Không để kẻ xấu lợi dụng, bôi đen hình ảnh quân đội

21/12/2017 08:25
Theo Quân đội nhân dân
(GDVN) - Một người nào đó lợi dụng danh tính của người khác để nói xấu cán bộ Đảng, Nhà nước, quân đội cũng là hành động tiếp tay cho các thế lực thù địch.

Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng loạt bài "Nghiêm trị những kẻ giả danh, mạo danh quân đội", dư luận bạn đọc, đảng viên, bộ đội, cựu chiến binh và nhân dân có nhiều ý kiến đồng tình với vấn đề báo nêu, kiến nghị phải kiên quyết làm rõ, xử lý và đấu tranh ngăn chặn những thủ đoạn nguy hiểm, có sự kết nối giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và "diễn biến hòa bình".

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng một số ý kiến phản hồi về bài viết.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Cần phải lên án mạnh mẽ những việc làm đầy mờ ám

Tôi rất đồng tình, hoan nghênh với nội dung mà loạt bài trên Báo Quân đội nhân dân vừa nêu, cũng là vấn đề tôi rất quan tâm, bức xúc hiện nay.

Vừa qua, trên mạng xã hội đã loan truyền một đơn thư tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Điều đáng phê phán là người viết đơn thư này lại dùng tên người khác.

Cụ thể là kẻ xấu lại dùng tên tôi để đưa những thông tin mà những người đã về nghỉ hưu như chúng tôi làm sao biết được những công việc cụ thể hiện nay của lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Chúng ta biết rằng, hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để tấn công Đảng, Nhà nước, quân đội hòng làm suy yếu lực lượng nòng cốt của hệ thống chính trị nước nhà và gieo rắc sự nghi hoặc, dẫn đến làm mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng và hệ thống chính trị của chúng ta.

Không chỉ riêng tôi mà trước đó, kẻ xấu đã lợi dụng, đứng tên một số cán bộ lão thành cách mạng để làm những điều xấu xa ấy.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng
Trung tướng Phùng Khắc Đăng

Một người nào đó, dù cố tình hay hữu ý lợi dụng danh tính của người khác để nói xấu cán bộ Đảng, Nhà nước, quân đội cũng là hành động tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và là một việc làm không công cho kẻ địch.

Phải nói rõ thêm, họ nói xấu cán bộ chủ chốt tức là tạo ra sự hoài nghi của quần chúng với Đảng, chứ không phải chỉ riêng cá nhân của con người nào đó.

Và các thế lực thù địch luôn mong muốn, chờ đợi cóp nhặt những biểu hiện tiêu cực của xã hội, của cán bộ, đảng viên rồi đẩy những thứ đó lên thành bản chất của người cộng sản, của chế độ xã hội chủ nghĩa để bôi nhọ với mục đích cuối cùng là phá hoại chúng ta.

Xét về góc độ đạo đức thì đây cũng là một việc làm không trong sáng, không tình nghĩa đối với đồng đội và đối với cấp trên.

Bởi vì nếu thực sự trong sáng, thực sự vì sự ổn định, phát triển của đất nước, quân đội thì không thiếu gì con đường để phê bình, góp ý cho đồng chí, đồng đội của mình.

Việc làm của người viết đơn thư tố cáo giấu tên và mạo tên là rất xấu, gây ra sự nghi kỵ trong nội bộ, trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày và làm cho khối đoàn kết của đơn vị rạn nứt.

Chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ những việc làm đầy mờ ám đó.

Để ngăn chặn việc làm xấu này, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta cần phải giáo dục, làm cho mọi người, từ chiến sĩ đến cán bộ cấp cao, người dân cho đến các cấp lãnh đạo phải có nhận thức đúng đắn.

Đối với tổ chức, phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nội bộ, không để cho những con người xấu, những kẻ xấu làm những việc xấu, lén lút, làm suy yếu khối đoàn kết của Đảng, Nhà nước và của quân đội chúng ta.

Phải xây dựng và phát huy dân chủ trong tự phê bình và phê bình, nâng cao sức mạnh, sự đoàn kết chân thành vì sự tiến bộ, phát triển của xã hội và quân đội.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Không thể chấp nhận hành vi vi phạm pháp luật, thiếu nhân cách

Lần trước, tôi đã trả lời Báo Quân đội nhân dân về việc mạo danh. Tôi thấy việc mạo danh đó là rất bậy bạ và phiền phức, nhất là từ chuyện tôi bị mạo danh viết đơn tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Tôi đã báo cho anh em biết để tìm kẻ nào mạo danh thì bây giờ nó lại mạo danh cái khác, lấy danh nghĩa của mình.

Tôi rất bức xúc. Lợi dụng như thế là vi phạm về pháp luật. Tôi cho là thiếu nhân cách.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương

Tại sao lại phải mượn danh nghĩa của người khác? Tôi đã công khai trên báo khẳng định đó là mạo danh. Tôi thật ra là không tán thành thành lập cái tổ chức mới.

