Thượng úy Thức đã vi phạm quy tắc ứng xử của ngành

17/04/2017 06:57
THỤY DU - TRINH PHÚC
(GDVN) - "Đây là vụ việc ảnh hưởng tới hình ảnh của Cảnh sát cơ động. Dù chưa biết đúng sai, nhưng người dân tỏ vẻ bất bình ông Cảnh sát cơ động này rồi", ông Kiên nói.

Công dân đề nghị làm rõ hành vi của Thượng úy Thức

Liên quan tới vụ Thượng úy Vũ Chí Thức - công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) tại khu vực phía Nam, bị tố cáo lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản công dân, mới đây Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được đơn của công dân, đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, giải quyết triệt để sự việc.

Trong đơn, ông Bùi Xuân Phượng (trú tại phố Ngô Xá,

Thượng úy Thức đã vi phạm quy tắc ứng xử của ngành ảnh 1

Lộ băng ghi âm một Cảnh sát cơ động nhận "chạy" nghĩa vụ công an

thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm, nhận tiền "chạy" việc của Thượng úy Vũ Chí Thức và vợ là Vũ Thị Ánh.

“Đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, kể từ khi công dân có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì.

Không những chúng tôi không nhận được tiền đã giao cho vợ chồng anh Thức, chị Ánh trước đó, vị Thượng úy còn đe dọa, thách thức người có đơn tố cáo”, ông Bùi Xuân Phượng nêu trong đơn.

Trước đó, trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Phượng nói rõ việc anh Thức yêu cầu gia đình ông Phượng phải đưa cho cán bộ này số tiền 140 triệu đồng để lo lót công việc (chạy vào ngành Công an - PV), rồi hướng dẫn ông Phượng làm hồ sơ, đưa số tiền này cho vợ của anh Thức là chị Ánh.

Số tiền này đã được ông Phượng đưa cho chị Ánh tại nhà riêng ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang hồi tháng 3/2014.

Lực lượng Cảnh sát cơ động tập luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh Báo Công an nhân dân.
Lực lượng Cảnh sát cơ động tập luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh Báo Công an nhân dân.

Sau một thời gian dài đã trôi qua, nhưng anh Thức đã không thực hiện đúng những gì đã cam kết với gia đình ông Phượng, đồng thời cũng chưa trả đủ số tiền nói trên.

Tương tự như trường hợp ông Phượng, bà Đỗ Thị Tuyên; bà Nguyễn Thị Nhiệm (trú tại xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang); Nguyễn Như Quyền (thị trấn Cao Thượng - huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cũng gửi đơn tới tòa soạn báo, đề cập đến việc Thượng úy Thức hứa "chạy" nghĩa vụ cho người thân vào Công an vào thành phố Hồ Chí Minh.

Số tiền người dân đưa cho vợ chồng Thượng úy Thức – Ánh lên tới cả trăm triệu đồng.

Sự việc bất thành, số tiền người dân đã đưa cho anh Thức có nguy cơ mất trắng.

"Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời công dân, trả lại tài sản cho người bị hại và có biện pháp xử lý đích đáng sĩ quan kém phẩm chất đạo đức, làm ảnh hưởng tới lực lượng Cảnh sát cơ động”, bà Nguyễn Thị Nhiệm (trú tại xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang), một trong số các “nạn nhân” nói trên, đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý vụ việc, trả lời công dân theo đúng quy định.

Trước nội dung phản ánh của công dân ngày 22/1/2016, sau khi nhận được tố giác, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) tại khu vực phía Nam đã có buổi làm việc giữa các bên có liên quan.

Tuy nhiên, tới nay đã hơn 1 năm trôi qua, công dân vẫn chưa nhận được trả lời cũng như việc phân xử đúng, sai từ phía cơ quan có thẩm quyền. 

“Thượng úy Thức vi phạm quy tắc ứng xử của ngành”

Liên quan tới đơn tố giác của công dân về việc ông Vũ Chí Thức nhận tiền "chạy" việc, hôm 13/4/2017, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thượng tá Đỗ Trung Kiên, Chánh thanh tra Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin và đang phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bắc Giang để xử lý vụ việc.

Qua xem xét nội dung đơn và các bằng chứng có liên

Thượng úy Thức đã vi phạm quy tắc ứng xử của ngành ảnh 3

Thêm nhiều người tố "oan tiền" với Cảnh sát cơ động nhận chạy nghĩa vụ công an

quan, ông Kiên cho rằng, chưa thể kết luận đúng, sai trong vụ việc này.

"Trong tường trình, anh Thức không thừa nhận việc nhận tiền của người dân để "chạy" việc.

Anh Thức nói rằng có chuyện vợ anh vay tiền của công dân chứ không có chuyện nhận tiền "chạy" việc, đồng thời cho rằng, việc công dân tố cáo trong đơn thư là không có căn cứ.

