Nếu có báo cáo sai 1.809 tỷ đồng, cơ quan nhà nước có chịu bó tay?

22/09/2015 12:22
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, rất nghi ngờ về con số đóng góp 1.809 tỷ của các nông lâm trường, nhưng chưa tìm ra cách nào bác bỏ.

Trước năm 2004, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai của các nông, lâm trường diễn ra khá phổ biến; nhiều vụ việc tranh chấp diện tích lớn, kéo dài, không được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của nông, lâm trường, ảnh hưởng tới tình hình trật tự, trị an của địa phương.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, có 39/53 tỉnh, thành phố có tình trạng các nông, lâm trường bị lấn chiếm đất đai, với tổng diện tích đất bị lấn chiếm 297.678ha (trong đó đất nông trường 33.309 ha, chiếm 5,2%; đất lâm trường 264.369 ha, chiếm 5,3%).  24/53 tỉnh, thành phố có tranh chấp đất đai của nông, lâm trường, với diện tích 61.038 ha (trong đó đất nông trường 2.238 ha, chiếm tỷ lệ 0,4%; đất lâm trường 58.800 ha, chiếm tỷ lệ 1,2% diện tích đất các lâm trường được giao quản lý).

Ông KSor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, rất nghi ngờ về con số đóng góp của các nông, lâm trường. ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ.
Ông KSor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, rất nghi ngờ về con số đóng góp của các nông, lâm trường. ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ: Giai đoạn 2004 - 2014, đã thực hiện 8 cuộc thanh tra có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường. Qua thanh tra, đã chấn chỉnh về quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai; phát hiện sai phạm về kinh tế 229 tỷ đồng và 679 ha đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 126 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 103 tỷ đồng.

Tại các kết luận thanh tra, đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật; nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, nông lâm trường quản lý hàng triệu héc-ta, nhưng 10 năm trời đóng góp chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng, mỗi năm 180 tỷ thì không bằng một nhà máy.

Báo cáo thẩm tra do Hội đồng dân tộc của Quốc hội thực hiện chỉ rõ hạn chế về hiệu quả sử dụng đất: Giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tướng xứng với nguồn lực (tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1.809 tỷ đồng).

Phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai heo quy định; các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt (điển hình là ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung); vẫn còn tình trạng để đất hoang hoá chưa sử dụng.

Nếu có báo cáo sai 1.809 tỷ đồng, cơ quan nhà nước có chịu bó tay? ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội: "Tôi cảnh báo trước là không có phí phiếc gì đâu đấy"

Ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, trưởng đoàn giám sát cho biết, quá trình thực hiện giám sát gặp rất nhiều khó khăn do con số qua các thời kỳ không thống nhất; 10 tỉnh trọng điểm có nông lâm trường báo cáo không đầy đủ.

“Về số liệu đóng góp cho ngân sách tôi cũng rất đau đầu, tôi xem cũng nghi ngờ lắm, nhưng nghi ngờ cũng chẳng có cái gì để bác bỏ, vì số liệu là các bộ với các tỉnh cung cấp. Thế nên chúng tôi cũng chịu chết. Chúng tôi thật sự nghi ngờ con số đóng góp của các nông trường.

Tôi nói thí dụ như Gia Lai, ĐăcLắck chủ yếu là các doanh nghiệp nông lâm nghiệp cung cấp thôi, chứ công nghiệp thì có bao nhiêu đâu. Tại sao lại ít thế này? Tôi cũng đang đặt ra câu hỏi không biết con số này nó thế nào. Con số này chúng ta cần phải kiểm tra lại”, ông Phước cho hay.

Trên cơ sở đó, ông KSor Phước đề nghị thu hẹp quy mô công ty nông, lâm nghiệp, thu hồi đất sử dụng không hiệu quả, đất không sử dụng trả lại cho các địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc chưa có đất sản xuất quản lý, sử dụng.

Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, diện tích đang cho thuê, cho mượn tại các công ty nông, lâm nghiệp; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích trái phép; xử lý nghiêm việc tự ý xây dựng công trình, nhà ở kiên cố trên diện tích đất nông, lâm trường. Tiến hành thanh tra, kiểm toán toàn diện các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó tập trung vào các công ty có biểu hiện vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai trong quá trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng đất đai các công ty nông, lâm nghiệp. Hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm, phân cấp cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn cho địa phương trong việc quản lý và sử dụng đất đai.

Đồng thời yêu cầu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với địa bàn để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại địa phương.

Ngọc Quang