Ông Lưu Bình Nhưỡng: Danh xưng không phải thứ có thể "mài" ra để ăn được

28/06/2018 06:09
XUÂN QUANG
(GDVN) - Vậy thì tỉnh Thanh Hóa dự định làm lễ kỷ niệm hoành tráng để làm gì trong khi dân vẫn còn đói, khát?

Danh xưng không phải thứ có thể "mài" ra để ăn được

Một chương trình kỷ niệm hoành tráng nhân dịp 990 năm danh xưng Thanh Hoá với số tiền khái toán lên hơn 104 tỷ đồng (trong đó hơn 22 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa và hơn 82 tỷ đồng lấy từ ngân sách nhà nước) vừa được một số cơ quan của tỉnh Thanh Hóa "vẽ" ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói thẳng rằng, nếu tỉnh Thanh Hóa chi số tiền lớn như thế làm lễ kỷ niệm thì đó là biểu hiện của sự lãng phí.

"Nếu làm lễ kỷ niệm mà đến 100 tỷ thì quá phí phạm, kể cả Thanh Hóa có giàu cỡ nào đi nữa thì tôi cũng không đồng tình.

Dân ta còn nghèo quá. Tỉnh nên để 100 tỷ ấy phát triển kinh tế, xã hội. Tôi xin lỗi chứ chúng ta không thể "mài" lòng tự hào huyền ảo ra để ăn được.

Theo tôi, tổ chức cái gì thì tổ chức nhưng địa phương phải tuân thủ việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí", ông Nhưỡng nói. 

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh Trinh Phúc/giaoduc.net.vn.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh Trinh Phúc/giaoduc.net.vn.

Vị Đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre cũng cho rằng, tỉnh Thanh Hóa nên học tập tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức các lễ kỷ niệm để giảm chi ngân sách nhà nước.

Ông Nhưỡng nói: "Tôi đã có lần được dự lễ kỷ niệm theo hình thức "5 trong 1" tại Thái Nguyên. Họ tổ chức kỷ niệm ngày Bác Hồ về an toàn khu, ngày thành lập tỉnh Thái Nguyên, triển khai Nghị quyết về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố được thực hiện trong 1 lần.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Danh xưng không phải thứ có thể "mài" ra để ăn được ảnh 2

Dân còn đói, khát mà bỏ trăm tỷ làm lễ kỷ niệm thì các cụ sẽ không vui đâu

Kinh phí tổ chức được huy động từ nguồn xã hội hóa, trong khi ngân sách không phải bỏ một đồng.

Trong khi đời sống người dân Thanh Hóa tại một số huyện vẫn còn nghèo. Có đại biểu phải thường xuyên phải vận động doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức về địa phương làm công tác giảm nghèo.

Bản thân tôi cũng chứng kiến cảnh thiếu thốn đủ bề tại làng trẻ em SOS Thanh Hóa, trung tâm bảo trợ xã hội...

Vậy thì làm lễ kỷ niệm hoành tráng để làm gì?

Cho nên tỉnh Thanh Hóa nếu tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa thì nên học tập cách làm của tỉnh Thái Nguyên".

Không phải cứ đổ nhiều tiền thì lễ kỷ niệm sẽ hiệu quả

Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm ngân sách, tránh lãng phí mới là điều quan trọng.

"Ví dụ, địa phương tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng trong khi giá trị thực tế của di sản không tương ứng thì phải cân nhắc số tiền bỏ ra. Thường thì di sản ở tầm địa phương cũng nên tổ chức ở mức vừa phải, trong phạm vi ngân sách cho phép.

Nếu chúng ta phung phí quá nhiều tiền vào lễ kỷ niệm mà sự kiện đó không có gì ghê gớm lắm thì cũng không nên, nhất là trong lúc ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn.

Cũng không nên tổ chức một cái lễ kỷ niệm hoành tráng (danh xưng Thanh Hóa), trong khi dân chưa biết nhiều về vấn đề này và giới văn hóa cũng không chưa thấm sâu", Giáo sư Chương cho biết.

“Thanh Hóa nên tiết kiệm ngân sách trong việc tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa và dùng số tiền đó vào những việc cần thiết hơn như xây dựng trường học, y tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, an sinh xã hội...". Trong ảnh tư liệu: Những đứa trẻ vùng cao Mường Lát có nguy cơ thất học.
“Thanh Hóa nên tiết kiệm ngân sách trong việc tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa và dùng số tiền đó vào những việc cần thiết hơn như xây dựng trường học, y tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, an sinh xã hội...". Trong ảnh tư liệu: Những đứa trẻ vùng cao Mường Lát có nguy cơ thất học.

Từ những phân tích trên, Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, việc tổ chức kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa nên đi vào chất lượng nội dung sự kiện hơn là sự hoành tráng bề ngoài.

Quan trọng là làm nổi bật được di sản chứ không phải đổ nhiều tiền vào lễ kỷ niệm mới bảo vệ và phát huy được di sản.

Để làm lễ kỷ niệm có chiều sâu, thì ngoài việc tổ chức hội thảo khoa học có sự đóng góp ý kiến của chuyên gia, thì cần chú ý tới việc in kỷ yếu, quảng bá sự kiện bằng thông qua phương tiện báo chí, tạo hiệu ứng dư luận...

Một cuốn sách về lễ hội, một thông tin về di sản văn hóa có giá trị, sức sống, sức lan tỏa gấp nhiều lần việc tổ chức lễ hội. 

Trước đó, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính về việc khái toán nguồn kinh phí nhằm chuẩn bị tổ chức các hoạt động dịp lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hoá.

Theo đó, lễ kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 1/5 đến 7/5/2019. Tổng kinh phí cho sự kiện này được khái toán ban đầu là hơn 104 tỷ đồng. Trong đó, hơn 82 tỷ đồng sẽ được lấy từ ngân sách, số còn lại (khoảng 22 tỷ đồng) huy động từ các nguồn xã hội hóa.

Sở Văn hóa dự kiến có nhiều hoạt động, lễ hội liên quan hướng tới lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hoá, như: Lễ kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn; 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang; tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018; thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản đĩa CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa; hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa năm 2019...
XUÂN QUANG