LTS: Trước những động thái bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa mà phía Trung Quốc đang dốc sức biến đá thành đảo nhân tạo, dư luận đặc biệt quan ngại trước nguy cơ xung đột có thể xảy ra.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã gửi đến độc giả báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam bài phân tích của ông về nguyên tắc "giữ nguyên hiện trạng" ở Biển Đông, vạch trần bộ mặt phi pháp của Trung Quốc và bảo vệ các hoạt động chính đáng của Việt Nam trong việc khẳng định, thực thi chủ quyền hợp pháp của mình. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài phân tích của Ts Trần Công Trục.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: QĐND. |
Thế nào là “hiện trạng” và “giữ nguyên hiện trạng?
Nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng (status-quo): Status quo là một thuật ngữ tiếng La Tinh có nghĩa là hiện trạng hoặc giữ nguyên hiện trạng. Thuật ngữ có liên quan là status quo ante, có nghĩa "hiện trạng như trước”.( "the state in which before", means "the state of affairs that existed previously”).
Nguyên tắc này đã được vận dụng khá phổ biến trong luật pháp và thực tiễn quốc tế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để xử lý những tranh chấp giữa các bên trong các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội…với tư cách là một giải pháp tạm thời, trung gian, có tính thực tế.
Tuy nhiên trong thực tiễn, cách hiểu và vận dụng nguyên tắc này như thế nào vẫn còn là vấn đề khá phức tạp, nhiều khi còn tồn tại những nhận thức khác nhau...Đăc biệt là những quan hệ pháp lý, chính trị nhạy cảm có liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia. Chẳng hạn, nội dung cụ thể của “hiện trạng” trong những trường hợp cụ thể sẽ được định nghĩa như thế nào và bao gồm những gì? Điều này dường như chưa tìm thấy một khái niệm chính thức và duy nhất.
Bởi vì, “hiện trạng” bao gồm những gì diễn ra tại thời điểm và trong phạm vi địa lý cụ thể, không phải đều có chung một đáp án; Mặt khác khái niệm “hiện trạng” phần lớn lại phụ thuộc nhiều vào mục đích mà các bên liên quan muốn “giữ nguyên” có lợi cho mình. Chính vì vậy mà có nhiều thỏa thuận không có tính khả thi. Thậm chí, chúng còn là những cái cớ để các bên lợi dụng nhằm phục vụ cho những toan tính của mình.
Chính vì vậy khi triển khai ký và thực hiện các thỏa thuận đó, các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc và tính toán rất kỹ và thận trọng. Nếu không sẽ bị mắc bẫy, bị rơi vào những tình huống bất lợi khó có thể khắc phục được, nhất là trên phương diện pháp lý.
Từ phân tích nói trên, trong tình hình Biển Đông hiện nay có lẽ chúng ta nên cùng nhau tìm hiểu, đánh giá nội dung của điểm 4, 5 của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông viết tắt là DOC để từ đó mà thông nhất được cách thức ứng xử thích hợp; bởi lẽ hiện tại còn có nhiều cách hiểu hay giải thích khác nhau về các nội dung này.
Trên thực tế DOC là một tuyên bố thể hiện ý chí chính trị giữa Trung Quốc và cộng đồng ASEAN, chưa phải là một bộ quy tắc ứng xử có tác dụng điều chỉnh thực chất các quan hệ diễn ra trong Biển Đông. Tuyên bố này chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là nội dung của Điều 4 và 5.
Điều 4: Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Điều 5: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những thực thể địa lý khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng
Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm:
(1) Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng.
(2) Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.
(3) Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra.
(4) Trao đổi trên cơ sở tự nguyện những thông tin liên quan.
Chúng ta hãy lần lượt xem xét các nội dung đó:
Nội dung tại Điều 4 chỉ là nguyên tăc phổ biến trong quan hệ quốc tế, không có gì phải bàn cãi. Người ta thường nhắc đi nhắc lại trong nhiều văn kiện ngoại giao. Nhưng trong thực tế thi có quá nhiều trường hợp lời nói không đi đôi với việc làm.
Tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị tàu Hải giám Trung Quốc xâm nhập khiêu khích, đe dọa và cắt cáp tháng 5/2011. |
Điển hình có thể kể ra vụ 3 tàu Hải giám Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và cắt cáp tàu Bình Minh 02 tháng 5/2011, hay gần đây nhất là vụ Trung Quốc kéo giàn khoan 981 cùng đội tàu hộ tống xâm phạm và hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 5 vừa qua. Những vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá, tấn công hành hung ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa vẫn xảy ra hàng năm. Điều 5 của DOC mới là nội dung cần được mổ xẻ.
