Ông Nguyễn Đình Quyền chia sẻ: “Tại Quốc hội khóa XI và khóa XII, lúc đó tôi làm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, giúp việc cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Bác Đỗ Mười có gọi tôi đến và nói rằng Quốc hội cần phải thay đổi và cần phải công bố công khai danh tính của đại biểu Quốc hội trong quá trình biểu quyết. Vấn đề này các nước đã làm rất nhiều.
Tôi tham dự các phiên họp của Quốc hội Mỹ, các bang của Mỹ thì đại biểu Quốc hội nào đồng ý, không đồng ý, không biểu quyết đều được hiện lên trên bảng vi tính và thể hiện rõ quan điểm của mình trước nhân dân và chịu trách nhiệm về biểu quyết giơ tay của mình”.
Ông Quyền đề nghị Quốc hội cần có đổi mới, thay đổi và điều đó thể hiện bản lĩnh của đại biểu Quốc hội.
“Bây giờ chúng ta bấm mà không có các danh tính thì rõ ràng nhân dân cũng không biết được đại biểu đó, quan điểm của đại biểu đó như thế nào trong quá trình biểu quyết. Biểu quyết là một trong vấn đề quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội khi thể hiện chính kiến của mình.
Tôi đề nghị cần có sự thay đổi, đó là công khai danh tính trên bàn vi tính khi chúng ta biểu quyết về việc đồng ý, không đồng ý hoặc không biểu quyết”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đề nghị khi biểu quyết phải công khai danh tính đại biểu để nhân dân biết. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị Quốc hội biểu quyết công khai bao gồm biểu quyết bằng giơ tay và bằng bảng điện tử hiện rõ danh tính.
“Thiết kế bảng điện tử đại biểu A tên là gì và đồng ý hay không đồng ý hiện thẳng lên bảng điện tử, đó là hình thức công khai. Hình thức biểu quyết không công khai thông qua việc bỏ phiếu và thông qua bảng điện tử không hiện rõ danh tính như chúng ta đang biểu quyết ở trên bàn hiện nay, đó là không biết ai đồng ý, ai không đồng ý và chỉ hiện lên con số.
Do đó, để tiến tới được biểu quyết điện tử công khai danh tính thì cần phải có một giai đoạn, do đó có hình thức là biểu quyết không công khai bằng bảng điện tử không hiện rõ danh tính”, ông Hà nói.
Cũng liên quan tới vấn đề biểu quyết, Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị nên thiết kế vào trong việc biểu quyết thông qua dự án luật, số lượng điều biểu quyết trước khi biểu quyết toàn văn cũng do Quốc hội quyết định, điều cụ thể cũng do Quốc hội quyết định, lấy từ cao xuống thấp theo phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Ông Hà chỉ rõ: “Vừa qua, khá nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải biểu quyết, mong muốn được biểu quyết thì lại không được biểu quyết, biểu quyết bằng một điều khác. Do đó, chúng tôi đề nghị chọn điều để biểu quyết trước khi biểu quyết toàn văn như vậy. Về việc biểu quyết nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, tôi đề nghị thực hiện như vậy”.
Ông Nguyễ Đình Quyền cho biết, tổng kết 13 khóa đại biểu Quốc hội cho tới nay thì Quốc hội ta vẫn cơ bản là Quốc hội tham luận và chưa chuyển từ Quốc hội tham luận thành Quốc hội tranh luận. “Chúng tôi thấy các đồng chí chủ tọa điều hành phiên họp rất tốt, tuy nhiên các đại biểu Quốc hội có những vấn đề băn khoăn về tính không thống nhất về cách điều hành, việc điều hành có kết luận hay không có kết luận, tại sao có kết luận, kết luận có giá trị như thế nào? Tóm tắt như vậy đã phản ánh hết ý kiến của đại biểu Quốc hội hay chưa? Lâu nay các đại biểu cũng có những trao đổi, băn khoăn về vấn đề đó. Tôi cho rằng cần phải có một điều quy định về điều hành phiên họp. Trong đó, để khắc phục tính tham luận là cứ đứng lên chúng ta đọc một bài chuẩn bị sẵn và rất mất thời gian, có khi hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau thì có cần thiết phải như vậy hay không? Tôi đề nghị cần phải có một điều về điều hành phiên họp để biến Quốc hội ta từ Quốc hội chỉ có tham luận thành Quốc hội tranh luận về những quan điểm khác nhau, nói rõ về những quan điểm, về cơ sở lý luận, về triết lý của vấn đề và thực tiễn của vấn đề, tôi đề nghị cần phải bổ sung vấn đề đó”. |