Thời mạt vận của "thằng đánh máy"

27/12/2017 07:35
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Thi thoảng người ta lại nghĩ ra thứ gì đó để "tiêu hóa" bớt trách nhiệm khi mắc sai sót nào đó. Chả có nhẽ "thằng đánh máy" đủ sức gánh vác?

Thi thoảng người ta lại nghĩ ra thứ gì đó để "tiêu hóa" bớt trách nhiệm khi mắc sai sót nào đó. Đã có lúc "đúng quy trình" lên ngôi, rồi cũng bị đánh dẹp. Chả có nhẽ "thằng đánh máy" đủ sức gánh vác?

Lỗi này chẳng hiểu sao cứ xuất hiện sống sượng sau phát ngôn của nhiều cá nhân có chức trách. Chẳng lẽ nào "thằng đánh máy" cứ sai dồn sai dập như thế mãi?

Lỗi của người đánh máy (Ảnh minh họa của DAD17).
Lỗi của người đánh máy (Ảnh minh họa của DAD17).

Có một thực tế là lỗi đánh máy, lỗi soạn thảo văn bản đã xuất hiện với tần suất ngày một nhiều trong những năm gần đây, đủ để “nghề đánh máy” trở thành một trong những nghề tội lỗi đầy mình.

Tháng 8/2016, Công an huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai phát đi một thông báo khiến dân tình hoảng hốt: Có 16 trẻ em đã bị bắt cóc mổ lấy nội tạng tim, gan, mắt. Thông tin được truyền đi bằng một văn bản giấy có chữ ký của Phó công an huyện, được đóng dấu đỏ tươi rói.

Quá kinh hãi, những bài báo liên quan đến vụ bắt cóc cướp nội tạng 16 trẻ em, hàng tá thông tin thêu dệt được cư dân mạng điên cuồng chia sẻ nhằm bảo vệ con em họ.

Sau đó không lâu, một sự vụ điển hình đã xảy ra tại Bắc Ninh: Một phụ nữ bị đám thanh niên đánh thừa sống thiếu chết vì bị nghi ngờ bắt cóc nữ sinh.

Tuy nhiên, qua điều tra, công an huyện xác định, người phụ nữ trong đoạn clip không có hành vi đánh thuốc mê để bắt cóc nữ sinh.

Đồng thời công an Bắc Ninh cũng khuyến cáo "Người dân cần tỉnh táo trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội cũng như đồn thổi bắt cóc để tránh gây nguy hiểm tính mạng cho người khác, gây tâm lý bất an trong xã hội"[1]. Đáng tiếc nguyên nhân lan truyền thông tin độc hại không phải là phường thảo khấu, vô lại.

Mới đây một phụ nữ bán tăm ở Hà Nội vô cớ bị "tẩn" một trận bầm dập và đốt luôn xe máy vì cũng bị nghi bắt cóc.

Sau đó đại diện hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức (Hà Nội) xác nhận: “Bà Phúc (người bị đánh) là nhân viên của hợp tác xã. Do hợp tác xã mới thành lập được hơn 2 tháng nên thông tin về sản phẩm còn ít người biết đến. Bà Phúc là người hiền lành, gia cảnh khó khăn nên tôi nhận vào làm việc, không ngờ lại xảy ra sự việc như vậy"[2].

Thời mạt vận của "thằng đánh máy" ảnh 2Cấp dưới vi phạm, người đứng đầu không thể vô can

Quay trở lại chuyện công an huyện ban hành văn bản "thổi" chuyện 16 trẻ em bị bắt cóc. "Bộ Công an vừa khẳng định thông tin 16 nạn nhân bị bắt cóc lấy nội tạng tại Hà Giang là bịa đặt, không có thật.

Trong khi đó đại diện công an Hà Giang cho biết, đã liên hệ với phía Lào Cai xác minh và bên liên quan thừa nhận do sơ suất trong khâu soạn thảo văn bản"[3].

Thế đấy, tất cả chỉ kết thúc gọn gàng trong mấy chữ "sơ suất soạn thảo văn bản". Nhưng loại thông tin rùng rợn, giật gân kia đã phát tán quá nhanh, gây bất an trong cộng đồng.

Phải chăng những vụ "đánh nhầm" kia là do thông tin sai sự thật tiêm nhiễm nỗi sợ hãi, bức xúc tạo ra tâm lý đề phòng cao độ?

Một video trôi nổi trên mạng quay lại cảnh 05 chiếc xe chạy ngược chiều tốc độ cao trên cầu Nhật Tân (Hà Nội). "Thằng đánh máy" chắc có lẽ không bị lôi cổ ra nếu trong số đó không có một xe biển xanh, được xác định là của một cơ quan đang trên đường ra sân bay đón chuyên gia."[4].

Trong khi đó người cầm lái chiếc xe này đến cơ quan công an trường trình:  “Tại đây tôi thấy có một người mặc bộ quần áo màu xanh đen ra hiệu cho các xe quay đầu lại - lúc đó hoàn toàn không có đồng chí công an trật tự và cảnh sát giao thông nào ở đây"[5].

