Phát biểu của các phó Ban Nội chính Trung ương về chống tham nhũng

06/02/2013 07:16
N. Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Trước khi được Bộ Chính trị điều động về nhận nhiệm vụ ở Ban Nội chính Trung ương, các vị tân phó Ban Nội chính Trung ương đã từng công tác ở các vị trí, quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau và họ đều có những phát biểu và những hành động cụ thể thể hiện quyết tâm trong công tác phòng chống tham nhũng....


Ông Phạm Tuấn Anh: “Phòng chống tham nhũng còn chiếu lệ, hình thức”

Tờ báo Tuổi trẻ dẫn lời phát biểu của ông Phạm Tuấn Anh lúc đó đang là phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tại hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng cho ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các tỉnh thành trực thuộc trung ương ngày 11-3-2010: "Quyết tâm chính trị chống tham nhũng và hành động cụ thể chống tham nhũng phải là một. Chống tham nhũng không hình thức, chiếu lệ...".

Trả lời báo chí xung quanh vấn đề phòng, chống tham nhũng, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, công chức cộng với tâm lý muốn được việc nên một số người đã chủ động quà cáp, “lót tay”... cho cán bộ - khiến tệ nạn tham nhũng ngày một phổ biến và rất dễ để nhận thấy trong xã hội hiện nay.

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng: Phòng, chống tham nhũng còn chiếu lệ, hình thức.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng: Phòng, chống tham nhũng còn chiếu lệ, hình thức.

Trước câu hỏi của phóng viên: “Cuộc chiến chống tham nhũng, làm thanh sạch đội ngũ cán bộ công quyền, chúng ta nên bắt đầu từ đâu để tránh cái vòng luẩn quẩn đó?”, ông Phạm Tuấn Anh có nói:

“Ai cũng thấy tham nhũng đang là một vấn nạn ở nước ta. Tham nhũng đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đi theo sự phát triển kinh tế - xã hội, tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Để có thể ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng thì trước hết chúng ta phải xây dựng đồng bộ các công cụ như cơ chế, chính sách, pháp luật; kết hợp tổ chức một bộ máy chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phòng, chống nhũng hiệu quả, đồng thời huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng phòng, chống tham nhũng.

Rất khó trả lời chính xác là cuộc chiến chống tham nhũng, làm thanh sạch đội ngũ cán bộ công quyền bắt đầu từ đâu. Còn câu trả lời của tôi là phải có sự vào cuộc, sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; không hy vọng có một công cụ hay một biện pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết ngay được vấn đề tham nhũng. Quyết tâm chính trị chống tham nhũng và hành động cụ thể chống tham nhũng phải là một. Chống tham nhũng không hình thức, chiếu lệ, càng không phải là phong trào”._ Ông Tuấn nhấn mạnh.

Qua khảo sát 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực vực tín dụng, ngân hàng vào năm 2011, ông Tuấn cho biết: cơ quan chức năng nhận thấy có thủ đoạn “cán bộ ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng vàng giả đưa vào thế chấp; giả mạo chữ ký khách hàng, làm giả giấy rút tiền; ép buộc khách hàng chi tiền trong vay vốn ngân hàng...”.

Tại Hội nghị chống sai phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng tổ chức, ông Tuấn cho biết còn thủ đoạn tham nhũng “tinh vi” hơn là cán bộ ngân hàng sử dụng các doanh nghiệp tư nhân làm “sân sau” để chiếm đoạt tiền. Điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Tuấn cũng đánh giá: Để xảy ra những vụ chiếm đoạt tài sảntrong thời gian qua là do công tác phát hiện và xử lý tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vẫn còn yếu kém. Cơ chế chính sách trong lĩnh này cũng như thanh tra, kiểm tra giám sát còn sơ hở và dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Ông Phan Đình Trạc: Làm tốt vai trò cầu nối giữa Quốc hội với cử tri

Theo Báo Nghệ An đã đưa tin: Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, liên tiếp ba khóa: XI, XII, XIII làm đại biểu Quốc hội khóa, đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời xác định rõ những công việc cần làm trong nhiệm kì này. Ông tự tin cho rằng sẽ đem hết khả năng, trách nhiệm của mình để đóng góp nhiều hơn nữa tại diễn đàn Quốc hội, đồng thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề đang đặt ra trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa đất nước và quê hương phát triển nhanh, bền vững.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Nghệ An, ông Trạc cho biết: “Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, bản thân tôi cùng với các đại biểu khác đã thực sự làm tốt vai trò cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri”.

