Sáng 13/6, Quốc hội đã kết thúc chất vấn 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Dưới góc nhìn của người nhiều năm là Ủy viên Trung ương Đảng, nhiều năm là Đại biểu Quốc hội, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, do không đủ thời gian để các Bộ trưởng trả lời chất vấn nên cử tri chưa thật hài lòng và có cảm giác các Bộ trưởng còn né tránh trách nhiệm cá nhân của mình.
- Thưa ông, qua 2,5 ngày theo dõi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, ông có bình luận gì?
Ông Vũ Mão: Các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội đa số đã đi thẳng vào vấn đề, không nói lòng vòng mất thời gian. Nhiều câu hỏi sắc sảo. Có những câu hỏi đạt tới tầm mang tính gợi mở cho những giải pháp để khắc phục mặt yếu kém, đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
Đối với người trả lời chất vấn, nắm vững các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành. Nhiều nội dung trình bày của Bộ trưởng mang tính dẫn dắt, giúp cho Đại biểu Quốc hội và cử tri có thêm những thông tin, kiến thức quan trọng mà không dễ gì mà mọi người có thể tiếp cận được. Sự chân thành và tâm huyết của các Bộ trưởng cũng đã nhậnđược sự chia sẻ, đồng cảm của người nghe.
Điểm đặc biệt ở lần chất vấn này là đã có tranh luận giữa hai người cùng trả lời chất vấn. Ví dụ, Bộ trưởng Nguyễn Quân không đồng ý với Bộ trưởng Cao Đức Phát về vấn đề 4 nhà (Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp, Nông dân - PV).
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, doanh nghiệp là quan trọng nhất, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Quân lại cho rằng, Nhà nước với vai trò tạo ra cơ chế, chính sách, pháp luật mới là quan trọng nhất.
Tôi rất tiếc vì không có đủ thời gian để cho hai Bộ trưởng và các đại biểu tiếp tục tranh luận về vấn đề này.
Ông Vũ Mão cho rằng, Quốc hội nên dành ít nhất 3 đến 4 ngày khi thực hiện chất vấn 4 Bộ trưởng. ảnh: Ngọc Quang |
- Nhiều Đại biểu đánh giá phần trả lời của các Bộ trưởng đạt yêu cầu, nhưng nhiều Đại biểu cũng chưa hài lòng với thông tin nhận được, đặc biệt là khi nói về trách nhiệm của Tư lệnh ngành. Ông có quan điểm gì ở khía cạnh này?
Ông Vũ Mão: Đầu tiên, tôi thấy rằng thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn cho mỗi Bộ trưởng còn ít, nên chưa đi đến cùng, làm cho chất lượng và hiệu quả của chất vấn và trả lời chất vấn chưa đạt yêu cầu.
Thứ hai là từ trả lời của các Bộ trưởng, tôi thấy có ba vấn đề cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc:
Một là còn né tránh việc tìm nguyên nhân và nhận phần trách nhiệm về những tồn tại. Các vị này thường nói tới những giải pháp để khắc phục bằng việc sẽ có Nghị định này, Thông tư khác. Người nghe, mới thoáng qua thì khoái cái lỗ tai, nhưng với những người quan tâm, đi sâu vào nội dung thì thấy chưa thuyết phục và thiếu niềm tin.
Tôi lấy thí dụ như Bộ trưởng Cao Đức Phát khi Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm thì đã nhận, nhưng cách trả lời còn chung chung. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đâu chỉ là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn! Đáng lẽ phải có thời gian để phân tích rành mạch và làm rõ trách nhiệm cụ thể thuộc về ai nữa chứ!
Vấn đề chính sách cho người làm nghề rừng là bức xúc mấy chục năm qua; rồi vấn đề hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra, nhưng trả lời còn qua loa, nhẹ nhàng quá.
Với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, khi Đại biểu nói rằng “dư luận ngã ngửa mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận” đồng thời đề cập tới con số 6.400 tỷ đồng người dân phải gánh mỗi năm, nhưng Bộ trưởng chỉ nói là tiếp thu và sẽ có kiến nghị với Chính phủ nếu cần thiết.
Chắc hẳn Đại biểu và người dân muốn nghe còn nhiều hơn thế từ Bộ trưởng Bộ Công thương.
Còn với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì đã lý giải về “đề tài xếp ngăn kéo”, nhưng giải pháp ngăn chặn thì nói rất chung chung.
Bên cạnh đó, khi Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề cập tới chuyện có tiêu cực trong triển khai kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng Bộ trưởng lại trả lời rằng, nếu ai nắm được và cung cấp thì Bộ sẽ xử lý nghiêm minh. Có cử tri cho rằng, cách nói như thế là không nghiêm túc.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì thừa nhận chuyện sĩ số quá lớn gây ra áp lực với giáo viên khi bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, nhưng giải pháp cụ thể thì chưa nêu rõ.
