LTS: Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam đang đặt ra cho các trường sư phạm những câu hỏi hóc búa.
Làm sao để đào tạo được những thế hệ giáo viên mới đủ năng lực giảng dạy chương trình mới theo các phương pháp hiện đại?
Làm sao bồi dưỡng và đào tạo lại những giáo viên đang giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới?
Và làm sao để giải quyết bài toán dư thừa giáo viên hiện nay?...
Trước tình trạng này, hôm nay, nhóm tác giả Việt Cường chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những biện pháp nhằm khắc phục vấn đề này.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn trân trọng dẫn nguyên văn ý kiến của nhóm tác giả gửi tới độc giả.
Qua những khảo sát thống kê đáng tin cậy, đến năm 2020, nước ra sẽ dư thừa hơn 70.000 giáo viên các cấp; còn nếu cứ giữ nguyên chỉ tiêu đào tạo như hiện nay, thì sẽ hơn 70.000 sinh viên Sư phạm ra trường không có việc làm.
Đây là một bài toán khó đối với Bộ GD&ĐT, vì nó động chạm đến cả hệ thống đào tạo giáo viên đã thành thói quen ở tất cả các địa phương trên cả nước, quyền lợi của không ít người, công ăn việc làm của không ít cán bộ giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo.
Tuy nhiên, bài toán dù khó đến mấy vẫn phải tìm cách giải, mà phải giải quyết nhanh, dứt khoát.
Còn nếu cứ để dây dưa, kéo dài từ năm này sang năm sau, năm sau nữa thì công việc sẽ càng ngày càng rối, hệ quả dư thừa thêm trầm trọng, những hệ lụy xã hội sẽ ngày càng lớn…
Cần phải đổi mới ngay hệ thống đào tạo giáo viên ở nước ta (Ảnh: baobacgiang.com.vn) |
Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Bộ GD & ĐT cần nhanh chóng chọn lọc và quyết định các cơ sở đào tạo giáo viên trên phạm vi cả nước trong hệ thống giáo dục đại học công lập của mình.
Việc này phải thực hiện ngay trong năm 2016.
Việc chọn lọc và quyết định này ưu tiên các trường Đại học sư phạm có bề dày truyền thống; liên tục phát triển và hoàn thiện từ cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên giỏi, nhiều kinh nghiệm; năng lực và chất lượng đào tạo tốt… đã được Bộ GD&ĐT và xã hội ghi nhận.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT phân vùng đào tạo và giao chỉ tiêu cụ thể cho các trường.
Chỉ tiêu đào tạo phải phù hợp với năng lực và chất lượng đào tạo; tránh trường hợp một số trường Đại học sư phạm có chất lượng đào tạo chưa cao, đội ngũ giảng viên có trình độ cao còn hạn chế.
Nhưng khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm lại cứ vống lên, vượt quá khả năng của mình, dẫn tới sự quá tải cho đội ngũ giảng viên và giảm sút chất lượng đầu ra của sinh viên.
Quan sát vài năm gần đây, chúng tôi nhận thấy trường Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên là một trong những trường đi đầu trong đổi mới chương trình, phương pháp và chất lượng đào tạo.
Sinh viên sư phạm và nỗi lo thất nghiệp(GDVN) - Các chuyên gia sư phạm đã cảnh báo, trong khoảng 4 năm nữa, cả nước sẽ dư thừa khoảng 70.000 giáo viên từ cấp tiểu học đến THPT. |
Liên tục 3 năm nay, trường không chạy theo số lượng, tự động giảm chỉ tiêu tuyển sinh, từ gần 3.000 sinh viên năm học 2012 – 2013 đến nay chỉ còn khoảng 1.500 chỉ tiêu đầu vào.
Mặc dù đội ngũ giảng viên trình độ cao của trường liên tục phát triển và việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh Bộ vẫn để cho trường tự quyết.
Điều này không phải trường Đại học sư phạm nào cũng làm được. Lý do vì sinh viên học Đại học sư phạm không phải nộp học phí, được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo, số sinh viên càng lớn thì ngân sách càng cao.
Nhiều trường chạy theo ngân sách bao cấp cho nên cố ý tăng chỉ tiêu đầu vào vượt quá năng lực đào tạo của mình.
Theo thiển ý của chúng tôi, cả nước ta chỉ nên tập trung đào tạo giáo viên ở 6 hoặc cùng lắm là 7 trường Đại học sư phạm mà thôi.
Còn hệ thống đào tạo giáo viên ngoài công lập thì không hạn chế.
Ai có tiền đi học nghề giáo viên ở trường ngoài công lập thì cứ tự nhiên. Trường nào có khả năng và đầy đủ điều kiện đào tạo giáo viên thì … xin mời!
