Trong loạt bài chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam hiện nay về Luật Biển, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã khẳng định UNCLOS không phải cơ sở pháp lý chủ yếu hay duy nhất để giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông. Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Trục tiếp tục phân tích sâu hơn về bằng chứng pháp lý và chứng lý lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời bác bỏ các luận điệu sai trái nhận bừa “chủ quyền” trên Biển Đông từ các bên liên quan.
Tiến sĩ Trần Công Trục |
- PV: UNCLOS không phải cơ sở pháp lý chủ yếu hay duy nhất để giải quyết mọi tranh chấp trong Biển Đông. Vậy ông có thể phân tích kỹ hơn về cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà hiện tại dư luận vẫn còn khá mơ hồ trước những luận điểm, cơ sở pháp lý trong tuyên bố của các bên nêu ra để chứng minh và bảo vệ cho “chủ quyền” của họ, đặc biệt là quan điểm quyền thụ đắc lãnh thổ dựa vào tư liệu, bản đồ lịch sử, “danh nghĩa lịch sử”, “chủ quyền lịch sử”? - Tiến sĩ Trần Công Trục: Đúng là để chứng minh, lý giải cho những hành động dùng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bên nhảy vào tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đã “khai thác” một số nguyên tắc thụ đăc lãnh thổ đã từng tồn tại trong lịch sử: Đó là quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu” hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”. Nguyên tắc này dành quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho quốc gia nào đã phát hiện ra vùng lãnh thổ mới đó. Tuy nhiên, để xác định ai là người đã phát hiện ra đầu tiên là hết sức khó khăn, phức tạp. Chính vì thế, việc phát hiện đã nhanh chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là sau khi phát hiện ra phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới được phát hiện đó. Nhưng những bổ sung đó cũng không giải quyết được tranh chấp lãnh thổ ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc đối với các vùng “đất hứa”, đặc biệt là đối với các vùng đất Phi châu và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng nghìn hải lý… Mặc dù vậy, hiện nay chúng vẫn được “khai thác” dưới những tên gọi mới: “danh nghĩa lịch sử”, “chủ quyền lịch sử”, “phát hiện đầu tiên”, “khám phá đầu tiên”, “khai thác, đặt tên, vẽ bản đồ”… Để đánh giá một cách khách quan về những nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ, tôi xin trích dẫn bình luận sau đây của một học giả người Trung Quốc, giáo sư Lý Lệnh Hoa, Trung tâm thông tin Hải dương Trung Quốc, như sau: “Nói đến quyền lợi Nam Hải (tức Biển Đông), chúng ta thường thích nói một câu là: từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào 2 chữ “thiêng liêng”. Đó chính là cái gọi là chứng cứ lịch sử …Nhưng chứng cứ lịch sử đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại. Chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sụ kiểm soát thực tế. Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa (tên gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc tự đặt ra) chúng ta đã không có được điều đó…”
Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa |
Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm sau khi đọc những phân tích quá rõ ràng, chuẩn xác và dễ hiểu của giáo sư Lý Lệnh Hoa về những nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ, đặc biệt là giá trị của cái gọi là “chứng cứ lịch sử” trong luật quốc tế hiện đại mà hiện nay đang có không ít người vẫn còn vô tình hay cố ý “nhầm tưởng”… Để chứng minh cho “chứng cứ thật sự có sức thuyết phục, chính là sự kiểm soát thực tế” mà giáo sư Lý Lệnh Hoa đã khẳng định nói trên, xin phép được lược qua về sự hình thành và nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” trong luật pháp và thực tiễn quốc tế đương đại: Để giải quyết một cách triệt để những tranh chấp lãnh thổ giữa các cường quốc hàng hải do đã vận dụng các nguyên tắc “danh nghĩa lịch sử” mơ hồ nó trên, sau Hội nghi về châu Phi giữa 13 nước châu Phi và Hoa Kỳ năm 1885 và sau khóa họp của Viện Luật pháp quốc tế ở Lausanne, Thụy sỹ, năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ mới. Đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”. Tại Điều 3, Điều 34, 35 của Định ước Berlin ký ngày 26 tháng 6 năm 1885 đã quy định nội dung của nguyên tăc chiếm hữu thực sự như sau: + “Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước”; + “Phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng…” + Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh: “mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền…thì phải thật sự, tức là phải thực tế, không phải là danh nghĩa”. Chính tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” của Định ước Berlin có giá trị thực hiện phổ biến trong luật pháp và thực tiễn quốc tế khi xem xét, giải quyết những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia. Nội dung chủ yếu của nguyên tắc này là: + Việc xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải được thực hiện dưới danh nghĩa Nhà nước, các cá nhân và tổ chức tư nhân không có quyền thực hiên việc xác lập chủ quyền lãnh thổ đó. + Việc chiếm hữu phải được thực hiện trên vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị bỏ hoang (derelicto). + Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở mức độ cần thiết, tối thiểu, thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó. + Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình, việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp. Cho đến nay,do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn luôn vận dụng nó khi xem xét các vụ án tranh chấp lãnh thổ, mặc dù Công ước Saint Germain ngày 10 tháng 9 năm 1919 đã tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì thế giới không còn đất vô chủ nữa. Chẳng hạn, Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế La Haye đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan tháng 4 năm 1928; Phán quyết của Tòa án quốc tế của LHQ tháng 11 năm 1953 về vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp đối với các đảo Minquiers và Ecrehous…và gần đây, năm 2002, Tòa án thường trực quốc tế cũng đã dựa vào nguyên tắc này để phán quyết vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Malaysia va Indonesia đối với đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan. - PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các chứng lý lịch sử khẳng định yêu sách chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
- Tiến sĩ Trần Công Trục: Quan điểm chính thức của Việt Nam để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước sau như một, có thể tóm tắt như sau: Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình; phù hợp với nguyên tắc của Luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện thời.
- Tiến sĩ Trần Công Trục: Quan điểm chính thức của Việt Nam để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước sau như một, có thể tóm tắt như sau: Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình; phù hợp với nguyên tắc của Luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện thời.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và các tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chân lý đó. Với nội dung này thì rõ ràng Việt Nam đã chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình dựa theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ phổ biến nhất hiện nay của Luật pháp quốc tế: Nguyên tắc chiếm hữu thực sự. Như vậy, Việt Nam không thừa nhận và bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử”, quyền “phát hiện đầu tiên, khai phá, sinh sống, làm ăn, đặt tên, vẽ bản đồ…tư lâu đời”, kể cả những quan điểm quyền thụ đắc lãnh thổ dựa vào khoảng cách địa lý xa gần. Xin nói thêm rằng, các sự kiện lịch sử, các bản đồ lịch sử là những tư liệu rất đáng quý, đáng trân trọng, không thể xem nhẹ được trong nghiên cứu khoa học, kể cả khoa học pháp lý. Nhưng không phải bất cứ tư liệu lịch sử nào, bản đồ lịch sử nào cũng có giá trị với tư cách là những bằng chứng pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia trong những vụ tranh chấp lãnh thổ được xem xét dưới ánh sáng của Luật quốc tế. Nếu chỉ dựa vào lịch sử và bản đồ để xem xét về quyền thụ đắc lãnh thổ thì có lẽ hầu hết thế giới này sẽ phải thuộc về Vương quốc Anh, vì đã có thời họ từng tuyên bố: “Mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ của Anh quốc”, và, rồi sẽ có nhiều quốc gia không còn tồn tại như hình thể hiện nay trên bản đồ quốc tế! Vì thế, có thể nói rằng trong lĩnh vực xem xét tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, sự kiện lịch sử, bản đồ lịch sử là những nguồn thông tin vô giá để giúp người ta căn cứ vào đó để sưu tập, tìm kiếm, tổng hợp, đánh giá các chứng cứ có giá trị pháp lý nhằm bổ sung và hoàn thiên bộ hồ sơ pháp lý, đáp ứng đúng yêu cầu về nội dung và thủ tục của Luật pháp và thực tiễn quốc tế. Không nên tuyệt đối hóa về “ bằng chứng lịch sử”, “ bản đồ lịch sử” một cách chung chung, càng không nên biện minh rằng “lịch sử là pháp lý, pháp lý là lịch sử”.
- PV: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy