Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thị trường lao động Việt Nam

01/11/2018 06:52
An Nhiên
(GDVN) - Ngày 31/10, Lãnh đạo Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam".

Ngày 31/10/2018, tại Hà Nội, Lãnh đạo Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã tổ chức diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"

Diễn đàn khoa học đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong cả nước gửi bài nghiên cứu tham gia.

Diễn đàn khoa học Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: An Nhiên).
Diễn đàn khoa học Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: An Nhiên).

Đối với Việt Nam, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mới được biết cách đây vài năm, nhưng cho đến nay, không phải ai cũng hiểu tường tận về khái niệm này.

Nó xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013 cho rằng, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ,... tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo và sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được cho là cuộc cách mạng thần kỳ về kỹ thuật. Nó hỗ trợ con người, giảm sức lao động, tạo ra hàng loạt chuyển biến tích cực về kỹ thuật và công nghệ.

Tuy nhiên, nó cũng tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu từ cuộc cách mạng đó, từ đó sẽ dễ đẩy người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xã hội khác.

Đồng thời, những tiêu cực như sự lạc hậu về công nghệ tăng lên và suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp, phá vỡ thị trường lao động truyền thống.

Thực trạng thị trường lao động Việt Nam trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện.

Chất lượng cung tăng lên; cơ cấu cầu lao động có chuyển dịch tích cực; thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực tăng lên.

Đối với thị trường lao động Việt Nam, trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư những yếu tố mà từ trước đến giờ, ta tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào, giá rẻ, sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng.

Với sự bùng nổ ứng dụng Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot, vào sản xuất như hiện nay, đang đặt ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực Việt Nam.

Vì vậy, trong tương lai gần, Việt Nam cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì quy mô dân số lớn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp và chưa thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thị trường lao động Việt Nam ảnh 2Bộ Lao động đào tạo theo đơn đặt hàng, cả trăm ngàn chỗ làm đang chờ đợi

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư sẽ đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt là thị trường lao động phải có sự thay đổi căn bản về cơ cấu lao động, cơ cấu các nguồn lực để hỗ trợ thị trường, cơ cấu về trình độ lao động.

Người lao động phải có sự thích ứng cao hơn để đáp ứng những công việc mới và tránh bị đào thải. Đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe... Đây là những cách thức mở ra cơ hội việc làm cho thanh niên ở cả trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực đào tạo và đào tạo lại. Với Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chúng ta buộc phải thay đổi phương thức đào tạo truyền thống để sang phương thức đào tạo linh hoạt, hiệu quả, chú trọng đào tạo các kỹ năng, chú trọng đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn và đáp ứng yêu cầu của văn hóa học tập suốt đời.

Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường lao động Việt Nam

Thị trường lao động Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu và phổ biến là cung và cầu lao động kỹ năng thấp. Cung lao động Việt Nam chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp, giá rẻ. Cầu lao động Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào số lượng doanh nghiệp được thành lập ra, và vẫn chủ yếu là lao động giá rẻ.

Để phát triển thị trường lao động, Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo, lao động tri thức, tức lao động được đào tạo cơ bản, chuyên nghiệp.

Không thể ép buộc con người phải sáng tạo giống như ép buộc con người phải làm việc cật lực trong Công nghiệp 2.0.

Để sáng tạo cần phải có nền tảng nhất định về kiến thức cho xây dựng văn hóa sáng tạo trong lực lượng lao động.

Muốn sáng tạo, con người cần có nhận thức rõ ràng về Công nghiệp 4.0, về công nghệ, về kết nối, về xử lý vấn đề phức hợp.

Nguồn lao động của Công nghiệp 2.0 hiện nay của Việt Nam để đủ sống và có chút tích lũy, phải làm việc như cỗ máy, không đòi hỏi sáng tạo, không còn sức lực sau một ngày làm việc để thực hiện những đam mê của mình, liệu có thể “đi thẳng” vào Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, bỏ qua Công nghiệp 3.0 để sáng tạo ra cái mới, khi chưa am hiểu về nền tảng kĩ thuật và công nghệ của cái cũ.

An Nhiên