Lo lắng tham nhũng tăng tốc vào lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ"

17/11/2015 14:44
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đặt ra vấn đề này với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Ông Lê Như Tiến (đại biểu đoàn Quảng Trị) nói rằng, trong các phiên chất vấn ở Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đã cảnh báo về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ". Hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của cả các cơ quan trung tương và địa phương.

Xin Tổng thanh tra cho biết trách nhiệm cá nhân và các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chặn đứng hiện tượng quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những "chuyến tàu vét" cuối cùng trước khi hạ cánh với các hành vi vi phạm, hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình; bất động sản của công thành tư, đề bạt bổ nhiệm không bình thường vào lúc xế chiều; hàng loạt cán bộ công chức thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi mà công luận đã từng lên án trong thời gian qua?

Đại biểu Lê Như Tiến lo lắng khi tới "hoàng hôn nhiệm kỳ" sẽ có những "chuyến tàu vét" của đối tượng tham nhũng. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Lê Như Tiến lo lắng khi tới "hoàng hôn nhiệm kỳ" sẽ có những "chuyến tàu vét" của đối tượng tham nhũng. ảnh: Ngọc Quang.

Ông Lê Như Tiến vốn rất nổi tiếng với những phát ngôn chống tham nhũng, Cách đây hai năm, ông Tiến đã nêu quan điểm: “Đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào chiến dịch bắt hổ, với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ chuột con.

Ông Tiến chỉ rõ: “Có cán bộ cấp phòng ở một thành phố sau hơn 1 năm tài sản tăng thêm lên đến hàng chục tỷ đồng, có cậu bé mới lớn đã tích lũy được cả biệt thự sang trọng, ô tô đắt tiền và vài lô đất trong phố.

Chúng ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng khi người dân không kiểm soát được thu nhập của các công bộc thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, tai mắt nhân dân trong phòng, chống tham nhũng không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch”.

Trước câu hỏi của ông Tiến, Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong thực tiễn có xảy ra một số vi phạm.

“Trong báo cáo của Chính phủ năm 2015 nói về những nhiệm vụ 2016 có nêu: Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện giải pháp đồng bộ, các chủ trương phòng chống tham nhũng. Do đó, trong quá tình triển khai các giải pháp đồng bộ năm 2016, chúng tôi sẽ lưu ý nội dung này của đại biểu”, ông Tranh nói.

Lo lắng tham nhũng tăng tốc vào lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ" ảnh 2

"Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế"

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong chỉ đạo thường xuyên phòng chống tham nhũng có nêu trách nhiệm người đứng đầu để giám sát, kiểm soát, ngăn ngừa phòng chống tham nhũng.

“Nếu đối tượng vi phạm là người đứng đầu thì chúng ta sẽ phải phát huy vai trò tổ chức Đảng, của các tổ chức đoàn thể và vai trò của cán bộ, công chức viên chức, bằng cách giám sát thường xuyên việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Tố giác hành vi tham nhũng nếu có tới các cơ quan có thẩm quyền.

Chúng tôi là cơ quan chức năng tăng cường thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có dấu hiệu tham nhũng qua kênh dư luận, thư tố cáo, thông tin báo chí. Nếu có xuất hiện những dấu hiệu này, ngành thanh tra sẽ thanh tra đột xuất… Cá nhân tôi và ngành thanh tra sẽ quan tâm tới câu hỏi này của đại biểu”, ông Tranh cho biết.

Để góp phần chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt hơn, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) đã từng đề nghị: “Thành lập một cơ quan điều tra độc lập để tạo sự đột phá trong công tác chống tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan này phải là một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và được đặt ở 7 khu vực, độc lập với các vùng địa phương, như 7 vùng thời tiết, Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Như thế là ông đi điều tra là cứ vào dịch quán ăn, không phải ăn uống với các cơ sở nữa để đỡ vướng mắc và thẩm quyền chỉ điều tra những án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn và những án mà đối tượng phạm tội có liên quan thuộc diện tỉnh ủy quản lý trở lên, còn những án điều tra bình thường thì để cơ quan điều tra người ta điều tra bình thường”.

Ngọc Quang