Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Kỷ niệm nhớ đời của công bộc tiếp dân tại Thanh tra Chính phủ

25/12/2012 13:47
Phạm Văn
(GDVN) - Trong ngăn kéo ở phòng làm việc của anh Nguyễn Hồng Điệp, Phó Cục trưởng Cục Giải quyết Khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực I (Cục I – Thanh tra Chính phủ), ngoài giấy tờ công việc, còn có rất nhiều thư cảm ơn và những bài thơ mà người dân đã viết tặng.
"Cảm ơn bác Điệp cho xôi"

Đã từ lâu, tôi muốn viết về công việc tiếp dân thật cụ thể và chi tiết bằng những gì mắt thấy, tai nghe, nhưng quả thật, nó không đơn giản, bởi vì, phía sau công việc ấy là bộn bề của hàng trăm thứ việc không tên mà như anh nói là “có những thực tế viết ra rồi nó thành ra như chuyện văn chương, khó tin lắm”.

Anh Điệp (người đứng) tại buổi tiếp đoàn đông người của tỉnh Bình Phước.
Anh Điệp (người đứng) tại buổi tiếp đoàn đông người của tỉnh Bình Phước.


Tiếp dân là một mảng quan trọng hàng đầu của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Theo thống kê, riêng năm 2011 đã có tới hơn 40 vạn lượt công dân tới các cơ quan công quyền để gửi đơn kiến nghị, đề xuất, khiếu nại; một phần mười trong số đó là các đoàn đông người.

Anh Điệp nói: “Tiếp một người đã khó, tiếp đông người còn khó hơn nhiều. Khổ nhất là tâm lý người dân luôn muốn gặp lãnh đạo cấp cao nhất. Đã rất nhiều lần tôi phải trực tiếp ra khu Ba Đình để vận động bà con về Trụ sở tiếp dân ở Hà Đông để giải quyết có đầu có cuối. Bác Hồ có dạy, làm tiếp dân, dân vận, phải nắm vững yếu quyết “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, việc đầu tiên là “mình phải nghĩ như dân” trước đã.

Nhiều công sở, cán bộ làm việc có bảng chấm công, có nơi quản lý bằng quẹt thẻ, vân tay hiện đại. Còn đối với các cán bộ làm công tác tiếp dân ở Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước thì lại không cần thiết. Bởi đơn giản, chính những người dân là người giám sát công việc của mình chặt chẽ nhất, mình đi làm muộn là người ta phản ánh ngay.

Thậm chí, không ít cán bộ tiếp dân đã phải nhắc nhau kinh nghiệm "nhớ đời: Có người dân đang bức xúc, vào bàn làm việc nhìn một chị cán bộ, không trình bày, đơn từ gì cả mà nói ngay: “Các chị son phấn thế kia, ăn trắng mặc trơn, ngồi phòng máy lạnh, làm sao mà hiểu nỗi khổ của dân”. Ai không hiểu, sẽ nghĩ rằng làm tiếp dân “sướng lắm”, nhưng có ai biết, đã không ít lần, trụ sở Cục I phải sáng đèn từ tờ mờ sáng đến tận gần nửa đêm.

Khoe miếng trầu vừa têm xong, anh Điệp bảo: “Ở đây có nhiều cán bộ nữ, các chị cũng có nhu cầu làm đẹp bản thân, nhưng sau chuyện đó, đúng là các cán bộ ở đây cũng giữ gìn hình ảnh trước người dân hơn, giản dị hơn. Ngay như tôi chẳng hạn, tôi từ bé ở với bà nội nên nghiện trầu giống bà. Sáng ra nói chuyện với người có tuổi ở quê ra mà mời họ miếng trầu, họ cũng vui vẻ, bớt đi cái bức xúc đang có mà trình bày mạch lạc. Mình cũng hiểu người ta hơn, mình có nói người ta cũng dễ nghe hơn”.

Anh kể: "Nhiều người đi khiếu kiện khổ lắm, có lần vào mùa đông, tôi đi làm sớm, tranh thủ mua gói xôi, đến cơ quan nhìn thấy một cụ bà đang đứng chờ để vào làm việc, hỏi ra mới biết bà cụ chưa ăn sáng, tôi đưa luôn gói xôi rồi vào phòng úp mì tôm. Hôm sau, bà cụ gửi cho bài thơ dài có câu: “Cảm ơn bác Điệp cho xôi, giúp dân đỡ đói trong khi cơ hàn...”

Có lẽ, chính sự giản dị và gần gũi như vậy mà thời gian vừa qua, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần vào việc ổn định chính trị, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Có những "quan" xa dân...

Bên ấm trà, vị cán bộ kinh qua cả chục năm làm "công bộc tiếp dân" kể về những ngày đầu gian khó khi mới vào nghề, rồi những ngày thấy “sợ” khi chuyển công tác về làm tiếp dân, nhưng càng làm, càng thấy thấm thía và thanh thản bởi giúp được nhiều người. “Nhiều lúc tiếp dân, họ chạy ra ôm chầm lấy mình, có lẽ họ tin tưởng mình và đã gặp đúng người. Nhiều người quý mình tới nỗi gọi mình bằng bác Điệp, rồi làm thơ tặng mình, điều hạnh phúc nhất là điều giản dị nhất”.

Anh Điệp chậm rãi, làm tiếp dân không thể “quan cách”, không hành chính mà tận tình hướng dẫn, tâm sự với từng người dân đi khiếu kiện, tháo từng nút thắt rồi hướng dẫn họ “gõ cửa” nào để giải quyết vụ việc của mình. “Đối với những đoàn khiếu kiện đông người, lãnh đạo Cục phải trực tiếp giải quyết, không những thế, đại diện Thanh tra Chính phủ cùng các cơ quan khác của Đảng, Nhà nước cũng đối thoại trực tiếp với dân để thống nhất cách giải quyết".

Đến trụ sở tiếp dân TW Đảng và Nhà nước, người miền Nam có, người miền Trung có, người miền Bắc cũng có. Có người bị oan thật, họ đến đây gõ cửa Cục I như một niềm hi vọng cuối cùng, có người thì không tin tưởng nhiều vào chính quyền địa phương… Một cách nhìn khách quan hơn về cách giải quyết khiếu nại tố cáo một phần là do cách xử lý ở cấp địa phương không triệt để đẫn đến khiếu kiện kéo dài. Tâm lý các “quan” không gần với quyền lợi sát sườn của dân mà chỉ nhìn vào báo cáo nên không thể xử lý triệt để vụ việc.

Với cơ quan tiếp dân thường xuyên như tại Thanh tra Chính phủ, nhiều “dự án” đã hình thành nhằm giúp giải quyết tốt hơn cho dân mà còn chưa thể thực thi, ví dụ như “tiếp dân trực tuyến”. Có như vậy mới giảm được chi phí đi lại, ăn ở cho người dân, đồng thời giảm tải số người, số đoàn về Trung ương khiếu kiện.

Hoặc tổ chức nhóm luật sư, người có kinh nghiệm về luật, hướng dẫn người dân từ cái cơ bản nhất là viết đơn, cho đến tư vấn miễn phí ở trụ sở Cục I… Những việc ấy đúng là không thể ngày một, ngày hai mà làm ngay được.
Phạm Văn