Ngày 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về kết quả giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại báo cáo kết quả giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do bà Nguyễn Thị Nương – Trưởng Ban Công tác Đại biểu ký, dành nhiều đánh giá tích cực về hoạt động của Hội đồng nhân dân các địa phương.
Thí dụ như: “Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nói chung và cấp tỉnh nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hoặc: “Theo báo cáo của các địa phương, HĐND các tỉnh, thành phố đã phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, xem xét và quyết định những chủ trương, giải pháp lớn, quan trọng của địa phương nhằm phát huy các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Nội dung đưa ra xem xét, quyết định tại kỳ họp HĐND được lựa chọn sát thực tiễn địa phương, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung hướng vào những vấn đề đời sống dân sinh, bức xúc, những vấn đề trong quá trình triển khai nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời”.
Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu đã lên tiếng bày tỏ những lo lắng về hiệu quả thực sự từ các hoat động của Hội đồng nhân dân.
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng: “Nhìn ở góc độ tính dân chủ đại diện của người dân, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy khá lu mờ tính, thể hiện rõ nhất là mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cử tri kiến nghị lên HĐND nhưng không được giải quyết nên người ta kiến nghị tiếp đến đại biểu Quốc hội. Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri nhiều người kéo đến, khi hỏi thì họ nói kiến nghị Hội đồng nhân dân không xem xét giải quyết”.
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. ảnh: Xuân Hải. |
Từ đó, ông Quyền đặt vấn đề, báo cáo này phải phân định cái làm được và chưa làm được trong hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đặc biệt là phải chỉ rõ: Những việc chưa làm được xuất phát từ nguyên nhân nào, từ chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện hay bố trí nhân sự?
Liên quan chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân là giám sát, báo cáo giám sát đã chỉ ra 5 tồn tại hạn chế, trong đó đáng chú ý nổi lên hai nhóm vấn đề:
Thứ nhất, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn ở một số địa phương chưa thật sự đổi mới; số đại biểu HĐND tham gia chất vấn không nhiều và thường tập trung vào số ít đại biểu chuyên trách;
Thứ hai, việc theo dõi, xử lý và đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có lúc, có nơi chưa thường xuyên, việc thực hiện tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của công dân với cơ quan dân cử kết quả chưa cao.
Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, với hàng loạt tồn tại hạn chế như vậy, cần phải nêu rõ trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát, trong đó có việc cần chỉ ra địa chỉ cụ thể, mức độ trách nhiệm đến đâu, không thể chỉ nói chung chung.
“Giám sát là công việc khó khăn, đòi hỏi chuyên môn, bản lĩnh, kỹ năng nhưng tính hình thức còn cao. Một nguyên nhân chủ yếu cần nêu bật là trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trong mối quan hệ giữa các thiết chế nhà nước và cử tri còn mờ nhạt, do đó khó nâng cao chất lượng hoạt động”, ông Quyền nói.
Quốc hội dự kiến dành 2,5 ngày chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành |
Đồng quan điểm, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng: “Cần có đánh giá tổng quát và có minh chứng cho các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Phải xem việc quyết định những vấn đề quan trọng của Hội đồng nhân dân ở địa phương như thế nào, có đáp ứng yêu cầu, chuyển hoá được Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trở thành nghị quyết của Hội đồng nhân dân ở địa phương hay không? Họp thì phải đưa ra nghị quyết nhưng chất lượng thế nào phải đánh giá thật cụ thể”.
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các đại biểu với quyền lợi của người dân, ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói thẳng: “Về nội dung tiếp xúc cử tri để giải quyết vấn đề, báo cáo cho thấy kết quả cao, có tỉnh giải quyết được 100%.
Con số này có đúng thực tế hay không thì khó khó có cơ sở để khẳng định nhưng thực chất lòng dân yên tâm chưa? Qua tiếp xúc cử tri, rồi đài báo phản ánh có việc diễn ra cả hục năm không giải quyết được và óc những việc cử tri nói rất đúng nhưng báo cáo này đều cho thấy êm xuôi cả”.
Bên cạnh đó, ông Ksor Phước cho rằng, báo cáo cũng cần đánh giá vai trò của Hội đồng nhân dân trong phát huy nội lực địa phương như thế nào để tự thân vận động vươn lên. Thực tế qua giám sát, khảo sát về công tác dân tộc có nhiều tỉnh, huyện làm rất tốt, nhưng có nơi còn ỷ lại chính sách.
“Có tỉnh thu ngân sách mấy nghìn tỷ nhưng địa phương đầu tư chủ yếu ở đồng bằng còn khu vực miền núi cứ chờ Trung ương đầu tư. Vấn đề này là thế nào? Tôi không muốn chỉ mặt cụ thể từng địa phương, nhưng có chuyện này.
Đọc báo cáo thấy không biết Hội đồng nhân dân ở nhiều nơi làm gì không hay cứ Ủy ban nhân dân đưa ra rồi đồng ý?
Thời gian vừa rồi, TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội đã làm thí điểm đưa các vấn đề chất vấn, giám sát lên mạng để cử tri theo dõi, còn các địa phương khác có làm không, chẳng ai biết cả”, ông Ksor Phước nói.