Ngày 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, thành phố Hồ Chí Minh nộp đơn từ chức, với lý do không hoàn thành được việc lập lại trật tự vỉa hè ở địa bàn quận này.
Việc ông Hải từ chức khiến nhiều người bất ngờ, mặc dù trước đó trước đó, vào ngày 20/2/2017, ông từng tuyên bố trước người dân thành phố, nếu đến cuối năm 2017 không làm được việc lập lại trật tự đô thị, sẽ “cởi áo về vườn” chứ không làm phong trào, đánh trống bỏ dùi để được nổi tiếng.
Việc từ chức của ông Hải được xem là giữ lời hứa tuy nhiên dư luận cũng tỏ ra bất ngờ vì lâu nay vốn ít khi được chứng kiến cảnh một cán bộ từ chức vì không thực hiện được lời hứa của mình.
Ông Đoàn Ngọc Hải đang chỉ đạo phá hàng loạt bức tường lấn chiếm vỉa hè. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Xung quanh thông tin này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội).
Bình luận về việc từ chức của ông Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân quận 1, ông Lê Như Tiến cho rằng: “Tôi thấy một người cán bộ có liêm chính đã giữ lời hứa mà từ chức thì điều này rất là tốt”.
Phân tích thêm, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: “Khi đánh giá một người từ chức có tốt hay không thì cần đánh giá việc từ chức của người đó xuất phát từ nguyên nhân nào?
Nếu xuất phát từ việc đã hứa nhưng không làm được thì đó là điều tốt.
Tôi cho rằng, một số nhà quản lý hứa trước Quốc hội là phải thực hiện công việc này, công việc kia của ngành mình, bộ mình, nếu không thực hiện được cũng nên có văn hóa từ chức”.
Vị này còn cho biết, ở nhiều nước, việc từ chức xảy ra rất nhiều nhưng ở nước ta rất là hiếm hoi.
Văn hóa từ chức phải đi kèm là lòng tự trọng.
Ở những nước đó, họ có bề dày lịch sử về lập pháp hơn chúng ta nhiều. Nhiều người hứa trước Quốc hội nhưng không thực hiện được nên họ từ chức.
“Mỗi khi đã hứa với nhân dân, với cơ quan bầu ra hoặc đề cử anh, khi đến thời gian không làm được cũng nên từ chức.
Trước kia, thời kỳ phong kiến nhiều quan lại nhận công việc không làm được người ta cũng từ chức để nhường công việc cho người khác” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (ảnh giaoduc.net.vn). |
Bình luận thêm về câu chuyện từ chức của ông Đoàn Ngọc Hai, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhận xét: “Tôi cho rằng với lòng tự trọng, cán bộ nào đó không làm được công việc mình đảm trách từ chức thì đó là rất đáng để biểu dương và đó chính là lòng tự trọng của người ta.
Đó là điều rất tốt đáng biểu dương. Từ chức như vậy là động cơ trong sáng”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 8/1, đại diện Ủy ban nhân dân quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng xác nhận, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch quận 1 đã nộp đơn xin từ chức lên lãnh đạo quận 1.
Căn cứ vào đơn xin từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng, mình bắt đầu thực hiện nhiệm vụ Phó Chủ tịch quận 1, phụ trách lĩnh vực đô thị, trong đó có việc quản lý trật tự lòng lề đường, vỉa hè ở quận trung tâm nhất của thành phố.
Nhận thấy tình hình vi phạm, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn ngày càng phức tạp, từ tháng 1 đến tháng 10/2017, quận 1 đã ra quân triển khai công tác chấn chỉnh này, đạt được một số tín hiệu tích cực nhất định, lan tỏa ra khắp cả nước, được Thủ tướng đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc này đã đụng chạm đến lợi ích to lớn, hàng nghìn tỷ đồng của các bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, chủ hộ kinh doanh trên địa bàn.
Nhận thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng mong muốn là sẽ giải quyết dứt điểm này, nên ông Đoàn Ngọc Hải đã xin phép được từ chức.
Ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng, muốn lập lại kỷ cương, pháp luật trên lĩnh vực này, cần có sự vào cuộc, đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị, nhưng trên thực tế ông chưa nhận được những điều này để thực hiện.
Ngoài xin từ chức Phó Chủ tịch quận 1, ông Hải còn xin từ chức luôn chức danh Uỷ viên Ban thường vụ Quận ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân quận.
Là một công dân bình thường, ông Đoàn Ngọc Hải mong sẽ có nhiều điều kiện về mặt thời gian hơn để suy nghĩ về các giải pháp căn cơ, nhân văn, không làm ảnh hưởng đến việc mưu sinh của người nghèo trong việc này.