Thứ nhất: quy định về trách nhiệm của các bên “thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định”. Có thể nói đây cũng chỉ là một lời kêu gọi chính trị chung chung, không có tiêu chí cụ thể để định lượng được các hoạt động nào có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp. Chính vì vậy Trung Quốc thường vin vào nội dung này để chỉ trích, vu cáo các bên yêu sách khác ở Biển Đông còn bản thân họ thì tha hồ dẫm đạp hay lờ tịt đi “sự tự chế” cần thiết này.
Thứ 2, “kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”…
Có thể nói đây mới là nội dung có nhiều cách diễn giải khác nhau. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ nội dung này dưới đây.
Nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” trong khoản 2 Điều 5 DOC và sự nhầm lẫn, đánh đồng nguy hiểm
Đối chiếu với nội hàm khái niệm “hiện trạng” cũng như nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng đã đề cập ở phần đầu, khoản 2 trong Điều 5 nêu trên theo tôi, không hoàn toàn là nội dung của nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” như nhiều người vẫn nhấn mạnh. Việc “kiềm chế không đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi đá ngầm, đảo nhỏ và những thực thể địa lý khác…” có thể nói, không liên quan và không nghiêm cấm, cản trở sinh hoạt bình thường của cư dân Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tại sao?
Với tư cách là những chủ nhân hợp pháp của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ 17, người Việt vốn đã từng sinh cơ lập nghiệp, cai quản, bảo vệ 2 quần đảo này từ lâu. Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau các thế hệ người Việt Nam đã từng đổ mồ hôi, xương máu để dựng xây, phát triển mọi cơ sở cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt nơi đây nên việc ngày nay ngư dân Việt Nam sinh sống và đánh bắt ở khu vực hai quần đảo này, cải tạo điều kiện sống, làm việc và tiếp tục thực thi chủ quyền hợp pháp của mình hoàn toàn không phải điều gì mới mà nó vẫn diễn ra cả mấy trăm năm qua. Các hoạt động bình thường và hợp pháp ấy không phải đối tượng điều chỉnh của khoản 2 Điều 5 DOC.
Bởi vậy, thật không bình thường nếu có ai đó hiểu rằng để chấp hành quy định trong khoản 2 Điều 5 của DOC này, người Việt Nam đã từng sinh cơ lập nghiệp ở đây tư lâu, với tư thế là chủ nhân, cũng buộc phải ngưng mọi hoạt động vì nhu cầu mưu sinh theo lẽ tự nhiên. Việc người Việt Nam làm gì trong phạm vi lãnh thổ của mình từ lâu phải được hiểu là họ đang thực thi chủ quyền bất khả xâm phạm mà theo luật pháp quốc tế thì không quốc gia , không tổ chức quốc tế, không cá nhân nào có quyền can thiệp.
Cho nên không thể đánh đồng những hoạt động hợp pháp của người Việt Nam trong phạm vi lãnh thổ của mình giống với những hành động của những kẻ xâm lược, cướp đất, cướp biển... Cụ thể là Trung Quốc, họ đã dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa và hiên nay đang dốc sức biến các đảo, đá, bãi cạn này thành các căn cứ quân sự, đường băng sân bay, cơ sở dịch vụ hậu cần…là hoàn toàn chà đạp luật pháp quốc tế hiện hành, không tôn trọng các cam kết chính trị song phương và đa phương, vi phạm DOC…
Thiết nghĩ đây là nội dung đầu tiên chúng ta cần có nhận thức thống nhất. Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ những mưu tính của Trung Quốc thông qua các động thái đang xảy ra ở Gạc Ma, Chữ Thập…
Hải chiến Gạc Ma năm 1988 Trung Quốc cất quân xâm lược 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự và bài học cảnh giác. |
Hải chiến Gạc Ma và câu chuyện “giữ nguyên hiện trạng” ngày hôm nay
Để một lần nữa vạch trần hành động sử dụng vũ lực phi pháp trước đây cũng như âm mưu hiện nay của Trung Quốc, chúng tôi xin nhắc diễn biến của trận “Hải chiến Gạc Ma” năm 1988, hay có người gọi đó là “cuộc tàn sát đẫm máu” của Trung Quốc cách đây 25 năm…
Trước hết, về bối cảnh, Trung Quốc lựa chọn đánh chiếm một số đảo, đá ở Trường Sa năm 1988 xảy ra trong bối cảnh Việt Nam thống nhất đất nước chưa được bao lâu, vừa phải củng cố hệ thống quản lý đất nước, phát triển kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn, vừa phải giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới 1979 do Trung Quốc gây ra…
Trong khi đó thì tình hình Liên Xô và Đông Âu cũng đang khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, gây ra đổ vỡ hệ thống.
Quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô, các nước phương Tây, Campuchia trong giai đoạn này là vô cùng phức tạp. Sự kiện Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia loại trừ nạn diệt chủng Pôn Pốt bị một số thế lực quốc tế lợi dụng chỉ trích, xuyên tạc gây khó khăn cho ta, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.
Về kinh tế, chúng ta đang thiếu thốn đủ thứ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Đây chính là cơ hội để Trung Quốc tính toán bước thôn tính Trường Sa, tiếp sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Với tương quan lực lượng, tiềm lực và thế lực chênh lệch như vậy, việc chúng ta giữ được quần đảo Trường Sa dù bị Trung Quốc chiếm mất một phần cũng đã là một nỗ lực to lớn và bền bỉ vô cùng.
Khi Trung Quốc chiếm một số đảo, bãi đá ở Trường Sa, về ngoại giao, pháp lý chúng ta đã có đấu tranh phản đối liên tục, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoại trừ 6 điểm Trung Quốc chiếm năm 1988, năm 1995 chiếm thêm đá Vành Khăn, Tung Quốc lại quay sang tính toán những nước đi khác phục vụ mưu đồ chiếm trọn Biển Đông .Nếu không có sự chuẩn bị kỹ, Trung Quốc đã đánh chiếm một số bãi cạn trong thềm lục địa Việt Nam và điều này xảy ra sẽ vô cùng nguy hiểm cho chúng ta.
Cho đến bây giờ, chúng ta giữ được hệ thống nhà dàn DK1, ngăn cản được chiến dịch Trung Quốc đổ bộ, biến các bãi cạn thành một bộ phận của quần đảo Trường Sa mà họ đòi chủ quyền với cái tên gọi là “Nam Sa” để hiện thực hóa đường “lưỡi bò” phi pháp.
Không thể lấn sâu hơn về phía Tây, Trung Quốc bèn tiến về phía Đông Nam, nơi Philippines đang chiếm đóng. Sau này họ có gây sức ép ở bãi Cỏ Mây. Rõ ràng với động thái đó, cách thức và phản ứng của chúng ta đã hạn chế được rất nhiều sự bành trướng, mở rộng chiếm đóng của Trung Quốc ở khu vực này, mặc dù chúng ta còn rất khó khăn thiếu thốn…
Nhắc đến giai đoạn Trung Quốc đưa quân xuống chiếm 6 thực thể ở phía Tây quần đảo Trường Sa vào năm 1988, mặc dù chúng ta đã chiến đấu quên mình, 64 chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh, và chúng ta đã không giữ được đảo, đã bị quân Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực.
Song, về mặt ngoại giao, chúng ta vẫn giữ nguyên ý chí đấu tranh với Trung Quốc khi công bố một cách công khai hành động này của Trung Quốc với công luận quốc tế. Nhắc lại chuyện này để nói rằng, về mặt pháp lý, chúng ta đã từng đấu tranh rất nhiều lần với Trung Quốc, và chúng ta đã lường trước và biết được những âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc, khi họ đào san hô lên rồi đắp thành đảo.
Đá Chữ Thập bị Trung Quốc xâm lược năm 1988 và xây dựng trái phép công sự nhà nổi kiên cố. Nay Trung Quốc lại đang biến bãi đá này thành đảo nhân tạo và đặt căn cứ quân sự tại đây làm bàn đạp thôn tính toàn bộ Biển Đông. |
Nguy cơ Trung Quốc lặp lại thủ đoạn ở Gạc Ma còn rất lớn
Người Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời điểm cam go trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, cho nên, từ những bài học ấy, chúng ta không dễ dàng bị mất cảnh giác. Chỉ có điều, trong các bước đi, chúng ta luôn tính toán làm sao hài hòa giữa lợi ích dân tộc, khu vực và quốc tế. Bởi vì, âm mưu của Trung Quốc là biến những đảo nhỏ, không có sự sống thành những nơi có sự xuất hiện của người Trung Quốc.
