Tôi dạy các em bằng tất cả tình thương của con người

23/01/2019 07:07
Hưng Long
(GDVN) - Nghề giáo bất chợt như là “nghiệp” đã vươn vào người phụ nữ để khiến nó đeo bám cô mãi đến những ngày tuổi đã dần về chiều.

Dạy các em bằng cả tình thương

Cô Đặng Thị Thu Thảo – Trưởng lớp tình thương Phước Thiện (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) nghĩ đơn giản, việc dạy học miễn phí cho trẻ như một niềm vui mỗi ngày. Nhiều lúc cô lại cho rằng, do kiếp trước làm nhiều chuyện nên kiếp này phải trả nợ.

Cô luôn mong có sức khỏe để duy trì lớp học chứ cũng không biết sống được bao lâu.

Cô giáo Đặng Thị Thu Thảo và các em học sinh ở lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L)
Cô giáo Đặng Thị Thu Thảo và các em học sinh ở lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L)

Con đường dạy học thiện nguyện của cô Thảo đã duy trì được gần 30 năm. Ngần ấy thời gian, cô luôn gặp thuận lợi trong việc tích thiện của bản thân.

Cô Thảo nói, đến khi nào không dạy được nữa, cô sẽ giải thể lớp.

Cô Thảo mất chồng từ hồi mới vừa đám hỏi xong trong một vụ tai nạn nên nhận 2 người con làm con nuôi. Cô khóc hết nước mắt vì nhớ thương chồng.

Trong gia đình, cô Thảo lại là con duy nhất. Tất cả tình yêu thương, sân si xung quanh cô không màn đến để hướng đến việc dạy cho các em học sinh.

Nhiều người đã đặt câu hỏi với cô Thảo, sao lớp tình thương tồn tại lâu đến thế?

Học sinh của cô Thảo có cuộc sống bình dị và nề nếp nhờ được rèn luyện từ nhỏ. Mỗi ngày, cô phân công cho các em quét nhà, dọn bàn ghế ra học, lau bảng…

Những việc tuy đơn giản nhưng lại cho các em thể hiện hành động có trách nhiệm với những gì bản thân các em đang có, đang được thụ hưởng.

Ngày mới mở lớp, học sinh kéo đến rất đông.

Cho đến sau này, cô Thảo vẫn hạn chế sĩ số trong lớp để đảm bảo có thể dạy dỗ được các em.

Nhiều phụ huynh có gia cảnh khá giả vẫn đến nhờ gửi dạy các em, cô Thảo từ chối ngay.  

Một số phụ huynh đến năn nỉ cô Thảo gửi con để hết 5 năm Tiểu học có học bạ gửi đến trường cấp trên học, cô cũng một mực cự tuyệt.

Cô Thảo nói, đã làm việc thiện, làm việc có nghĩa với đời thì lương tâm không thể cho phép sự nhập nhằng sai trái với đạo lý.

Cô kể, có nhiều học sinh rất tinh quái. Nhiều vật dụng được cô phát cho để đi học nhưng các em lại tìm cách để xin mới rồi mang bán để lấy tiền tiêu vặt.

Như cây viết lông kim, có em rút ruột ra để không viết ra mực rồi xin cây khác. Xin được cây mới, em mang đi bán 1.000 đồng mua kẹo ăn.

Sau này cô phát hiện, nên cấp phát vật dụng theo tiêu chuẩn mà không phát theo yêu cầu như trước. Hàng tháng, các em được phát 2 cây viết mực, 2 cây viết chì để phục vụ cho việc học.

Nếu làm mất, các em phải tự về nói với phụ huynh để mua. Từ đó, các em biết ý thức hơn để giữ gìn tài sản mà mình đang sử dụng. 

Lớp tình thương không kêu gọi, không vận động quyên góp

Đầu năm, các em được cô trang bị cặp táp, tập sách để đến lớp mà phụ huynh không phải bận tâm.

Cô Thảo phân tích, tuổi thơ của các em vẫn luôn có những sự tinh quái mà cần phải có sự am hiểu, nắm bắt tâm lý để kịp thời uốn nắn. Một số em có biểu hiện phân biệt giàu - nghèo, học giỏi – học dở đều được cô Thảo kêu ra một góc riêng để khuyên răn, giảng giải cho các em hiểu.

Lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L)
Lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L)

Cô đặt phương châm, lấy tình yêu thương trẻ làm nền tảng, làm cơ sở để truyền đạt cho các em thẩm thấu những con chữ, những kiến thức xã hội mà nên người.

Kỷ niệm đáng nhớ của cô Thảo vào dịp 20/11. Lớp học tình thương vẫn vui chơi, phát quà cho các em. Buổi sáng ấy, một vị phụ huynh đưa học sinh đến lớp móc trong ví ra tờ 200 ngàn rồi đưa cho học sinh, nói mang vào cho cô.

Em học sinh đưa vào liền được cô nhắc nhở và yêu cầu mang về trả lại cho phụ huynh. Cô Thảo cự tuyệt và không nhận bất kỳ một loại hình quà nào từ phụ huynh có con em đang theo học tại lớp.

Lớp học đặc biệt chưa từng thấy ở Sài Gòn 

Trải qua hàng chục năm, những em học sinh lớn lên nhờ sự dạy dỗ bằng tình thương của cô Thảo đã tìm về lại lớp. Các em trở thành người có ích cho xã hội đã không quên góp chút công vun vén cho lớp học có thêm những bộ sách, những bao gạo hay vài trăm cây bút.

Sự tri ân của các thế hệ học sinh bằng hành động thiết thực là học hành thành tài, nên người rồi quay trở lại giúp đỡ những em có cùng cảnh ngộ. Cô Thảo nhận những sự đóng góp không bằng sự kêu gọi mà bằng tấm lòng của những lớp học sinh có nghĩa, của những mạnh thường quân tự tâm quyên góp.

Cô nói, có chủ đại lý gạo cho số điện thoại và thậm chí dán ở lớp học để cô Thảo thấy và dặn, mỗi khi hết gạo cho các em cứ bấm theo số điện thoại trên để cửa hàng mang đến.

Cô Thảo tự hứa với lòng, không bao giờ gọi đến để xin trừ khi người cho tự ý mang đến.

“Nhận của một ai bất cứ vật chất nào, bản thân không làm tròn trách nhiệm sẽ cảm thấy luôn ray rứt, áy náy với lương tâm”, cô Thảo phân tích.  

Điều cô Thảo trăn trở duy nhất là học sinh về nhà, phụ huynh cần kiểm tra xem các em được học những gì và phối hợp tốt với cô để dạy dỗ các em.

Hưng Long