Bên cạnh đó, Đại biểu Bùi Thị An hỏi “Nhạc trưởng của chương trình sách giáo khoa là ai?”, Bộ trưởng nói sẽ tiếp tục mời các thầy cô có kinh nghiệm tham gia, nhưng lại không nói rõ ai là người đứng đầu toàn bộ kế hoạch này (trả lời không đúng câu hỏi - PV), khiến cho cử tri còn băn khoăn.
Hai là các giải pháp đưa ra thường mới đề cập đến các vấn đề đơn lẻ, ít đề cập tới cái căn cơ là chính sách và cơ chế, cũng như phải bổ sung những văn bản pháp luật gì. Chính vì thế các Đại biểu Quốc hội và người dân chưa thỏa mãn.
Đặc biệt thiếu những kiến nghị liên quan tới việc xây dựng và sửa đổi bổ sung các văn bản luật của Quốc hội. Đồng thời cũng rất ít đề cập tới trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội trong các nội dung liên quan.
Ba là sự phối hợp giữa các Bộ còn hạn chế, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng nhìn tổng quát là chưa thật tốt và chưa đạt hiệu quả cao. Bởi chúng ta nhận thức rằng, một lĩnh vực công việc nào đó, một sản phẩm xã hội nào đó, đều có công sức đóng góp của nhiều ngành. Sự phân chia các lĩnh vực cho các Bộ quản lý Nhà nước là tương đối, chính vì thế rất cần thiết phải phối hợp với nhau.
Một số Đại biểu Quốc hội cho biết nếu còn thời gian sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. ảnh: TTBC Quốc hội. |
- Vậy ông có kiến nghị gì để hoạt động chất vấn của Quốc hội sâu sắc hơn và đạt hiệu quả cao hơn?
Ông Vũ Mão: Tôi kiến nghị 5 vấn đề thúc đẩy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả hơn:
Thứ nhất, cần tăng thêm thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn. Tôi nhớ lại, kỳ họp giữa năm 1994, lần đầu tiên truyền hình và truyền thanh trực tiếp các buổi chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành trong 3 ngày, sau đấy rút xuống 2 ngày trong vài ba kỳ họp, nhưng sau đấy lại phải nâng lên 2,5 ngày.
Từ đó cho đến nay, vẫn luôn nằm trong tình trạng thiếu thời gian. Chủ tọa phải luôn luôn nói rằng: “Thời gian đã hết, các câu hỏi còn lại đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản”.
"Chủ tịch Quốc hội điều khiển tốt. Kịp thời đưa người hỏi cũng như người trả lời đi vào quỹ đạo.
Sau mỗi phần hỏi và trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội có phần kết luận giàu tính tổng kết, toàn diện và sắc sảo, gợi mở cho các vị Bộ trưởng.
Vấn đề thì quan trọng và nóng bỏng, nhưng Chủ tịch Quốc hội điều hành sâu sắc mà nhẹ nhàng. Không khí Nghị trường vui vẻ", ông Vũ Mão.
Đến nay, nội dung này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân, tôi kiến nghị thời gian chất vấn ít nhất là trở lại như ban đầu là 3 ngày, tốt hơn là 4 ngày mới gọi là tạm đủ.
Thời gian này lấy ở đâu? Theo tôi, nên rút bớt thời gian thảo luận tổ ở những nội dung sẽ thảo luận ở hội trường, để tránh sự trùng lặp và nhàm chán.
Thứ hai, cần phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội với vai trò cơ quan giám sát việc các Bộ trưởng thực hiện lời hứa.
Trước khi Bộ trưởng trả lời chất vấn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc hoặc Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội sẽ có báo cáo và chỉ rõ việc Bộ trưởng đã thực hiện lời hứa như thế nào. Làm thế mới thấy rõ được mức độ nghiêm túc của Bộ trưởng và thấy được vai trò giám sát của các cơ quan thuộc Quốc hội.
Thứ ba, cần phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông. Cần công khai các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội và phần trả lời của các Bộ trưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là cần phát huy thế mạnh của báo mạng để đăng tải các nội dung này. Đây là cơ hội đề cử tri được tiếp xúc trực tiếp với các văn bản.
Thứ tư, nên kết nối nghị trường với cử tri. Kỳ họp Quốc hội vào tháng 6 năm 1994, khi bắt đầu truyền hình và truyền thanh trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn đã cho kết nối nghị trường với cử tri.
Đây là hình thức tạo ra sự gắn bó cử tri với nghị trường nên đã tạo ra hiệu ứng rất tốt. Từ kinh nghiệm đã có, nay nên phát huy hình thức này.
Thứ năm, cần hoàn thiện hơn việc ra Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Thí dụ, ở kỳ họp này, ngoài Nghị quyết chung về chất vấn 4 Bộ trưởng, cần thiết ra Nghị quyết chuyên đề về vấn đề “4 nhà”.
Đây là cách nói gọn thôi, chứ bản chất vấn đề này to lớn và vô cùng quan trọng. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực nông sản thì vai trò của “4 nhà” đã có rất nhiều vấn đề để nói và phải làm.
Trân trọng cảm ơn ông!