Dân còn đói, khát mà bỏ trăm tỷ làm lễ kỷ niệm thì các cụ sẽ không vui đâu!

27/06/2018 06:56
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Việc tổ chức lễ kỷ niệm là cần thiết, nhưng địa phương nên tính toán lại số tiền sẽ bỏ ra để tổ chức hoạt động này, bởi Thanh Hóa còn là tỉnh nghèo...

Khái toán trăm tỷ

Tỉnh Thanh Hóa vừa khiến dư luận giật mình vì con số khái toán hơn 100 tỷ đồng chi cho lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.

Không khó để lý giải cảm giác này bởi đây là khoản dự chi được cho là quá lớn đối với một lễ kỷ niệm chỉ mang tầm địa phương và trong khi tỉnh này còn nhiều việc phải chi tiền hơn là “đầu tư” hoành tráng vào lễ kỷ niệm đó. 

Rõ ràng đây là vấn đề quan trọng mà lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu, tính toán kỹ trước khi duyệt chi khoản tiền này.

Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính về việc khái toán nguồn kinh phí nhằm chuẩn bị tổ chức các hoạt động dịp lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hoá.

Theo đó, lễ kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 1/5 đến  7/5/2019. Tổng kinh phí cho sự kiện này được khái toán ban đầu là hơn 104 tỷ đồng. Trong đó, hơn 82 tỷ đồng sẽ được lấy từ ngân sách, số còn lại ( khoảng 22 tỷ đồng) huy động từ các nguồn xã hội hóa.

Sở Văn hóa dự kiến có nhiều hoạt động, lễ hội liên quan hướng tới lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hoá, như: Lễ kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn; 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang; tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018; thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản đĩa CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa; hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa năm 2019...

Nói rõ hơn về việc tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, hôm 26/6, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, đây là chủ trương của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Còn việc duyệt kinh phí chi cho lễ kỷ niệm thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

“Trong kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm có nhiều nội dung cần triển khai. Các nội dung được giao cho các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ từng Sở, ngành...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ căn cứ báo cáo công việc và mức kinh phí khái toán từ các đơn vị có liên quan để trình tỉnh quyết định.

Trước khi duyệt mức kinh phí tổ chức lễ hội, tỉnh đã thận trọng chuyển kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm cho Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án tài chính căn cứ theo nguồn lực của tỉnh. Chúng tôi không có quyền duyệt kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm này”, ông Phương thông tin. 

Ông Phương cũng đưa ra nhận định: "Tỉnh sẽ không đồng ý tổ chức lễ kỷ niệm với mức kinh phí cao như vậy, bởi tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân là tổ chức lễ kỷ niệm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Ngân sách lấy đâu ra tiền mà bỏ hàng trăm tỷ đồng để làm việc như thế mặc dù lễ kỷ niệm là rất cần thiết. 

Bây giờ cứ giao cho các đơn vị việc nọ việc, kia thì người ta cứ khái toán kinh phí lên, thậm chí con số khái toán cũng chưa có căn cứ gì cả", ông Phương nói và khẳng định, không có chuyện khái toán kinh phí lớn như vậy như vậy để ăn chia vì nguyên tắc tài chính rất chặt chẽ và cũng bởi "không ai dám làm chuyện như vậy đâu".

Làm như vậy chắc các cụ sẽ không vui đâu! 

Bình luận về sự việc nêu trên, cùng ngàytrao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nên cân nhắc kỹ càng với đề xuất trên của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

“Thanh Hóa nên tiết kiệm ngân sách trong việc tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa và dùng số tiền đó vào những việc cần thiết hơn như xây dựng trường học, y tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, an sinh xã hội...". Trong ảnh tư liệu: Những đứa trẻ vùng cao Mường Lát có nguy cơ thất học.
“Thanh Hóa nên tiết kiệm ngân sách trong việc tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa và dùng số tiền đó vào những việc cần thiết hơn như xây dựng trường học, y tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, an sinh xã hội...". Trong ảnh tư liệu: Những đứa trẻ vùng cao Mường Lát có nguy cơ thất học.

Bà An nêu sự bất hợp lý trong việc đưa ra con số khái toán kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm:

“Người ta ấn tượng với tỉnh Thanh Hóa bởi truyền thống văn hóa lịch sử vốn từ bao đời nay chứ chưa hẳn ấn tượng với số tiền lớn mà Thanh Hóa bỏ ra chi cho lễ kỷ niệm.

Tôi không phủ nhận tính cần thiết của việc tổ chức lễ kỷ niệm, nhưng địa phương nên tính toán lại số tiền sẽ bỏ ra để tổ chức hoạt động này, bởi hiện nay Thanh Hóa còn là tỉnh nghèo, còn phải xin gạo cứu đói. 

Dân còn đói, khát mà bỏ trăm tỷ làm lễ kỷ niệm thì các cụ sẽ không vui đâu! ảnh 2

Lấy đâu ra doanh thu hơn 500 tỷ đồng/năm cho “siêu dự án” công viên văn hóa?

Tôi nghĩ các cụ (các anh hùng dân tộc) mong muốn cho Thanh Hóa phát triển, con cháu thành đạt, góp sức xây dựng quê hương chứ không phải thích con cháu tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng trong khi có người dân còn phải “bóp bụng” chịu đói.

Nếu địa phương nhất quyết chi số tiền lớn để làm lễ kỷ niệm thì quả thật là đau đớn và rất khó chấp nhận.

Làm như vậy chắc các cụ sẽ không vui đâu!”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.

Từ những phân tích trên, Phó Giáo sư Bùi Thị An góp ý: “Thanh Hóa nên tiết kiệm ngân sách tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa và dùng một phần số tiền đó vào những việc cần thiết hơn như xây dựng trường học, y tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội...

"Thanh Hóa phải trở nên tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ mong muốn thì địa phương cần trở nên kiểu mẫu từ những việc làm nhỏ nhất”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.

Cũng liên quan tới sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, số tiền dự kiến chi cho lễ kỷ niệm mới chỉ mới là đề xuất, còn quyết định cuối cùng là của tỉnh:

“Tỉnh cũng mới nghe thông tin này và tỉnh chưa có quyết định về số tiền chi cho lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa”, ông Quyền thông tin.

QUỐC TOẢN