Nhiều tổ chức nó lợi dụng gây rối nên tôi đã góp ý với một số anh là không nên, mình không đủ tư cách lập ra hội, nhóm.

Bây giờ, trước những việc sai trái trong xã hội, một số cựu chiến binh các anh ấy nóng nảy và quá khích, có những lúc phê phán hơi quá đà.

Tôi cũng thấy các anh ấy lợi dụng chỗ này: Mình là người lớn tuổi, hoạt động trong quân đội lâu năm mà cũng hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như vậy tiếng nói có thể ảnh hưởng nhất định nên họ muốn tôi có thể phát biểu chỗ này chỗ khác nhưng tôi không phát biểu.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:  Đã đến lúc phải xử lý thích đáng

Báo Quân đội nhân dân đã đề cập đúng, trúng một thực trạng xảy ra trong thời gian vừa qua.

Nhiều "trò lố" diễn ra trên mạng xã hội như vu khống, lăng mạ cơ quan công quyền; giả mạo các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội để nói xấu Đảng, Nhà nước, quân đội… khiến dư luận xã hội rất bức xúc.

Đã đến lúc hành vi này phải bị pháp luật xử lý.

Bôi nhọ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là vi phạm quyền con người.

Những người bôi nhọ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống (theo Quy định tại Điều 121 và Điều 122, Bộ luật Hình sự), mức phạt có thể lên đến 3 năm hoặc 7 năm tù.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Cái khó của chúng ta hiện nay là không thể truy quét được tận gốc các phần tử ấy bởi các thông tin tiêu cực, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, chống phá chủ yếu thông qua các trang mạng từ nước ngoài.

Chính vì vậy, các cơ quan điều tra phải dùng những biện pháp nghiệp vụ để làm rõ hành vi và có biện pháp nghiêm trị thích đáng.

Bên cạnh đó, việc xử lý các đối tượng này phải căn cứ trên các chế tài sẵn có (về dân sự, hình sự) do đúng cơ quan có thẩm quyền xử lý, nếu không rất có thể sẽ gây tác dụng ngược bởi các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ thủ đoạn chống phá Nhà nước ta bằng nhiều hình thức tinh vi. 

Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên cập nhật, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu biết, tránh mắc mưu thâm độc của kẻ xấu.

Từ đó kêu gọi người sử dụng mạng xã hội cần cảnh giác hơn với những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để bản thân bị lợi dụng, lôi kéo…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Quân đội ta luôn và sẽ mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Tôi hoan nghênh vệt bài đấu tranh với hiện tượng giả danh, mạo danh quân đội.

Cần tiếp tục tuyên truyền sâu sắc về vấn đề này để bạn đọc hiểu rõ đây là một thủ đoạn nhằm bôi đen hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, chia rẽ quân đội với nhân dân, quân đội với Đảng và chia rẽ nội bộ quân đội...

Nhưng chúng ta cũng cần nhận thức rằng, cho dù quân đội của chúng ta có làm tốt đến mấy đi chăng nữa thì các thế lực vẫn cứ tìm mọi cách xuyên tạc, nói xấu.

Báo chí nói chung, báo chí quân đội nói riêng cần đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu của đất nước và quân đội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc

Thành tựu của Đảng, của quân đội, của nhân dân là rất to lớn, còn những khuyết điểm, hạn chế, kể cả những biểu hiện suy thoái, những hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xảy ra thời gian qua là những khuyết điểm khó tránh khỏi của quá trình phát triển.

Chúng ta cũng cần có cách tuyên truyền những thành tích, những tấm gương vì nước, vì dân của các đồng chí lãnh đạo, các vị tướng lĩnh hiện nay để nhân dân hiểu rõ hơn về đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, của quân đội.

Báo chí cũng cần lên tiếng bảo vệ các đồng chí bị mạo danh.

Trên Báo Quân đội nhân dân, có lần tôi đã thấy các đồng chí bị mạo danh lên tiếng, điều đó rất cần thiết. Các thủ đoạn thêm thắt hay núp danh tướng lĩnh bây giờ khá nhiều, cần thường xuyên chỉ rõ thủ đoạn đó.

Từ xưa đến nay, cán bộ, chiến sĩ quân đội đều là con em của nhân dân mà ra. Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình vẫn luôn được coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức, lý tưởng cách mạng.

Tôi thấy những năm gần đây, quân đội thể hiện rất rõ điều này, làm được nhiều việc rất to lớn và rất tốt.

Không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, quân đội còn đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đặc biệt trong phòng, chống thiên tai, lũ lụt.

Đọc báo, xem ti vi, tôi rất xúc động khi thấy người dân vùng lũ khi gặp bộ đội đến cứu trợ thì kêu lên “sống rồi”.

Nên tuyên truyền mạnh về điều này, bản chất nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ thể hiện rất rõ nét và đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Quân đội ta luôn và sẽ mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, đội quân anh hùng của dân tộc anh hùng.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Phát huy hàng triệu tai, mắt nhân dân

Đã từ lâu, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là một trong những giá trị và biểu trưng văn hóa cao đẹp trong lòng nhân dân.

