Tham gia thảo luận tại nghị trường sáng nay (3/11), Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nêu nhiều vấn đề góp ý cho báo cáo của kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của báo cáo, Đại biểu Dương Trung Quốc ví đây như một văn kiện quan trọng, văn kiện chính thức được trình bày định kỳ trên diễn đàn Quốc hội, thì cũng được coi như là báo cáo chính thức với quốc dân, đồng bào đã được các đại biểu nhân dân thẩm định.
Theo kinh nghiệm của một người chép sử, ông Quốc coi đó như hệ văn kiện lịch sử quan trọng ghi chép lại thực tiễn lịch sử của nước ta và vì vậy báo cáo phải là được ghi chép lại những vấn đề rất cụ thể, được người dân quan tâm từng xảy ra.
Dù báo cáo được thực hiện nửa năm một lần thì chắc chắn nó phải được đề cập tới những vấn đề vĩ mô, những vấn đề liên quan tới mục tiêu dài hạn nhưng cũng không vì thế mà có thể bỏ qua những vẫn đề nóng bỏng nảy sinh từ thực tiễn đang tác động tới đời sống của nhân dân.
Theo ông Quốc, những vấn đề đó phải được ưu tiên hàng đầu, phải đặt ra những mục tiêu ngắn hạn để tạo ra nhận thức chung và những chuyển biến có thể kiểm chứng được sau mỗi kỳ họp.
Ông Quốc nêu thí dụ: “Trong thời gian vừa qua liên quan tới hai kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, có hiện tượng chưa từng xảy ra là liên tiếp 4 chiếc máy bay hiện đại, thuộc nhiều chủng loại khác nhau đã gặp nạn.
Rủi ro là điều khó tránh, hay việc mất mát về nhân lực, cán bộ đã được dày công đào tạo là điều vô cùng đau xót. Phải chăng vì thế mà đã ít có ai nhắc tới?
Nhưng 4 chiếc máy bay hiện đại là tài sản rất lớn của quốc gia đã bị hư hại nếu so sánh với ngân sách của địa phương hay hiệu quả của ngành kinh tế.
Chúng ta vừa thảo luận về tài sản công thì đây là bằng chứng điển hình trong vấn đề mất tài sản rất lớn. Liên quan tới sự thất thoát rất lớn đó là trách nhiệm của những ai mà đã được nhà nước và nhân dân giao phó?
Người dân có quyền đặt câu hỏi về trình độ đào tạo, huấn luyện, điều hành tác chiến, sẵn sàng chiến đấu... trong khi phần lớn công tác tìm kiếm, khắc phục vẫn là dựa vào những phương tiện rất thô sơ”.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đề nghị Quốc hội nâng cao năng lực giám sát đối với hoạt động hành pháp. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, sự né tránh cung cấp thông tin còn mang tới những hệ quả tiêu cực là khi trên mạng lan truyền những cách nhìn nhận xuyên tạc, không đúng sự thật gây mất lòng tin của nhân dân.
“Cũng tương tự như sự cố Formosa, không những để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế mà còn tác động tới đời sống của hàng ngàn, hàng vạn người dân vùng biển miền Trung.
Phản ứng của người dân là lẽ đương nhiên và luôn cần tới sự ủng hộ của Nhà nước.
Thể hiện phản ứng có thể có những hành động không phù hợp với chủ trương của Nhà nước nhưng cũng không vì thế mà quy kết tất cả đều xấu.
Việc bảo vệ an toàn, an ninh, trật tự là cần thiết, việc trừng trị kẻ xấu là cần thiết, nhưng vì sao tất cả các cơ quan báo chí đều im lặng như nó chưa bao giờ xảy ra?
Cải cách, đổi mới giáo dục luôn bị phản ứng lại từ những người hàn lâm |
Trong khi bằng những phương tiện rất phổ thông ai cũng có thể cập nhật được thông tin bằng những trang mạng mà chúng ta hay gọi là ngoài luồng.
Lẽ ra chúng ta phải kịp thời phản ánh, phân tích theo chiều hướng tích cực để kịp thời giải thích, định hướng cho dân", ông Quốc nêu quan điểm.
Đại biểu Dương Trung Quốc lo ngại rằng đó cũng chính là khoảng trống để các cách nhìn nhận khác nhau có cơ hội làm mưa làm gió, phân tán mọi người.
Đâu là dấu ấn của Quốc hội?
Cũng theo vị Đại biểu của đoàn Đồng Nai, những công trình đắp chiếu làm thất thoát tài sản của nhân dân, có thể định lượng được hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhưng chúng ta nghĩ gì khi có những công trình còn nguy hại như Formosa?
Đại biểu ngành y tự nhận thấy 8 yếu kém, tồn tại của ngành |
“Có cử tri nhắc nhở chúng tôi, với nhiệm kỳ 5 năm các vị hãy có trách nhiệm với tương lai lâu dài, đừng đặt tương lai con cháu chúng ta lên lưng hổ để rồi đâm lao phải theo lao.
Thông điệp của Chính phủ kỳ này là hướng tới một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo cho chúng ta những hy vọng mới, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm đúng với nghĩa của người trong cuộc.
Vậy dấu ấn của Quốc hội trong báo cáo Quốc hội ở đâu?”, ông Quốc đặt vấn đề.
Theo ông Quốc, một Quốc hội như thế nào thì sẽ có một Chính phủ như thế ấy.
“Nếu trách nhiệm lập pháp Quốc hội kém thì năng lực quản lý Chính phủ còn nhưng nếu Quốc hội giám sát lỏng lẻo thì hành pháp sẽ nảy sinh tiêu cực.
Chính vì thế mới có chuyện dự án đấu thầu đều rơi vào những đối tượng trúng thầu có chất lượng thấp, nhưng câu trả lời luôn là làm theo đúng quy định, quy trình.
Khi xem xét về tình trạng cho thuê đất tràn lan, kể cả những khu đất có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia thì câu trả lời cũng vẫn là làm đúng luật.
Tòa nhà 8B Lê Trực xây cao ngất ngay giữa trung tâm của Thủ đô, nơi các quan chức nhà nước thường xuyên qua lại, đứng ngay tại tòa nhà Quốc hội tòa nhà đều trông vào tầm mắt của chúng ta.
Nhưng cũng phải đến khi báo chí, dư luận lên tiếng thì Đại biểu Quốc hội mới lên án và đòi hỏi phải xử nghiêm.
Chắc chắn công tác lập pháp giám sát của Quốc hội cũng góp phần vào những sai phạm, hạn chế hiệu quả của Chính phủ, nợ công chồng chất, tài sản hư hao, tham nhũng không kiểm soát là trách nhiệm của Chính phủ, nhưng cũng là trách nhiệm của Quốc hội”, ông Quốc bày tỏ.