Khi nhà giáo viết báo

21/06/2016 10:35
Trần Sơn
(GDVN) - Những thầy cô đầy trách nhiệm, luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục, họ mong muốn cho giáo dục nước nhà ngày càng phát triển thông qua các bài viết.

LTS: Nhân kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, hôm nay (21/6) tác giả Trần Sơn – cộng tác viên thường xuyên của Báo có bài viết gửi tới các nhà giáo hiện đang đồng hành cùng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lời chúc sức khỏe và mong muốn “những nhà báo không thẻ” tiếp tục có nhiều bài viết ý nghĩa để góp phần phát triển giáo dục nước nhà. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả toàn bộ thành ý của tác giả.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có lực lượng công tác viên là nhà giáo khá đông đảo.

Chính lực lượng này đã góp phần quan trọng làm phong phú thêm nội dung của báo với các bài viết mang hơi thở cuộc sống giáo dục khắp nơi trên cả nước.

Người cộng tác viên nổi bật nhất chính là nhà giáo lão thành Xuân Dương. Ông nổi tiếng với các bài bình luận sắc sảo về mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là về các vấn đề nóng, đang được dư luận quan tâm, chú ý.

Với kiến thức uyên bác, cách lập luận lôgic, sắc bén, cách viết hấp dẫn, lôi cuốn, các bài viết của ông đã được đông đảo người đọc quan tâm, theo dõi, ủng hộ.

Tần suất các bài viết của nhà giáo Xuân Dương xuất hiện càng ngày càng nhiều trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Những thầy cô đầy trách nhiệm, luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục, họ mong muốn cho giáo dục nước nhà ngày càng phát triển thông qua các bài viết. (Ảnh chưa rõ tên tác giả)
Những thầy cô đầy trách nhiệm, luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục, họ mong muốn cho giáo dục nước nhà ngày càng phát triển thông qua các bài viết. (Ảnh chưa rõ tên tác giả)

Ban đầu, chính người viết bài này cứ ngỡ ông là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng cho đến bài viết “Nhà giáo lão thành gửi vài ý kiến đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ” thì mới biết ông cũng là vị đồng nghiệp tiền bối đáng kính.

Cộng tác viên thường xuyên với hàng trăm bài báo được đăng tải trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam là cô giáo Phan Tuyết ở Bình Thuận. 

Cô giáo Tuyết là người rất năng động, nhạy bén, gần như mọi mặt liên quan đến giáo dục đang được dư luận quan tâm, bao giờ cũng có bài của cô từ việc giáo dục đạo đức cho học sinh, việc thực hiện Thông tư 30, đến chuyện chạy trường, chạy lớp, chuyện dạy thêm, học thêm... 

Cô gần như là “phóng viên thường trú” của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, vì tuần nào cô cũng có vài ba bài báo được đăng tải. Mình cô có đến 5 trang liệt kê bài trong phần tìm kiếm theo tác giả trên giao diện của Báo.

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi  cũng là một cộng tác viên rất tích cực.

Khi nhà giáo viết báo ảnh 2

Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân

(GDVN) - Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý.

Thầy Ngọc cũng có tới hàng trăm bài viết rất nghiêm túc, chỉn chu về đề tài giáo dục từ chuyện đổi mới giáo dục phổ thông, thi giáo viên dạy giỏi, chuyện thi cử, cơ sở vật chất trường học, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chuyện giáo dục học sinh cá biệt, chuyện cử nhân thất nghiệp, chuyện giáo dục hướng nghiệp, chuyện “trọng bệnh” của giáo viên, chuyện đổi mới phương pháp dạy học, chuyện đánh giá xếp loại giáo viên, học sinh... đến chuyện trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh và bệnh thành tích trong giáo dục.

Thầy giáo Trần Vũ ở Tây Ninh cũng là một công tác viên có nhiều bài viết về giáo dục được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Các nội dung được thầy Vũ quan tâm, chú ý là: việc viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên, thầy trăn trở về điểm liệt của học sinh, về ngày khai trường, về trách nhiệm và tấm gương người thầy.... Đồng thời thầy Vũ cũng có những hiến kế cho ngành giáo dục.

Đặc biệt, thầy Vũ cũng có những bài viết rất thẳng thắn mà không phải giáo viên nào cũng dám nói như: Giáo viên “sợ” làm chủ nhiệm lớp thì không nên làm thầy; Vi phạm của giáo viên, nguyên nhân là do Hiệu trưởng; Bao giờ thì có Hội nghị Cán bộ - Công chức đúng nghĩa ở trường học? 

Rồi đến cô giáo Đỗ Quyên ở miền Trung cũng là một người hay viết, với khoảng vài chục bài viết được đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam. 

Cô quan tâm nhiều về phương pháp dạy học mới, cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30, khen thưởng học sinh, chuyện thanh tra trường học, chuyện sổ sách giáo viên, chuyện thu tiền bảo hiểm của học sinh, chuyện tổ chức các cuộc thi cho học sinh, thi giáo viên dạy giỏi... 

Đặc biệt cô cũng có những bài trao đổi, phản biện thẳng thắn với chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học về Thông tư 30.
        
Thầy Nguyễn Cao (An Giang) cũng là một cộng tác viên quen thuộc của Báo Giáo dục Việt Nam với nhiều bài viết về các vấn đề giáo dục.

Thầy đề cập nhiều đến chuyện lạm thu trong nhà trường, tinh giản biên chế giáo dục, Thông tư 30, đổi mới giáo dục, mô hình trường học mới (VNEN), viết sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên dạy giỏi, xét danh hiệu thi đua trong các nhà trường ... Rồi cả cái tệ hay “nhậu” của một số thầy giáo trong các nhà trường.

Thầy Nguyễn Văn Lự (Vĩnh Phúc) lại quan tâm nhiều đến lòng tự trọng của người thầy, đến chuyện thi cử, đổi mới phương pháp dạy học, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục học sinh cá biệt...

Nói đến các vấn đề lớn, gai góc của giáo dục nước nhà, không thể không nhắc tới Nhóm Việt Cường, Hoàng Hữu Đức, Tạ Quang Sum...

Chưa kể, còn hàng trăm các thầy cô khác đang ngày đêm đau đáu vì sự nghiệp giáo dục nước nhà mà viết các bài báo mang đầy nhịp thở của ngành mà tôi không thể liệt kê hết ra ở đây. Các bài báo ấy được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng, giới thiệu và đăng tải.

Cộng tác viên là nhà giáo, mỗi người một vẻ nhưng đều là những người thầy, người cô đầy trách nhiệm, luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục.

Họ đều mong muốn cho giáo dục nước nhà ngày càng phát triển thông qua các bài viết  tâm huyết của mình.

Cũng là một giáo viên, một cộng tác viên của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhân ngày Nhà báo Việt Nam, tôi xin chúc cho các thầy giáo, cô giáo - “những nhà báo không thẻ” tiếp tục có nhiều bài viết ý nghĩa hơn nữa, hay hơn nữa góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà.

Chúc các thầy cô thành công trong sự nghiệp trồng người của mình.

Trần Sơn