đoàn trưởng sư đoàn 323.
Sau đó, từ năm 1988 đến năm 1992 là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh.
Từ năm 1993 là Tư lệnh Quân khu 3, rồi về làm Giám đốcHọc viện Quốc phòng.
Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII và là một Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cuộc đời công tác, chiến đấu của Thượng tướng Nguyễn Thế Trị gắn liền với các chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và cũng gắn liền với chiến trường Đông Bắc ở thời kỳ chống quân Trung Quốc.
Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình ở nơi đây và tiếp tục được giao phó những nhiệm vụ mới.
Đặc biệt Thượng tướng Nguyễn Thế Trị được cử làm Giám đốc Học viện Quốc phòng là sự đánh giá cao về những đóng góp của ông vào kho tàng lý luận quân sự Việt Nam.
Giáp Văn Khương
Giáp Văn Khương được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Đại hội thi đua lần thứ nhất khai mạc ngày 1 tháng 5 năm 1952 tại Đại Từ, Thái Nguyên.
Năm 1951, ta mở chiến dịch Quang Trung. Giáp Văn Khương nổi tiếng trong trận đánh quân Pháp ngày 30 tháng 5 năm 1951.
Anh dẫn đầu một đơn vị làm nhiệm vụ đột kích đồn Hồi Hạc rồi leo lên đỉnh Non Nước mở đột phá khẩu.
Chỉ trong một đêm mà đã phá sáu bốt địch, giết 200 tên, bắn cháy một tàu chiến.
Sau đấy giặc Pháp phản công, Giáp Văn Khương đã tình nguyện ở lại chặn đường cho đồng đội rút lui.
Và đến phút cuối cùng, anh đã nhảy từ đỉnh Non Nước xuống dòng sông Đáy, dạt theo những tảng lục bình, thoát khỏi vòng vây của kẻ thù.
Năm 1955, Giáp Văn Khương là thành viên Đoàn đại biểu Thanh niên, Sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 5.
Đại hội diễn ra năm 1955 tại Vacsava (Ba Lan) với sự có mặt của 31.000 đại biểu đến từ 114 nước.
Đứng trước yêu cầu mới, Giáp Văn Khương được điều động ra Đặc khu Quảng Ninh.
Vào buổi chiều tháng 4 năm 1979, tôi được đón anh đến Văn phòng Huyện ủy để trao đổi công việc. Sau đó chúng tôi chuyện trò với nhau rất thân tình.
Trong lòng tôi rất kính trọng người Chiến sĩ thi đua toàn quốc tuyệt vời năm xưa và vinh hạnh cùng anh những ngày này đứng ở tuyến đầu trong sự nghiệp bảo vệ biên cương tổ quốc.
Lê Mã Lương
Thật bất ngờ khi tôi gặp Lê Mã Lương tại một cuộc họp của Đặc khu Quảng Ninh. Tôi hỏi Lương:
- Em được điều động ra công tác ở ngoài này à?
Lương trả lời:
- Em được điều động ra công tác ở Đặc khu.
Tôi rất mừng được gặp và làm việc với Lê Mã Lương trong những ngày nóng bỏng này trên mảnh đất Tiên Yên.
Tướng Lê Mã Lương (ảnh: Giaoduc.net.vn) |
Lê Mã Lương là một trong những chiến sỹ được thế hệ trẻ thời chống Mỹ ngưỡng mộ.
Trong bài thơ Gửi miền Nam của Tố Hữu có câu: “Đẹp biết mấy bài ca ra trận - Mỗi chàng trai, một Lê Mã Lương”.
Cuốn truyện Khi có một mặt trời của nhà văn Hồ Phương, viết về tấm gương Lê Mã Lương, bộ phim Tiền tuyến gọi, nhân vật chính là người thương binh Lê Mã Lương.
Chính hình tượng người anh hùng chiến đấu ở mặt trận đã làm nức lòng lớp thanh niên mới lớn và họ mơ trở thành Lê Mã Lương, nhiều người viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Văn học, nghệ thuật thời ấy có sức mạnh không thể diễn tả hết chính là nhờ có hình tượng nhân vật cụ thể, mỗi tác phẩm đều gieo vào lòng người tiếp nhận mơ ước.
Sau này, Lê Mã Lương là Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự và đã tâm huyết góp phần giáo dục thế hệ trẻ.
Anh quan niệm: Nếu chúng ta chỉ chăm chú phát triển kinh tế đất nước bằng mọi cách mà quên đi việc giáo dục truyền thống của dân tộc thì những công dân tương lai kém hiểu biết về dân tộc mình thì đây là một nguy cơ.
Trong những năm tháng gần đây, tôi và Lê Mã Lương cùng sống ở Hà Nội, thường xuyên gặp nhau trong tình cảm thân thương.
Những người đã có một thời gắn bó nơi biên cương miền Đông Bắc còn rất đông mà không sao kể hết.
Tôi nhớ tới các anh Nguyễn Văn Thái, Sư đoàn trưởng sư 395; Nguyễn Văn Tý, Sư Đoàn trưởng sư 328; Nguyễn Văn Dần, Sư đoàn trưởng sư 32 là những người chỉ huy tài năng, dày dạn kinh nghiệm.
Họ là những tấm gương sáng cho lớp người trẻ tuổi noi theo.
Có thể tự hào mà nói rằng, những thời điểm nóng bỏng của đất nước, ở nơi tuyến đầu, đã tụ hội các anh tài của đất nước.