Sáp nhập Sở tự phát như trăm hoa đua nở sẽ phá vỡ tính hệ thống, thông suốt

14/12/2018 07:12
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ông Thang Văn Phúc bày tỏ quan điểm đồng tình với việc Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng sáp nhập Sở, ngành chờ Nghị định của Chính phủ để tránh việc tự phát.

Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban).

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, người từng nhiều năm làm Tổng thư ký Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Ông Thang Văn Phúc. Ảnh: VOV
Ông Thang Văn Phúc. Ảnh: VOV

Đầu tiên, vị nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy là cần thiết.

Các cơ quan chồng lấn chức năng, nhiệm vụ được quy về một mối sẽ triệt tiêu được nhiều thủ tục, trình tự; thời gian xử lý công việc cũng được rút ngắn.

Từ đó, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, chỉ tính riêng giấy tờ, công văn từ cơ quan nọ sang cơ quan kia cũng giảm được một khoản đáng kể.

Nếu cứ duy trì bộ máy cồng kềnh thì cơ sở vật chất, chỗ ngồi làm việc, biên chế công chức,... đều từ tiền ngân sách khó kham đủ.

Đặc biệt, tổ chức bộ máy càng đơn giản thì càng rõ cơ quan chịu trách nhiệm; tổ chức, cá nhân không hoàn thành công vụ hoặc vi phạm sẽ được phát hiện nhanh chóng. 

Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy, hợp nhất các cơ quan chuyên môn trùng lặp chức năng nhiệm vụ cần thực hiện bài bản, thống nhất.

“Bộ Nội vụ ra văn bản đề nghị tạm dừng việc sáp nhập Sở, ngành ở địa phương là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Vì các địa phương đang tiến hành sáp nhập các Sở không phải là thí điểm và cũng không đúng với nghĩa thí điểm. Bởi thí điểm là phải làm thử có chỉ đạo từ Trung ương”, ông Phúc phân tích.

Ông nhấn mạnh, có một nguyên tắc quan trọng trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, đó là bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính Nhà nước.

“Như các địa phương đang tiến hành sáp nhập các Sở là tự phát, “trăm hoa đua nở”.

Xét về mặt tinh thần thì các địa phương này rất tích cực. Nhưng cũng phải căn cứ vào pháp luật.

Phải tổ chức chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương tiến hành thí điểm một, hai mô hình trước làm rộng ra cả nước. Đó là việc cần thiết.

Nếu cứ để các tỉnh chủ động làm như vừa qua, mỗi địa phương một mô hình tổ chức sẽ phá vỡ tính thống nhất, thông suốt, liên tục của cả hệ thống hành chính.

Yêu cầu của nền cải cách hành chính cũng nêu rất rõ điều này”, vị nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Ông chia sẻ thêm, thời gian vừa qua, chúng ta đã cho phép một số địa phương tổ chức thêm sở đặc thù như các tỉnh có tách du lịch ra thành Sở Du lịch.

Đó là vì chiến lược tập trung phát triển du lịch thành nền công nghiệp không khói. Nhưng nó không phá vỡ tính hệ thống của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vẫn đảm bảo thống nhất trong cả nước.

“Vì thế, việc Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tạm dừng sáp nhập Sở, ngành để rà soát, chờ các Nghị định hướng dẫn là đúng.

Bộ Nội vụ phải xây dựng các mô hình theo tinh thần Nghị quyết của Đảng để trình Chính phủ, Bộ Chính trị rồi ban hành để các địa phương thực hiện cho thống nhất”, ông Thang Văn Phúc nêu quan điểm.

Sáp nhập Sở tự phát như trăm hoa đua nở sẽ phá vỡ tính hệ thống, thông suốt ảnh 2Tạm dừng sáp nhập Sở là đúng, nên chờ Chính phủ để tránh hợp nhất tùy tiện

Theo vị nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cái gì thí điểm thì phải ra thí điểm, cái gì kiên quyết thực hiện thì phải có nghị định mới thay thế văn bản đang có hiệu lực.

Chúng ta thực hiện Nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng, mọi chủ trương phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp lý.

“Theo tôi, các địa phương không nên quá vội bởi nếu làm tự phát việc này sẽ để lại hậu quả là phá vỡ toàn bộ hệ thống của chúng ta.

Nhà nước của chúng ta là nhà nước thống nhất nên không thể mỗi địa phương một hình tổ chức được”, ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh.

Về việc một số địa phương đã công bố, quyết định nhân sự sau khi sáp nhập Sở, ông Thang Văn Phúc cho rằng, các địa phương nếu chưa thực hiện thì nên dừng lại.

“Nếu đã làm thì phải có báo cáo thống nhất với Trung ương và lấy luôn mô hình sáp nhập đó làm thí điểm.

Thí điểm phải có phương án, đề án tổ chức lại mô hình cơ quan chuyên môn, cơ chế, thẩm quyền hoạt động ra sao. Tất cả phải rất cụ thể để xem xét, quyết định”, ông Thang Văn Phúc khẳng định.

Đỗ Thơm