Năng lực và bản lĩnh của các phó ban Nội chính Trung ương

07/02/2013 07:20
N.Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Ngày 4/2/2012, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chính thức ra mắt. Bộ máy lãnh đạo của Ban Nội chính Trung ương gồm 1 Trưởng ban và 3 phó ban.

Theo các quyết định điều động, phân công của Bộ Chính trị, ngoài Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh, 3 phó ban Nội chính gồm các ông Phan Đình Trạc (Bí thư tỉnh ủy Nghệ An), Nguyễn Doãn Khánh (Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ), Phạm Anh Tuấn (nguyên Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng). Họ là những con người có năng lực và bản lĩnh, điều này cho thấy Bộ Chính trị đã cân nhắc cẩn trọng đến cỡ nào...

Ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn (tiến sĩ luật) là gương mặt khá quen thuộc. Ông Tuấn nguyên là trưởng Ban Xây dựng pháp luật Văn phòng Chính phủ. Khi còn giữ cương vị này, ngày 1/2/2008, ông Tuấn vinh dự được nhận Huân Chương Lao động Hạng Ba do Chính phủ trao tặng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Tháng 12/2008, ông Tuấn sang làm Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Qua khảo sát 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực vực tín dụng, ngân hàng vào năm 2011, ông Tuấn cho biết: cơ quan chức năng nhận thấy có thủ đoạn “cán bộ ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng vàng giả đưa vào thế chấp; giả mạo chữ ký khách hàng, làm giả giấy rút tiền; ép buộc khách hàng chi tiền trong vay vốn ngân hàng...”.

Tại phiên họp ngày 8/1/2013, Ban Bí thư cũng đã quyết định để ông Phạm Anh Tuấn thôi giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Trả lời câu hỏi hoạt động của Ban Nội chính Trung ương có gì mới so với Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trước đây, ông Phạm Anh Tuấn nói: “Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng.

Đồng thời, Ban Nội chính Trung ương còn thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Như vậy, hoạt động của Ban Nội chính trung ương sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ nêu trên và đó chính là các điểm mới”.

Ông Phan Đình Trạc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Ông Phan Đình Trạc sinh ngày 25/8/1958, quê xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu; chuyên môn nghiệp vụ: Đại học An ninh Nhân dân (ngành điều tra tội phạm); Lý luận chính trị: Cử nhân. 

Ông Trạc nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Năm 2005, ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đến cuối nhiệm kỳ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng XI.

Ông Phan Đình Trạc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Ông Phan Đình Trạc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An sẽ tiếp nhận trọng trách mới tại Ban Nội chính trung ương.

Trong thời kỳ ông Phan Đình Trạc nắm giữ cương vị người đứng đầu Nghệ An, tỉnh này đã xác quyết mục đích trở thành một trung tâm kinh tế của Khu vực Bắc Trung Bộ, xây dựng thành phố Vinh thành thành phố trung tâm vùng, mở rộng nâng cấp sân bay Vinh, xây dựng Cảng nước sâu Nghi Thiết. 

Trước đó, trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói: “Những người được chọn vào Ban Nội chính Trung ương phải là những người rất có bản lĩnh và bản thân là phải trong sạch. Tuy nhiên, dù những cán bộ đó rất có bản lĩnh nhưng nếu không được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao hơn thì cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ...”.

Đối với người dân Nghệ An, ông Phan Đình Trạc được biết đến là một người luôn có phong thái trí thức, lịch lãm và khá thân thiện. 

Chia sẻ về việc được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương sau khi Ban này chính thức đi vào hoạt động được một ngày, ông Phan Đình Trạc cười nói: “Không, tôi không bất ngờ về quyết định này của Bộ Chính trị. Là người của Đảng thì luôn sẵn sàng, bảo đi là đi, bảo ở là ở thôi”.

Bộ Chính trị vừa có quyết định điều động ông Phan Đình Trạc – ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An – làm phó Ban Nội chính trung ương.

Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Ông Nguyễn Doãn Khánh sinh ngày 15/8/1956, quê ở Xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ; chuyên môn nghiệp vụ: Thạc sỹ Quản lý nhà nước; Cử nhân Luật, Cử nhân kinh tế.

Ông Khánh xuất thân là Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ, sau đó làm Chủ tịch UBND tỉnh. Tại Đại hội Đảng XI, ông Khánh được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho đến nay.

Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.
Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Ngày 4/2, Bộ Chính trị quyết định điều động ông Nguyễn Doãn Khánh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Trong thời gian đương nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, ông Nguyễn Doãn Khánh cùng các cán bộ, công chức trên địa bàn Tỉnh đã tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV. Đồng thời với những chính sách, việc làm của mình áp dụng vnền kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh Phú Thọ cũng đánh dấu nhiều phát triển vượt bậc.

So với Ban Nội chính Trung ương từ khóa IX trở về trước, đây là lần đầu tiên cơ quan này có cấp phó là ủy viên Trung ương Đảng. Họ là những trụ cột tin cẩn và thuộc loại “cứng” đã được điều về bọc lót cho ông Nguyễn Bá Thanh.

N.Huệ (Tổng hợp)