Lì xì là thể hiện đẳng cấp, là thước đo tình cảm!

01/02/2017 07:18
Nguyễn Cao
(GDVN) - Cho tiền lì xì và nhận tiền lì xì cũng là một nghệ thuật trong ứng xử của cuộc sống hiện đại. Đừng vì đồng tiền mà mai một đi tình cảm của nhau.

LTS: Phong tục lì xì (mừng tuổi) cho người già, trẻ con là một điều không thể thiếu trong ngày Tết truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay, phong tục này đang có nhiều biến tướng khiến nhiều người cảm thấy buồn lòng.

Thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng hiện nay nhiều người đang coi đồng tiền lì xì là thước đo tình cảm trong mối quan hệ họ hàng, bạn bè… Mừng tuổi ít hay nhiều cũng được cho là cách để thể hiện đẳng cấp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện lì xì (mừng tuổi) ngày Tết đã có từ xưa xa và đây được xem là nét đẹp trong văn hóa người Việt. 

Sau một năm làm việc, ngày Tết mới có dịp đến thăm thú, hàn huyên cùng nhau. Chuyện lì xì cho người già hay các cháu nhỏ là dịp thể hiện sự quan tâm, yêu thương nhau. 

Thế nhưng, thời hiện đại, nhiều người coi chuyện lì xì ngày Tết là sự thể hiện đẳng cấp, tính cách của con người, đôi khi những đồng tiền đó lại là thước đo tình cảm trong mối quan hệ họ hàng, thân tộc hay bạn bè với nhau.

Từ xưa đến nay, tục xông đất hay đi chúc Tết người thân, bạn bè đi liền với tục lì xì và chúc thọ.

Bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu thì chúc thọ ông bà, bố mẹ, những người thân thiết thì mừng tuổi cho con cháu nhau (nếu có con nhỏ). 

Dù ít, dù nhiều cũng thể hiện được tình cảm của nhau. Và, đó cũng là niềm vui của cả người lì xì và người được nhận lì xì. Bởi con cháu nhận được những lời khuyên, lời chúc ân cần trong cuộc sống từ người trên. 

Ông bà, cha mẹ nhận được lời chúc thọ, sự quan tâm của con cháu. Nét đẹp đó đã làm nên văn hóa truyền thống cả ngàn năm qua cho dân tộc ta.

Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển, mối quan hệ được mở rộng ra khỏi lũy tre làng. Phương tiện đi lại thuận lợi nên ngày tết mọi người có thể đi lại thuận lợi để đến thăm thú và chúc nhau trong ngày Tết. 

Vì thế, ngoài mối quan hệ thân tộc thì ngày nay người ta chú ý đến các mối quan hệ trong công việc, làm ăn. 

Phong tục lì xì đầu năm mới là một nét đẹp văn hóa lâu đời. (Ảnh: Vietq.vn)
Phong tục lì xì đầu năm mới là một nét đẹp văn hóa lâu đời. (Ảnh: Vietq.vn)

Những đồng tiền lì xì cho trẻ nhỏ không đơn thuần là những đồng tiền lẻ, tượng trưng cho tình cảm của nhau mà ở đó là mức độ “thân thiết, mối quan hệ” của nhau.

Bởi ở đó là sự gửi gắm, là lấy lòng nhau và ẩn chứa lối sống thực dụng.

Đã nhiều lần tôi tham dự cùng đơn vị đi chúc Tết cấp trên hay cùng một số đồng nghiệp đi chúc Tết lãnh đạo của mình. Ngoài những túi quà tượng trưng thì chuyện lì xì luôn được chú trọng. 

Nhiều người không chỉ lì xì bằng những đồng tiền có mệnh giá lớn mà họ còn chú ý đến những đồng tiền còn mới cóng, phẳng phiu. 

Nhiều người còn chấp nhận đổi những đồng tiền mới dù phải chấp nhận một khoản phí để những bao lì xì không chỉ có “giá trị” mà còn được yêu thích của con trẻ về độ mới và đẹp của đồng tiền.

Trong quan hệ bàn bè, đồng nghiệp nhiều khi đến chúc mừng nhau ngày Tết thì chuyện lì xì cho con của nhau không thể thiếu nhưng đó lại là chuyện chuyển đổi qua lại cho nhau. 

Tôi mừng con anh 100 ngàn thì anh “trả” lại con tôi trăm ngàn. Tôi có một đứa con, anh lì xì cháu 200 ngàn thì tôi mừng tuổi 2 đứa con anh 200 ngàn, coi như hòa nhau. 

Nhiều khi việc lì xì nhau chỉ trong vòng vài giây của người lớn mà nó thể hiện được hết được nét buồn và cả sự hài hước của thời hiện đại.

Bởi nhiều đứa trẻ sau khi nhận phong lì xì là bóc ngay ra trước mặt người lớn và so sánh với nhau.

Lì xì là thể hiện đẳng cấp, là thước đo tình cảm! ảnh 2

Không lì xì Tết có được không?

Ngày Tết cũng là dịp những người con dâu, rể thể hiện tình cảm với bên nội, bên ngoại của nhau.

Nhiều bậc cha mẹ, con cháu cũng lấy những đồng tiền lì xì để so bì đứa này với đứa kia, người này với người nọ. 

Nhiều chàng rể, cô dâu bị chê bai là ki bo, dè sẻn bởi mừng tuổi quá ít.

Nhất là những người có nghề nghiệp và địa vị thì càng được mổ xẻ bản chất nhiều hơn.

Từ đó, suy luận ra tình cảm, sự quan tâm của người này ít, người kia nhiều.

Nhiều chàng trai, cô gái được dẫn về ra mắt nhà nhau cũng là dịp để hai bên gia đình nhìn vào những bao lì xì mà đoán… tính cách. 

Những người khó khăn thì ít bị xăm soi nhưng những người được coi là giàu mà lì xì cho các cháu một cách tượng trưng thì… coi chừng đã hoàn toàn mất điểm trong mắt người thân của “đối phương” rồi. 

Bởi những từ keo kiệt, bủn xỉn đã được gán cho từ ngày chưa là dâu, là rể trong nhà…

Thời hiện đại, chuyện lì xì ngày Tết không còn trong trẻo vô tư và thiêng liêng như ngày trước. Bởi giờ đây đồng tiền đã đúng nghĩa… tiền bạc, tất cả đều đo đếm giá trị qua những phong bao lì xì. 

Nhiều người lì xì cho con cháu người khác xong là đợi lì xì lại cho con em mình. Nếu nhiều hơn thì vui ra mặt, bằng nhau thì bình thường nhưng ít hơn là không vui.

Vì thế, chuyện lì xì ngày nay đang được tỉ lệ thuận về các mối quan hệ của mỗi con người với nhau.

Muốn giữ được một nét đẹp trong văn hóa truyền thống phải bắt đầu từ sự giáo dục, gương mẫu của người lớn. 

Cho tiền lì xì và nhận tiền lì xì cũng là một nghệ thuật trong ứng xử của cuộc sống hiện đại. Đừng vì đồng tiền mà mai một đi tình cảm của nhau, làm mất đi một nét đẹp đáng yêu của văn hóa dân tộc.

Việc ngân hàng nhà nước không in tiền có mệnh giá nhỏ vào dịp Tết trong nhiều năm qua xem ra cũng chẳng có tác dụng gì nhiều trong thời kinh tế thị trường. Bởi ngày nay, người ta thường lì xì cho nhau đều tiền trăm cả.

Chuyện lì xì đang biến tướng khắp đó đây…

Nguyễn Cao