Như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng đầu ra, bắt buộc các trường công lập phải cố gắng phấn đấu và đổi mới để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn giáo dục.
Thứ hai, dừng và cắt bỏ ngay chỉ tiêu đào tạo giáo viên của các Trường Cao đẳng Sư phạm trên phạm vi cả nước.
Trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và thế giới hiện nay, để hành nghề giáo viên ít nhất phải có bằng đại học chính quy.
Một số nước phát triển đã yêu cầu phải có bằng Thạc sĩ.
Nếu cứ để 63 Trường Cao đẳng/63 tỉnh thành đào tạo giáo viên như hiện nay thì chất lượng người thầy, số lượng giáo viên không có việc làm, hệ lụy nâng cao trình độ để có bằng Đại học theo kiểu “Vừa làm vừa học” hoặc “Đào tạo từ xa” không biết bao giờ mới chấm dứt. Chí ít cũng phải đến 2025 trở đi.
Đã đến lúc viết lời AI ĐIẾU cho hệ Cao đẳng Sư phạm ở Việt Nam!
Thực tế cho thấy khoảng nhiều Trường Cao đẳng sư phạm ở nước ta không có một Tiến sĩ nào, hoặc nếu có cũng làm lãnh đạo, không và rất ít giảng dạy trực tiếp; và cũng hiếm thấy một giảng viên Cao đẳng sư phạm nào viết được giáo trình giảng dạy đã được thẩm định ở cấp Bộ hoặc cấp Quốc gia.
Năm 2017 giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm(GDVN) - Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo địa phương năm 2017. |
Hầu hết giáo trình, tài liệu giảng dạy… ở các Trường Cao đẳng sư phạm đều “Ăn theo”, “Ăn sẵn” từ đội ngũ giảng viên của các Trường Đại học sư phạm truyền thống.
Tất nhiên, cắt – dừng chỉ tiêu đào tạo giáo viên ở các Trường Cao đẳng sư phạm sẽ rất khó khăn và để lại nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ giảng viên các Trường Cao đẳng không có việc làm, biết đi đâu về đâu?
Thứ hai, chỉ tiêu tuyển sinh Cao đẳng sư phạm do Ủy ban Nhân dân các Tỉnh giao trực tiếp cho các trường. Điều này liên quan đến ngân sách của Tỉnh và quyền lợi của không ít người trong hệ thống chính trị ở các địa phương.
Thứ ba, cơ sở vật chất của các trường này nếu không đào tạo giáo viên nữa thì sẽ làm gì? Tính tổng thể cả nước, lãng phí sẽ là không nhỏ.
Hệ thống đào tạo giáo viên cũng giống như cơ thể con người, cắt cái gì cũng đau. Thế nhưng đau vẫn phải cắt, vì nó như miếng thịt thừa, càng ngày càng khiến cho cơ thể nặng nề, mệt nhọc, thậm chí sinh bệnh.
Giải pháp bước đầu là:
- Bộ GD & ĐT nên có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương, xác định chỉ tiêu giáo viên hàng năm ở từng Tỉnh, tổng hợp các vùng miền, giao chỉ tiêu phù hợp cho các Trường Đại học sư phạm đã được chọn để đào tạo giáo viên.
- Bộ và các Tỉnh công khai chỉ tiêu tuyển dụng, biên chế giáo viên trên các phương tiện truyền thông rộng rãi để những sinh viên Sư phạm đã tốt nghiệp có cơ hội thi tuyển, tìm kiếm việc làm. Như thế, sẽ phần nào giải quyết vấn nạn dư thừa hơn 40.000 giáo viên hiện nay.
Nhà giáo lão thành gửi vài ý kiến tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ(GDVN) - Người viết muốn gửi một vài trăn trở tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục với hy vọng sẽ góp chút ích nào đó cho Bộ trưởng và lãnh đạo ngành Giáo dục. |
- Sắp xếp lại bộ máy quản lý và đào tạo ở các Trường Cao đẳng sư phạm, phối hợp với các Tỉnh chuyển đổi thành các Trường Cao đẳng Cộng đồng, mở ra các ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực mới, phù hợp với nhu cầu kinh tế - văn hóa – xã hội của các địa phương.
Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu thay đổi chương trình, sách giáo khoa sắp tới, đồng nghĩa với việc thay đổi phương pháp giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá…, đội ngũ giáo viên hiện nay cần phải được đào tạo lại và tập huấn thật nghiêm túc, cẩn thận.
