Thay mặt Ban Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng vừa ký Quyết định Số 99 ban hành Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ (Hướng dẫn).
Theo quyết định của Ban Bí thư, nhân dân sẽ giám sát cấp ủy, tổ chức đảng trong việc lãnh đạo thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Quyết định thể hiện quyết tâm của Đảng
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, quyết định của Ban Bí thư là quyết định dũng cảm.
"Tôi hoan nghênh quyết định của Ban Bí thư. Quyết định này thể hiện rõ sự dũng cảm và quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy quản lý của Đảng, Nhà nước", ông Thuận nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần thể chế hóa quyết định của Ban Bí thư trở thành luật, để việc thực hiện mang tính phổ quát hơn.
"Thể chế hóa văn bản này trở thành luật là việc làm cần thiết. Hoặc có thể bổ sung quy định này vào luật phòng chống tham nhũng, nhằm nêu cao tinh thần giám sát, đấu tranh của người dân trước hành vi có dấu hiệu sai trái của cán bộ.
Khi văn bản này trở thành luật, thì việc phát huy vai trò giám sát của người dân sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều. Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết ủng hộ quyết định đúng đắn, dũng cảm này", ông Thuận đề nghị.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Luật sư Trần Quốc Thận nói thêm, để quyết định trên phát huy hiệu quả thực tiễn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải là người tiên phong nêu gương.
"Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải làm gương, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về số tài sản của mình để toàn dân được biết và tham gia giám sát.
Điều này còn có ý nghĩa nêu gương đối với cấp dưới.
Các vấn đề cán bộ, đảng viên buộc phải công khai để nhân dân giám sát |
Việc công khai này nên thực hiện theo nguyên tắc, lãnh đạo ở phạm vi nào thì phải công khai ở phạm vi đó.
Ví dụ, anh là lãnh đạo của một tỉnh hoặc một thành phố thì phải công khai cho dân của tỉnh, một thành phố đó biết để giám sát.
Việc này cũng nên thực hiện tương tự ở cấp cao hơn", ông Thuận đề xuất.
Bảo vệ người tham gia giám sát, tố cáo như thế nào?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lo lắng về sự an toàn của người dân khi tham gia giám sát cấp ủy, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng...
"Không thể phủ nhận vai trò của người dân và báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, góp phần giúp công tác quản lý nhà nước được tốt hơn.
Tuy nhiên, khi người dân tham gia tố cáo, phát giác vi phạm của cán bộ đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì họ sẽ được bảo vệ thế nào (?), trong khi chúng ta chưa có chế tài đảm bảo an toàn cho người dân", Luật sư Trần Quốc Thuận băn khoăn.
Vị Luật sư cũng nhấn mạnh tới tính phản biện của người dân, các cơ quan báo chí khi thực hiện giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết các điểm nóng, các vụ, việc bức xúc, nổi cộm tại địa phương, đơn vị, nhất là những vụ việc nhân dân quan tâm.
"Khi công khai kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân... thì báo chí và nhân dân phải có quyền thẩm định, phản biện không?
Ví dụ, trong công tác phòng chống tham nhũng, khi người dân phát hiện có cán bộ công chức sở hữu nhà, đất hàng chục tỷ đồng, thì thử hỏi tiền đó lấy ở đâu? Có truy vấn đề đó tới cùng không?
Cá nhân tôi cho rằng, phải truy tới cùng vấn đề này, thì mới gọi là đấu tranh chống tham nhũng.
Bà Bùi Thị An nói về điều quan trọng nhất khi xử lý cán bộ cấp cao vi phạm |
Chúng ta cần trả lời những câu hỏi đó để tránh nghi ngờ của dư luận, nhân dân về việc công khai tài sản, vi phạm của cán bộ chỉ để cho xong chuyện, hoặc để hợp thức hóa tài sản...", ông Thuận nêu quan điểm.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, người dân cần tạo điều kiện cho người dân được trực tiếp tham gia tố cáo, phản ánh những dấu hiệu vi phạm của cán bộ tới cấp quản lý cao nhất mà không cần thông qua bất kỳ tổ chức chính trị, xã hội trung gian nào khác.
"Chúng ta đã có Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, hiện nay, người dân thực hiện quyền giám sát sát, phản biện chủ yếu thông qua Mặt trận tổ quốc, tức là người dân chưa được trực tiếp phản ánh, kiến nghị tới người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền.
Việc này cần nghiên cứu và xử lý một cách linh hoạt để công tác tố cáo, giám sát phản biện được hiệu quả và nhanh chóng hơn", ông Thuận nói.