3 kì liên tiếp là đại biểu Quốc hội, ông Phan Đình Trạc sẽ làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và cử tri.
3 kì liên tiếp là đại biểu Quốc hội, ông Phan Đình Trạc sẽ làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và cử tri.

Ông cho biết thêm sẽ thường xuyên liên hệ với cử tri, sâu sát cơ sở, đồng thời thông qua các kênh thông tin khác để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh trung thực, đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến với Quốc hội, HĐND tỉnh và các cơ quan Nhà nước giải quyết.

Tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quan tâm hướng dẫn hoặc tiếp nhận, chuyển giao, giám sát các cá nhân, tập thể có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân mà không thuộc thẩm quyền của mình. Tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội và HĐND tỉnh, nhất là công tác lập pháp, công tác giám sát, và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh.

Thông qua vai trò của cá nhân và Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An để phản ánh được các vấn đề nổi lên trên cơ sở thực tiễn của tỉnh tại các diễn đàn của Quốc hội và HĐND tỉnh, để Nhà nước có chính sách kịp thời, phù hợp với cuộc sống của nhân dân, từng bước giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra từ thực tiễn.

Ông Nguyễn Doãn Khánh: Thành lập một tổ chức độc lập để thực hành phòng, chống tham nhũng.

Tại kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Doãn Khánh, Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ, đại biểu Quốc hội có nói: “Giao dịch sử dụng tiền mặt – khoảng trống lớn nhất về Pháp luật hiện nay của chúng ta”.

Theo ông Khánh, vấn đề này dẫn đến việc thực hiện rửa tiền nhằm che giấu những hành vi tham nhũng. Nhưng dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền chỉ quy định các biện pháp phòng, chống rửa tiền thông qua hoạt động tín dụng, tức là thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức, cơ sở kinh doanh phi tín dụng nhưng có liên quan đến tín dụng.

Còn phần lớn mảng giao dịch mà ta gọi là tảng băng chìm - giao dịch trực tiếp, không thông qua hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng – thì không được đề cập trong dự thảo Luật này. Như thế, chúng ta sẽ bỏ sót giao dịch và những cơ sở giao dịch. Đây là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động rửa tiền, đặc biệt là nước ngoài vào rửa tiền ở nước ta…

Tôi cho rằng, nếu đặt vấn đề đưa cơ quan phòng, chống tội phạm rửa tiền vào trong ngân hàng là không hợp lý vì không đủ quyền năng, không đủ điều kiện để thực thi nhiệm vụ. Đề nghị nên áp dụng hình thức đặt trong cơ quan thi hành pháp luật, cụ thể là cơ quan công an; đồng thời ngân hàng có trung tâm giám sát và cung cấp thông tin về hoạt động rửa tiền thông qua hệ thống tín dụng”.

Ông Nguyễn Doãn Khánh hi vọng sẽ thành lập một tổ chức độc lập có khả năng đủ sức hoạt động để thực hành phòng, chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Doãn Khánh hi vọng sẽ thành lập một tổ chức độc lập có khả năng đủ sức hoạt động để thực hành phòng, chống tham nhũng.

Tại kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, đã phát biểu: “Một vấn đề nữa tôi quan tâm là cơ chế trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đặt ra. Luật đã ban hành đủ quyền năng, khả năng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chúng ta đã chuyển đổi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được giao cho đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo; điều đó thuận lợi cho việc chỉ đạo trực tiếp đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, về thiết chế, chúng ta phải hình thành một tổ chức độc lập có khả năng đủ sức hoạt động để thực hành phòng, chống tham nhũng theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương và Quốc hội. Muốn vậy, tôi thấy có một vài cơ quan cần quan tâm, đó là Kiểm toán nhà nước; Viện Kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân. Những người đứng đầu cơ quan này do Quốc hội trực tiếp bầu ra cho nên Quốc hội có quyền điều hành và chỉ đạo trực tiếp, và họ có quyền năng độc lập so với các cơ quan khác của Chính phủ. Bên cạnh đó, tôi rất quan tâm đến việc nghiên cứu trả lại chức năng kiểm sát chung và khả năng độc lập trong điều tra, khởi tố đối với những tội đặc biệt”.

Trước đó, trong buổi làm việc tại Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Doãn Khánh cũng mong muốn ngành Tư pháp tiếp tục chuyển biến đồng bộ, hiệu quả để có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

N. Huệ (Tổng hợp)