Có thể giao nhiệm vụ đó cho các trường Cao đẳng sư phạm, yêu cầu các trường này liên kết, phối hợp với các trường Đại học sư phạm trọng điểm, đứng ra tổ chức tập huấn và đào tạo giáo viên thường xuyên để nâng cao chất lượng thầy cô giáo, đáp ứng kịp thời những thay đổi, cách tân nhanh chóng của thực tế giáo dục.
Như thế thì đội ngũ giáo viên ở các trường Cao đẳng sư phạm vẫn có việc làm, không xảy ra những xáo trộn, biến động lớn ở các tỉnh.
Đồng thời lại giải quyết được vấn nạn “Tập huấn hình thức, không thực tế, thiếu hiệu quả và nhiều tốn kém của các Dự án, các Thông tư” mà các chuyên viên giáo dục ở Bộ đã quen tiến hành từ nhiều năm nay.
Thứ ba, dừng và cắt ngay chỉ tiêu tuyển sinh hệ Đại học sư phạm của các trường không được chọn đào tạo giáo viên ngay từ năm 2017.
Trong thời gian từ hơn chục năm trước, ở nước ta đã xuất hiện nhiều các Trường đại học cấp Tỉnh. Dư luận đã nói quá nhiều về đội ngũ giảng viên, năng lực và chất lượng đào tạo của các Trường Đại học này.
Điều đáng kinh ngạc là cho đến tận hôm nay, một số trường Đại học địa phương mới chỉ có vài Tiến sĩ và vài chục Thạc sĩ. Mà trình độ của hầu hết Tiến sĩ và Thạc sĩ này thì… khỏi cần bình luận.
Thế nhưng, thống kê và tổng hợp lại quá trình đào tạo của các trường đó, ai cũng phải giật mình vì chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm của các Đại học địa phương lại rất cao, nhiều khi cao nhất trong tổng chỉ tiêu đào tạo của nhà trường.
Đúng là “Nơi nơi đào tạo giáo viên, Nhà nhà đào tạo giáo viên”. Chất lượng thấp, sinh viên Sư phạm ra trường không có việc làm là điều tất yếu, “Chuyện thường ngày ở huyện” thôi, có gì phải băn khoăn nữa?
Đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa khoảng trên 70.000 giáo viên các cấp(GDVN)-Nhận định của PGS.TS Bùi Văn Quân, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong Hội thảo “Đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" |
Thứ tư, cũng cần phải nói thêm về hệ thống tuyển dụng giáo viên hiện nay còn rất nhiều bất cập và đau xót.
Chưa có một cơ chế và những quy chuẩn tuyển dụng giáo viên một cách chặt chẽ, minh bạch, công bằng và khách quan.
Quyền lực của một số cá nhân trong tuyển dụng viên chức giáo dục là rất lớn.
Việc tiêu cực, hối lộ, chạy chọt trong thi tuyển giáo viên là điều vô cùng nhức nhối mà dư luận xã hội đã bức xúc nhiều năm nay.
Để được vào biên chế Nhà nước, nhiều người đã phải mất đến hàng trăm triệu đồng.
Có một thực tế là ở nhiều địa phương, sinh viên giỏi có bằng Đại học sư phạm chính quy hẳn hoi mà thi vào biên chế vẫn trượt, còn người dốt chỉ có bằng Cao đẳng sư phạm, thậm chí Trung cấp sư phạm thì lại đỗ.
Những người có quan hệ ruột thịt, họ hàng, thân hữu của người tuyển dụng; những trường hợp mà cấp trên gửi gắm, những người có tiền… mặc dù học hành, dạy dỗ chẳng ra gì vẫn có cơ đỗ công chức cao gấp nhiều lần những người khác.
Cứ thế này thì: Nhân dân ơi! Con cái của Nhân dân ơi! Bao giờ mới có được sự công bằng, liêm chính và trong sáng cho sự nghiệp trồng người cao quý đây?
Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà là một sự nghiệp lớn, cần phải được nhìn nhận toàn diện và sâu sắc nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực; cần phải có sự tham góp của toàn xã hội.
Bên cạnh việc đổi mới đội ngũ quản lý giáo dục như bài viết "Muốn đổi mới giáo dục, nhất định phải thay đổi đội ngũ quản lý trước" của tác giả Hoàng Hữu Đức đăng trên Báo điện tử giáo dục Việt Nam ngày 4//6/2016, chúng tôi nhận thấy cần đổi mới toàn diện và triệt để hệ thống đào tạo giáo viên trên phạm vi cả nước.
Xin được chân thành góp ý với tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Kính mong Bộ trưởng xem xét!
Xin bạn đọc lượng thứ vì bài viết quá dài của nhóm “Nghiên cứu giáo dục không công” chúng tôi.
Xin chân thành cảm ơn tất cả!