Hiệu trưởng trường Trần Phú trước sau không thống nhất
Liên quan tới vụ việc có học sinh lớp 12D4, trường THPT Trần Phú được sửa điểm nâng điểm (bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng – Hệ số 1; bài kiểm tra hệ số 2), hôm 9/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin, đồng thời yêu cầu trường này báo cáo vụ việc.
Trước đó, hôm 6/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Đức Doanh, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú khẳng, việc giáo viên Vật lý sửa lại điểm cho hàng chục học sinh là sai nguyên tắc.
Hiệu trưởng trường Trần Phú nói thêm, việc sửa điểm để làm đẹp hồ sơ, và “vì cái tâm của người thầy”.
Tuy nhiên, chỉ một vài ngày sau, trả lời trên một số cơ quan thông tấn báo chí khác, ông Phạm Đức Doanh - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú lại phủ nhận hoàn toàn nội dung đã khẳng định trước đó với phóng viên, đồng thời cho rằng:
“Không có chuyện tôi thừa nhận giáo viên của trường sửa điểm, bởi khi đó nhà trường còn chưa làm rõ sự việc với giáo viên”, ông Doanh trả lời trên một tờ báo hôm 10/1.
Ông Doanh cũng khẳng định không có chuyện sửa điểm, nâng điểm. Về phát ngôn sửa điểm, nâng điểm, ông Doanh cho biết, đây là bàn luận ngoài lề, nói về tình hình chung chứ không nói riêng về trường hợp của thầy Vật lý nhà trường.
Trường THPT Trần Phú (ảnh: QUỐC TOẢN). |
Để rộng đường dư luận, đồng thời làm rõ sự thiếu trung thực trong phát ngôn của ông Phạm Đức Doanh, Hiệu trưởng trường THCS Trần Phú, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng nguyên văn nội dung cuộc hội thoại trong băng ghi âm giữa phóng viên và ông Doanh, hôm 6/1, để bạn đọc hiểu rõ thêm sự việc.
Cũng xin được khẳng định rằng, trao đổi hôm 6/1 giữa phóng viên và ông Doanh là trao đổi theo đúng quy định của pháp luật, chúng tôi cũng có lưu lại bằng chứng đầy đủ. Đây không phải là một cuộc gặp thân mật hay kiểu trà dư tửu hậu, trao đổi bên lề như ông Doanh nói lại với các cơ quan khác.
PV: Việc phụ huynh phản ánh vụ sửa điểm như thế nào rồi, thưa thầy?
"Sau thông tin phản ánh của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Sở Giáo dục TP. Hà Nội kiểm tra, báo cáo vụ việc ở trường Trần Phú. Chúng tôi cũng vừa gửi Bộ báo cáo của trường Trần Phú về vụ việc", ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội thông tin và hứa sẽ chuyển báo cáo vụ việc trong thời gian sớm nhất cho phóng viên. |
Ông Phạm Đức Doanh: Mình đã cho giải trình và thẩm tra tất cả rồi. Nói chung là trong số đó (số học sinh được sửa, nâng điểm), số học sinh đi học thêm với thầy rất ít,còn lại là không phải. Số đó là thầy kiểm tra bổ sung.
PV: Như vậy việc sửa điểm (điểm miệng, điểm 15 phút, điểm hệ số 2) dựa trên việc kiểm tra bổ sung?
Ông Phạm Đức Doanh: Ừ, kiểm tra bổ sung. Học sinh nó xin thầy kiểm tra bổ sung. Trước đó đã có kiểm tra rồi nhưng do điểm thấp nên các em xin thầy kiểm tra bổ sung vì các em là học sinh lớp 12 nên xin thầy (kiểm tra) để sửa điểm lên.
Trong số này, chỉ có rất ít số học sinh học thầy thôi.
PV: Việc sửa điểm như vậy có tạo ra sự công bằng đối với các học sinh khác trong lớp không ạ?
Ông Phạm Đức Doanh: Nếu nói về nguyên tắc thì không được, hoàn toàn là sai. Tức là thế này, những học sinh nào có nguyện vọng thì thầy tạo điều kiện.
PV: Nếu sai quy định thì có kiểm điểm, xử lý cán bộ trong trường hợp này không, thưa thầy?
Ông Phạm Đức Doanh: Ừ, thôi mình sẽ triển khai làm nội bộ thôi. Những cái gì nó có tiêu cực thì lúc ấy mình mới xử lý thì nó hay hơn, vì đây cũng là cái tâm của người thầy mà.
Học sinh lại là đối tượng chuẩn bị ra trường. Mà bây giờ mình vì cái đó mà mình làm khó thì…
PV: Việc nâng điểm, sửa điểm cao lên với mục đích gì ạ?
Ông Phạm Đức Doanh: Bây giờ một số trường Đại học người ta cũng xét cả hồ sơ, mà học sinh nó cứ tha thiết như thế (kiểm tra lại để sửa điểm, nâng điểm) mà mình lại không làm đúng cái tâm của người thầy nó khó ra.
PV: Việc kiểm tra này có kiểm tra công khai không ạ?
Ông Phạm Đức Doanh: Có chứ! Học sinh nào có nguyện vọng thì thầy đều bố trí mà. Việc kiểm tra ngoài giờ. Trước đó, thầy thông báo trước cả lớp, học sinh nào có nguyện vọng thì kiểm tra lại thôi, chứ không phải thầy dấm dúi…
Thầy không gương mẫu thì dạy được ai?
Bình luận về vấn đề trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc sửa điểm, nâng điểm này là quá bậy bạ, tiêu cực.
Do đó, phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm hành vi này.
Hiệu trưởng trường Trần Phú thừa nhận, nhiều học sinh lớp 12 D4 được sửa điểm/nâng điểm (điểm kiểm tra miệng, 15 phút, và điểm hệ số 2) bất thường. Ảnh: QUỐC TOẢN). |
"Đó là tiêu cực rồi còn gì nữa! Anh bảo việc sửa điểm là sai mà nói là do cái tâm hay lòng thương của người thầy, thì cái tâm, cái tấm lòng đó đâu có trong sáng.
Những người như vậy là sao có thể làm thầy được. Đạo đức làm thầy không thể là tấm gương như vậy được.
Mình thương các em học sinh thì mình phải giúp cho nó có kiến thức để ra đời làm được việc, chứ không phải giúp các em thì phải cho điểm cao nhưng không cần quan tâm tới năng lực.
Còn trong trường hợp này, anh đã phạm vào cái "tội" lừa dối gây tác hại và phản ứng dây truyền không tốt.
Việc sửa điểm, nâng điểm khiến bản thân học sinh
Hiệu trưởng trường Trần Phú thừa nhận có chuyện sửa, nâng điểm cho học trò |
không hiểu được mình, phụ huynh không hiểu được năng lực con em họ, cấp trên không hiểu được chất lượng giảng dạy ra làm sao?
Nếu như thầy giáo nào cũng làm như vậy thì nguy hại vô cùng.
Làm như vậy học sinh sẽ nghĩ là mình đã đạt yêu cầu nên không cần gì phải phấn đấu nữa.
Từ đó gây ra tác hại rất lớn đối với các em, bởi những học sinh đó khi tiếp tục học lên cao thì sẽ học không được.
Rồi xã hội sẽ tiếp nhận các em như thế nào khi trường học đưa ra những sản phẩm có tính giả dối như vậy?
Chuyện này phải lên án, vì nó không chỉ dừng lại ở bệnh thành tích mà đó còn có dấu hiệu của tội lừa dối...", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói rõ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, đưa ra khỏi ngành giáo dục những giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu trung thực.
"Những trường hợp đó, cơ quan quản lý nếu xác định đúng bản chất sự việc thì phải kỷ luật, thậm chí đưa ra khỏi ngành để làm gương cho những người khác", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề nghị.