Kết luận Thanh tra thành phố Hà Nội về các Dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận đã chỉ ra nhiều dự án chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè phố.
Cụ thể, tại quận Ba Đình, có 3 dự án cải tạo hè phố là phố Nguyễn Trường Tộ, phố Nguyễn Khắc Nhu - Hàng Bún, phố Đội Cấn triển khai lát hè phố khi mới hạ ngầm ống kỹ thuật, chưa hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin, chưa di chuyển cột điện, trạm biến áp.
Việc làm trên của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình là không thực hiện đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Kết luận của thanh tra củng chỉ ra, tại quận Hà Đông, khi thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè Quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) có 2 tuyến là phố Ngô Thì Nhậm và đường N3, K3 chạy xung quanh Ủy ban nhân dân quận chưa được hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin…
Hệ thống dây cáp viễn thông chằng chịt trên phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông - ảnh Trinh Phúc). |
Để xác thực hơn tình hình, ngày 27 và 28/2, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có mặt ở một số tuyến phố được nêu tên trong kết luận của thanh tra.
Ghi nhận của phóng viên tại phố Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), phố Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình) đều thấy hệ thống dây thông tin chằng chịt, kéo dài lê thê cả tuyến phố trông nhếc nhác.
Nhiều điểm đá lát trên phố Ngô Thì Nhậm không đảm bảo tính mỹ quan, có đoạn có dấu hiệu hư hỏng.
Còn trên phố Nguyễn Trường Tộ thì công việc còn rất dang dở, nhem nhuốc.
Hệ thống dây cáp viễn thông chằng chịt nằm trên phố Nguyễn Trường Tộ quận Ba Đình, Hà Nội (ảnh Trinh Phúc). |
Trước việc, các quận không thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố về thi công lát đá hè chỉ sau khi đã chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và hạ ngầm các đường dây: điện, thông tin, internet, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: “Vừa rồi thấy lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt vấn đề này.
Thậm chí sai thì phải xử lý nghiêm cho nên các quận, huyện phải làm theo đúng quy định chỉ đạo của Thành phố.
Việc lát đá vỉa hè có tuổi từ 50 đến 70 năm thì Thành phố đã chỉ đạo rõ ràng nhưng tại sao có những nơi không thực hiện đúng chủ trương đó?
Tôi cho rằng, thành phố Hà Nội phải chỉ đạo làm dứt điểm cách làm này chứ không để tồn tại việc trên chỉ đạo nhưng dưới không làm đúng. Cấp dưới không chấp hành lệnh cấp trên thì xử lý thôi!”.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - đoàn Hà Nội (ảnh quochoi.vn). |
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này: "Cần phải quy trách nhiệm rõ ràng từng cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.
Hiện nay, trong việc xem xét kỷ luật cán bộ công chức, viên chức người ta đã có quy định việc thanh tra về mặt công vụ.
Chiếu theo đó, những cán bộ có nhiệm vụ liên quan đến công tác lát đá vỉa hè đã chấp hành đúng về mặt kỷ luật, kỷ cương chưa.
Nếu mà đã chấp hành đúng rồi thì phải xem cá nhân nào chỉ đạo những việc làm sai trái như vậy.
Cấp trên có dung dưỡng cho cấp dưới làm không? Tại sao thành phố người ta chỉ đạo thế nhưng quận vẫn làm như thế rõ ràng là đã vi phạm".
Bà Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh: “Khi xem xét nếu vi phạm thì xử theo xem xét về mặt kỷ luật hành chính.
Còn nếu gây thiệt hại kinh tế thì xem xét xử lý theo thiệt hại tài chính. Còn nếu về mặt kỷ luật thì về công chức đã có quy định xem xét hình thức kỷ luật. Luật đã có rồi giờ phải làm và làm cho nó nghiêm”.
Xung quanh việc lát đá vỉa hè, một vấn đề dư luận đặt ra đó là việc lát đá hè phố nhưng chưa hạ ngầm kỹ thuật trong tương lại sẽ gây lãng phí và thiệt hại kinh tế. Vì sau này những tuyến phố trên khi hạ ngầm kỹ thuật thì việc đào bới hè phố khó tránh khỏi.
Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là việc xác định thiệt hại bao nhiêu tiền sẽ được tính như thế nào khi mà việc đào bới vỉa hè lên để hạ ngầm chưa xảy ra.
Xung quanh những thắc mắc trên, bà Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: “Vấn đề xác minh thiệt hại thì bây giờ chưa xác minh được.
Vì chưa bới lên để hạ ngầm kỹ thuật nên không thể xác minh cụ thể thiệt hại là bao nhiêu? Cho nên, trước mắt xử lý ai không theo chỉ đạo, trên chỉ đạo dưới không chấp hành thì kỷ cương hành chính như vậy là không được.
Phải xử lý kỷ luật, thậm chí khiển trách, cách chức tùy theo mức độ sai phạm”.
Lát đá vỉa hè xong nhưng tính mỹ thuật của nó thật khó chấp nhận (ảnh chụp trên phố Ngô Thì Nhậm quận Hà Đông - ảnh Trinh Phúc). |
Cũng liên quan đến lát đá vỉa hè, dư luận có nghi vấn về những việc làm khuất tất đằng sau nên rất mong cơ quan chức năng công khai danh sách các công ty tham gia thi công để nhân dân giám sát.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra lần này chưa công khai tên các công ty thi công. Trước vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: “Việc công khai tên công ty là chuyện bình thường.
Phải công khai để dân giám sát, cơ quan ở cấp trên thấy được sự công minh chính xác. Phải công khai để người dân giám sát, ai làm không đúng thì xử lý. Tôi ủng hộ việc đó”.
Qua trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh có thể thấy việc các quận cố tình làm sai chỉ đạo của thành phố là không chấp nhận được nên cần thiết phải xử lý nghiêm khắc để tránh tình trạng trên bảo dưới không thực hiện.
Mạng dây cáp viễn thông chằng chịt trên phố Ngô Thì Nhậm quận Hà Đông - ảnh Trinh Phúc. |
Vỉa hè vừa lát đã hư hỏng (ảnh chụp trên phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông - ảnh Trinh Phúc). |
Vật liệu bừa bộn không chịu dọn dẹp (ảnh chụp trên phố Ngô Thì Nhậm - quận Hà Đông, Hà Nội - ảnh Trinh Phúc). |
Vừa lát xong đã hư hỏng (ảnh chụp trên phố Ngô Thì Nhậm quận Hà Đông, Hà Nội ảnh Trinh Phúc). |
Dây cáp viễn thông chằng chịt trên phố Nguyễn Trường Tộ - ảnh Trinh Phúc. |
Đường phố nhiều nơi vẫn lát chưa xong (ảnh chụp trên phố Nguyễn Trường Tộ - Ba Đình, Hà Nội - ảnh Trinh Phúc). |