Vì vậy, những hiện tượng giả danh, giả mạo hình ảnh sĩ quan quân đội để làm những việc khuất tất, tiêu cực, lừa dối nhân dân đã làm tổn hại nghiêm trọng đến biểu tượng văn hóa của quân đội.

Việc Báo Quân đội nhân dân có vệt bài phản ánh vấn đề này theo tôi rất thiết thực.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú

Theo tôi, để ngăn ngừa tình trạng nêu trên, cùng với việc làm tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tiếp tục khẳng định những giá trị cao đẹp và làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ “ăn sâu bén rễ” vào tình cảm, niềm tin của các tầng lớp nhân dân, chúng ta cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong quân đội như bảo vệ an ninh, quân báo, cảnh vệ, kiểm soát quân sự, dân vận… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng giả danh, giả mạo hình ảnh sĩ quan quân đội hòng làm những việc mờ ám, lệch lạc.

Mặt khác, cần tăng cường công tác dân vận, dựa vào quần chúng, phát huy hàng triệu tai, mắt của nhân dân để động viên người dân cùng tham gia đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện sai trái làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh quân đội.

Chúng ta cũng cần đề cao cảnh giác, kiên quyết vạch rõ, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn bôi nhọ, xuyên tạc của kẻ xấu.

Những kẻ lợi dụng vị thế, uy tín của các tướng lĩnh quân đội đã nghỉ hưu để làm đơn thư nặc danh tố cáo nhằm chia rẽ nội bộ quân đội là hành vi “gắp lửa bỏ tay người” rất hèn mạt, đê tiện, nên cần phải nghiêm khắc phê phán và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Khắc Tiếp, cán bộ lão thành, phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân: Không thể xuyên tạc công tác cán bộ của quân đội

Tôi rất đồng tình, hoan nghênh với những nội dung Báo Quân đội nhân dân đề cập, phản bác thủ đoạn mạo danh, nói xấu lãnh đạo quân đội.

Song tôi cho rằng, cần làm rõ, phản bác thủ đoạn xuyên tạc về công tác cán bộ. Những thông tin bịa đặt, tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng của các thế lực thù địch vừa qua là hoàn toàn vô lý.

Ông Nguyễn Khắc Tiếp
Ông Nguyễn Khắc Tiếp

Trước đây trong chiến tranh, một nhà chính trị có thể làm nhà quân sự và một nhà quân sự vẫn có thể là một người làm chính trị.

Cán bộ chính trị cũng kinh qua chiến đấu và khi cần vẫn có thể là một nhà quân sự giỏi.

Người lãnh đạo trên cương vị cao nhất của Bộ Quốc phòng luôn là người có tầm chiến lược cao, hiểu biết sâu rộng mới có thể làm được.

Đối với những thông tin nói xấu lãnh đạo quân đội như vừa qua thể hiện họ là những người có tầm nhìn ngắn, không hiểu biết. Bạn đọc cần phải cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn đó.

Tiến sĩ Phạm Đào Thịnh, Trường Đại học Sài Gòn: Tạo môi trường thông tin để người bị mạo danh phản bác

Là một cựu chiến binh, tôi vô cùng bức xúc trước vấn nạn giả danh quân đội và cán bộ quân đội thực hiện các hành vi phạm pháp.

Nếu như trước đây, hành vi giả danh thường diễn ra vì mục đích lừa đảo, trục lợi kinh tế thì những năm gần đây, những đối tượng giả danh dưới sự tiếp tay của các thế lực thù địch, phản động đã triệt để tận dụng truyền thông, mạng xã hội, gia tăng các hoạt động tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, chống phá chế độ, phá hoại đất nước, dưới những chiêu bài rất tinh vi.

Tiến sĩ Phạm Đào Thịnh
Tiến sĩ Phạm Đào Thịnh

Với cách ngụy tạo chứng cứ theo kiểu giả mà như thật, công chúng rất dễ tin vào những luận điệu của bọn phản động tạo ra, nếu chúng ta không kịp thời phản bác một cách thuyết phục.

Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý thông tin của chúng ta vẫn còn thụ động. Nhiều trường hợp chúng ta xử lý quá chậm.

Một trong những giải pháp quan trọng là chính những người bị giả danh, mạo danh cần sớm lên tiếng phản bác.

Điều này rất cần sự vào cuộc của hệ thống báo chí truyền thông chính thống và sự nhạy bén trong chỉ đạo của hệ thống ban tuyên giáo các cấp.

Khi có sự định hướng dư luận kịp thời, nhanh nhạy, với những bằng chứng xác thực, chúng ta sẽ đập tan những luận điệu xuyên tạc.

Cũng cần tăng nặng các hình thức xử lý đối với những đối tượng mạo danh…

Theo Quân đội nhân dân