Đồng thời, họ biến đây thành những bàn đạp, để rồi từ đó vươn ra tranh giành tới các vùng khác. Mục đích cao nhất của họ chính là chứng minh đường lưỡi bò mà họ tự kẻ vẽ ra là hoàn toàn có cơ sở về mặt pháp lý. Họ đưa ra các yêu sách rất vô lý, áp đặt công lý quốc tế theo ý chủ quan để chứng tỏ những điều họ làm là... có lý. Họ công bố cái gọi là quần đảo Nam Sa (thực chất là Trường Sa của Việt Nam); ôm tham vọng mở rộng nó bằng việc lấn ra các điểm nằm ở thềm lục địa của chúng ta và các nước khác; mục tiêu của Trung Quốc chính là toàn bộ Biển Đông.
Vì vậy chúng ta phải có những cách đi để ngăn cản các hoạt động nguy hiểm của Trung Quốc, chúng ta phải có biện pháp cụ thể, rõ ràng, thiết thực. Pháp lý cũng là một kênh chúng ta nên áp dụng song song với hoạt động đàm phán với các bên liên quan, cần lưu ý kênh tài phán quốc tế.
Mặt khác chúng ta phải lưu ý đến những phương diện kinh tế, cảnh giác với những âm mưu và hoạt động của Trung Quốc, như đấu thầu dầu khí, chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác trong khu vực họ yêu sách mà không dựa trên UNCLOS – Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, tức khu vực không tranh chấp mà họ nhảy vào tranh chấp.
Với những bài học lịch sử để lại và xét đến bối cảnh hiện tại, nguy cơ Trung Quốc tiếp tục gây hấn, xâm lấn, tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế còn rất lớn. Vấn đề là chúng ta cần tăng cường dành công sức để nghiên cứu, phổ biến thông tin rộng rãi cho mọi người hiểu rõ lịch sử chủ quyền và luật pháp quốc tế về Biển Đông; công khai lập trường của chúng ta; tạo được sự thống nhất trong nhân dân, thống nhất trong khu vực và quốc tế, để có tiếng nói đồng tình, khi có sự cố xảy ra vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của đất nước, chúng ta mới có được sức mạnh của sự thống nhất, đoàn kết dân tộc và quốc tế.
Hiện nay chúng ta phải đấu tranh trên các phương diện pháp lý, kinh tế, tuyên truyền lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đòi hỏi chúng ta phải tập trung nguồn lực trí tuệ, kiến thức, thông tin, nhận định rõ ràng và sáng suốt của cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước, tập hợp sức mạnh cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước.
Bài học lịch sử cũng cho ta thấy phải luôn luôn đề cao cảnh giác, mặc dù chúng ta đang có những khó khăn nhất định, nhưng chúng ta không nên vì khó khăn tạm thời mà lơ là mất cảnh giác, tạo ra cơ hội cho Trung Quốc dễ dàng tính toán các bước đi tiếp theo. Chiến lược xâm lược của họ không hề thay đổi. Nếu chúng ta mơ hồ, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.
Muốn tạo được sự thống nhất, đoàn kết, chúng ta phải có một chính sách rất rõ để khơi dậy, duy trì và phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, không nặng nề về quan niệm chính trị khác nhau… Đừng để sự chia rẽ và những mầm mống có thể ảnh hưởng đến sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong cuộc đấu tranh này.
Ngoài đông đảo các nước bạn bè có thiện chí, còn không ít thế lực tìm cách khai thác những mâu thuẫn bất lợi trong quan hệ giữa ta với khu vực và quốc tế để mưu lợi ích của họ. Điều này chúng ta cũng cần phải sáng suốt nhận định và dứt khoát lập trường vì lợi ích tối cao của dân tộc…
Và, cuối cùng, thay cho lời kết, chúng tôi cũng xin phép được nhắc lại lời thề sắt son của thế hệ người Việt Nam trước linh hồn của đồng bào, đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đẫm máu Gạc Ma năm 1988:
"Hôm nay, kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các Quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiệng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Trích phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh tại đảo Trường Sa lớn năm 1988, nhân chuyến thị sát tại đây và dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam, 7/5/1955- 7/5/1988, do Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa lớn.