Thậm chí anh Thức còn gửi đơn tố cáo ngược lại người dân trong vụ việc nói trên. 

Về phía người dân thì khẳng định vợ chồng anh Vũ Chí Thức, và chị Vũ Thị Ánh có nhận tiền và cam kết lo việc cho người thân họ được vào ngành Công an…

Nếu căn cứ vào đơn và các bằng chứng có được, anh Thức chỉ là người liên quan nên chưa rõ trách nhiệm.

Việc nhận tiền như trong giấy viết tay là vợ anh Thức. Nếu anh Thức là người bị tố cáo trực tiếp việc nhận tiền thì chúng sẽ tôi làm rõ ngay lập tức”, ông Kiên cho biết.

Thượng tá Đỗ Trung Kiên (trái) Chánh thanh tra Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động trao đổi với phóng viên. Ảnh: THỤY DU.
Thượng tá Đỗ Trung Kiên (trái) Chánh thanh tra Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động trao đổi với phóng viên. Ảnh: THỤY DU.

Cần phải nói thêm rằng, trước đó trong băng ghi âm công dân chuyển cho phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ghi lại cuộc nói chuyện giữa ông Phượng và 1 người được cho là Thượng úy Thức.

Nội dung băng ghi âm nói rõ việc ông Phượng dặn anh Thức nói lại với vợ, "lát nữa sẽ có người mang tiền vào".

Đồng thời, anh Thức có nói với ông Phượng là nếu vào thì mang theo cả hồ sơ.

Trong đó đáng chú ý, có câu nói của Thượng úy Thức với ông Phượng trong đoạn kết câu chuyện: “Không sao đâu, cứ bảo nó an tâm đi, em đã nhận thì phải em phải lo hết… Lần này còn lần khác, anh em còn làm ăn nữa”.

Tối ngày 31/12/2015, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã gặp anh Thức, và được xác nhận rằng, giọng nói trong đoạn băng ghi âm mà ông Phượng cung cấp cho chúng tôi, chính là giọng nói của anh Vũ Chí Thức và vợ.

Như vậy, chuyện Thượng úy Thức nhận tiền để chạy việc là có thật?

Về việc này, Thượng tá Kiên cho rằng, đơn vị không có thẩm quyền để điều tra làm rõ nội dung nói trên.

“Chúng tôi không phải lực lượng chức năng để khẳng định đó là băng ghi âm là thật hay giả. 

Chỉ trong trường hợp cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thì họ mới sử dụng các thiết bị kỹ thuật, kiểm tra xem đó là băng ghi âm thật hay giả. 

Chúng tôi không được phép áp dụng điều này đối với cán bộ chiến sỹ của mình.

Cho nên nếu nói băng ghi âm ghi lời ông Thức hứa hẹn xin việc là có thật thì chúng tôi chưa dám khẳng định.

Tuy nhiên, căn cứ vào những chứng cứ có liên quan tới vụ việc nói trên, chúng tôi cho rằng không có cơ sở để khẳng định anh Thức nhận tiền chạy việc”, ông Kiên nhận định sự việc, trong khi anh Thức đã thừa nhận trong băng ghi âm là có chuyện nhận tiền để lo việc.

Cũng theo Thượng tá Kiên, hiện tại, vụ việc đang được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bắc Giang xem xét xử lý, đồng thời sẽ có thông báo tới công dân trong thời gian tới.

“Chúng tôi đã liên lạc với Công an Bắc Giang để nắm tình hình.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xem xét. Khi có kết luận mới biết rõ đúng sai và trả lời công dân”, ông Kiên nói.

Chánh Thanh tra Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tiết lộ thêm, năm 2016, Thượng úy Vũ Chí Thức đã bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ vì “có mối quan hệ không rõ ràng” với công dân.

Nghi án Cảnh sát cơ động ‘chạy’ nghĩa vụ: Vợ Thượng úy hứa trả tiền nạn nhân

"Tuy những tố cáo trên chưa đủ cơ sở kết luận có chuyện anh Thức nhận tiền chạy việc, nhưng đơn vị chúng tôi thấy rằng, cán bộ này trong quá trình quan hệ với người ngoài lực lượng không rõ ràng, dẫn tới có đơn thư tố cáo là không tốt.

Do đó, khi phân loại, xếp thi đua năm 2016, đồng chí Thức được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Anh Thức sai là sai ở quan hệ ứng xử với người dân.

Đây là vụ việc ảnh hưởng tới hình ảnh lực lượng Cảnh sát cơ động.

Dù chưa biết đúng sai, nhưng người dân tỏ vẻ căm thù ông Cảnh sát cơ động này rồi. Dù người dân có tố cáo sai đi chăng nữa, thì hình ảnh của anh Thức cũng đã méo mó. 

Đây là hành vi vi phạm quy tắc ứng xử của ngành”, ông Kiên thẳng thắn.

THỤY DU - TRINH PHÚC