Trước cái sượng sùng khó chống đỡ, họ đã nghĩ ra một diệu kế cũng chỉ có mấy chữ "lỗi đánh máy của nhân viên". Điều đáng nói chính ông tài xế là người kết luận như vậy! Ông "nói gà bà nói vịt" làm lòi ra "thằng đánh máy" tội lỗi.

Người đời nói "quá tam ba bận". Trong soạn thảo văn bản, lỗi chính tả, bố cục là chuyện thường tình.

Nhưng thật khó tin nếu lỗi đánh máy làm sai cả "tinh thần" của văn bản, chẳng có cái lỗi đánh máy nào khiến nội dung văn bản xoay 180 độ như thế.

Có phải "lỗi đánh máy" giờ trở thành một đối tượng chịu trách nhiệm mới được "sáng kiến" ra? Hay là người ta quá coi thường trình độ tin học của những chuyên viên văn phòng ba trăm sáu mươi lăm ngày ôm bàn phím nhiều hơn vợ con.

Dĩ nhiên, lý do đó chẳng thuyết phục được ai cả. Chỉ làm lòi ra thêm bản chất sợ trách nhiệm, đùn đẩy sai trái của không ít kẻ có quyền hành.

Làm trò hề cho thiên hạ chế giễu, tạo ra những câu chuyện nực cười. Những nhà chức trách hoặc xem thường trình độ dân trí hoặc họ không biết mình sai ở chỗ nào!

Thời mạt vận của "thằng đánh máy" ảnh 3"Lỗi kỹ thuật đánh máy", Thanh Hóa hủy quyết định do ông Ngô Văn Tuấn vừa ký

Mỗi lần nghe những cách giải thích khá ngây ngô trên thường xuất hiện nhiều câu hỏi: Vậy ai là người đánh máy?

Họ soạn thảo văn bản xong có đọc lại không?

Ai là người xem duyệt, đặt bút ký?

Họ quyết định và ký mà không xem hay đọc kỹ?

Vậy cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai?

Hay lại "cuốn theo chiều gió"? 

Tháng 10 năm nay, Cục hàng không Việt Nam bất ngờ tuyên bố các loại giấy tờ như thẻ Đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe không được làm thủ tục đi máy bay.

Lệnh trên gây quan ngại sâu sắc cho những người thường xuyên đi máy bay.

Người dân muốn biết rõ vì sao các loại giấy tờ trên có "tội tình" gì mà không đủ khả năng chứng minh nhân thân con người.

Trong khi thẻ Đảng, thẻ nhà báo là những giấy tờ được các cơ quan hữu quan chứng thực, được công nhận, hà cớ chi lại cấm?

Sau đó lãnh đạo Cục hàng không giải thích: "Khi soạn thảo thông tư 45 về chương trình an ninh hàng không, cán bộ đánh máy đã sơ suất nên thẻ Đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe bị loại ra khỏi danh sách các loại giấy tờ được chấp nhận để làm thủ tục đi các chuyến bay nội địa.

Chúng tôi nhận trách nhiệm sai sót thuộc về đơn vị soạn thảo Thông tư và sẽ xem xét kiểm điểm một số cán bộ liên quan"[6].

Mặc dù Cục hàng không đã "tiến bộ" hơn là "nhận trách nhiệm", "xem xét kiểm điểm" song cũng không quên "lôi kéo" cái "thằng đánh máy" vào guồng để che bớt sai sót quá "khó nuốt".

Ông Ngô Văn Tuấn (Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa) là người đã bị Ban Bí thư xử lý kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng do để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó có việc "nâng đỡ không trong sáng"... Đáng nói sau khi bị quyết định kỷ luật có hiệu lực ông Tuấn vẫn ký văn bản.

Nhận thấy cái sai, cơ quan chức năng Thanh Hóa liền thay người ký văn bản.

Trả lời báo chí, một vị cho hay "do lỗi kỹ thuật".

Rất may sự việc chưa để lại hậu quả nhưng một lần nữa cho thấy lỗi "thằng đánh máy" nếu không diệt trừ rồi đây có nguy cơ sánh vai "đúng quy trình" phá hoại khắp nơi.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://anninhthudo.vn/phap-luat/su-that-vu-nguoi-phu-nu-bi-danh-dap-vi-nghi-bat-coc-nguoi-o-que-vo/746083.antd

[2]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ba-ban-tam-ke-phut-bi-danh-bam-dap-vi-nghi-bat-coc-tre-em-385735.html

[3]https://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/thong-tin-16-vu-bat-coc-lay-noi-tang-o-ha-giang-loi-do-danh-may-3450941.html

[4][5]http://danviet.vn/xa-hoi/lai-xe-bien-xanh-di-nguoc-chieu-cong-van-bo-y-te-la-loi-danh-may-760700.html

Trương Khắc Trà