Sáng ngày 8/1, Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bắt đầu tiến hành.
Theo dự kiến, phiên tòa diễn ra trong khoảng 14 ngày liên tiếp (từ 8 đến 21/1). Ngồi ghế chủ tọa phiên tòa lần này là thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân.
Ba kiểm sát viên là Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội), Nguyễn Minh Đồng (Kiểm sát viên cao cấp), Nguyễn Mạnh Thường (kiểm sát viên cao cấp) sẽ là những người thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa.
Ông Đinh La Thăng trong buổi xét xử ngày 8/1 (ảnh TTXVN). |
Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội còn bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa này.
Có tổng số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Theo đó, ông Đinh La Thăng cùng 11 bị can khác bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng". 8 bị can khác bị truy tố về tội "Tham ô tài sản".
Riêng 2 bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam) bị truy tố cả 2 tội danh trên.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bàn về các tội danh của ông Đinh La Thăng |
Một điểm nhấn của phần thủ tục mở phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – một trong 22 bị cáo bị đưa ra xét xử lần này) kiến nghị hội đồng xét xử tách các nhân chứng trong quá trình diễn ra phiên tòa.
Theo luật sư Chiến: "Đây là vụ án lớn phức tạp có nhiều lời khai và hồ sơ, đề nghị tòa khi xét hỏi cũng cách ly các nhân chứng vì quyền lợi của họ xung đột với nhau".
Luật sư cũng cho rằng, vụ án được điều tra truy tố xét xử nhanh nên có những tài liệu mà luật sư chưa kịp sao chụp, đề nghị tòa tạo điều kiện cho luật sư sao chụp.
Phiên tòa kéo dài nhiều ngày nên đề nghị những lúc hội đồng xét xử không làm việc thì cho luật sư tiếp xúc với tài liệu.
Luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết đã thu thập được chứng cứ mới có lợi cho bị cáo.
Do vụ án có tiến độ tố tụng quá nhanh nên chưa kịp giao nộp cho thẩm phán, đề nghị tòa hướng dẫn cách giao nộp tài liệu này.
Luật sư Tuấn cũng đề nghị tòa triệu tập thêm 1 người làm chứng là ông Hồ Công Kỳ - nguyên Chánh văn phòng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Xung quanh yêu cầu cách ly người làm chứng tại một phiên tòa xét xử công khai, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với tiên sĩ Vũ Gia Lâm, Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Đại học Luật Hà Nội.
Ông Vũ Gia Lâm cho rằng: “Việc tại phiên tòa Luật sư yêu cầu cách ly nhân chứng với nhau tránh hiện tượng lợi ích xung đột, để đảm bảo tính khách quan là đề nghị hợp lý.
Việc cách ly là để tránh ảnh hương lời khai của người này với lời khai của người kia”.
Vị chuyên gia này lý giải thêm: “Không cần lợi ích xung đột cũng có thể cách ly người làm chứng được. Vì nếu không cách ly thì lời khai cũng có thể bị ảnh hưởng nhau.
Đề nghị của luật sư như vậy sẽ buộc hội đồng xét xử phải xem xét”.
Theo vị chuyên gia này, căn cứ pháp lý của đề nghị trên là Điều 304, Bộ Luật Tố Tụng Hình sự 2015.
Cụ thể: “Điều 304. Cam đoan của người làm chứng, cách ly người làm chứng: 1. Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng, chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng phải cam đoan khai trung thực.
2. Trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án, chủ tọa phiên tòa quyết định biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan.
Trường hợp lời khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ tọa phiên tòa phải quyết định cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng”.
Như vậy, chiếu theo Điều luật 304, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, rõ ràng yêu cầu của Luật sư Nguyễn Văn Chiến là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.