Tư tưởng quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập

02/09/2015 06:48
Nguyễn Duy Xuân
(GDVN) - Quyền dân tộc, quyền con người luôn luôn và mãi mãi là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta vì sự vẹn toàn của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, tác giả Nguyễn Duy Xuân gửi tới tòa soạn bài viết nói lên cảm nhận của mình về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc độ về quyền dân tộc, quyền con người

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ đó đến nay, 70 năm đã trôi qua, những thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước đã minh chứng cho những tư tưởng bất hủ và giá trị văn hóa - lịch sử - thời đại của Tuyên ngôn độc lập. 

Một trong những tư tưởng lớn được Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc, đầy sức thuyết phục trong Tuyên ngôn độc lập là tư tưởng về quyền con người và quyền dân tộc.

Ngược dòng lịch sử 70 năm về trước, tại thời điểm ra đời của Tuyên ngôn và trước đó, cục diện chính trị thế giới đã thay đổi một cách nhanh chóng. 

Ở châu Âu, ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng không điều kiện phe Đồng minh. Bốn tháng sau, ở châu Á – Thái Bình Dương, ngày 2/9/1945, phát xít Nhật cũng buộc phải ký văn kiện đầu hàng không điều kiện.

Bản Tuyên ngôn độc lập là áng văn bất hủ góp phần làm nên cốt cách Hồ Chí Minh và tâm hồn dân tộc Việt Nam (Ảnh: vietnamnet.vn)
Bản Tuyên ngôn độc lập là áng văn bất hủ góp phần làm nên cốt cách Hồ Chí Minh và tâm hồn dân tộc Việt Nam (Ảnh: vietnamnet.vn)

Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Đây là thời cơ ngàn năm có một để giành độc lập cho dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất, giành độc lập tự do cho đất nước, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ lầm than. 

Thành quả vĩ đại mang tính lịch sử và thời đại mà Cách mạng tháng Tám đem lại là quyền con người và quyền dân tộc. 

Ta hiểu vì sao mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh lại trích dẫn những tư tưởng lớn của nhân loại được ghi nhận trong hai bản văn nổi tiếng: Tuyên ngôn độc lập của Hoa kì và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp.

Lời trích dẫn trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".[1]

Còn đây là lời trích dẫn trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".[2]

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, Hồ Chí Minh khẳng định.
Vậy mà những “lời bất hủ”, “những lẽ phải không ai chối cãi được” ấy lại bị thực dân đế quốc chà đạp hàng thế kỉ nay ở các nước thuộc địa trên khắp thế giới. 

Tư tưởng quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập ảnh 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(GDVN) - Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng nay (1/9), lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều trớ trêu là, chính họ - con cháu của những người đã nêu lên chân lí sáng ngời về quyền con người ấy lại chà đạp không thương tiếc, tước bỏ hết quyền làm người đối với hàng triệu triệu dân thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh.

Ở Việt Nam, trong suốt hơn tám mươi năm thống trị, thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta.”.

Tội ác chà đạp quyền con người của thực dân đã được Hồ Chí Minh dẫn chứng bằng một đoạn văn giàu hình ảnh và nhịp điệu, vang lên như một lời kết án hùng hồn:

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
”[3]

Hơn hai mươi năm trước (1925), trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” Hồ Chí Minh cũng đã luận tội thực dân đế quốc bằng những dẫn chứng và lí lẽ đầy sức thuyết phục. 

Có lẽ trong suốt những năm dài bôn ba khắp bốn biển năm châu tìm đường cứu nước, điều khiến Hồ Chí Minh luôn đau đáu trong lòng là quyền sống của đồng bào đang rên xiết dưới gót giày của đế quốc thực dân.

Bởi thế, mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới, Người trích dẫn những tư tưởng lớn của nhân loại được thể hiện qua hai bản văn Tuyên ngôn độc lập của Hoa kì và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp. 

Người xem đó là những cơ sở pháp lí không thể chối cãi để khẳng định quyền con người của dân Việt Nam – một dân tộc từ bùn đen nô lệ đã vùng lên chiến đấu giành cho mình “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Không ai, không một thế lực hắc ám nào có thể tước đi những quyền lợi chính đáng ấy mà tạo hóa đã ban cho con người.

Nhưng bối cảnh chính trị thế giới ở thời điểm ra đời của Tuyên ngôn độc lập không cho phép Hồ Chí Minh chỉ nghĩ đến quyền con người. Trước Chiến tranh thế giới hai, phần lớn đất đai và dân số trên thế giới là thuộc địa của các nước thực dân, đế quốc. 

Chỉ tính riêng đế quốc Anh, đến năm 1922 đã cai trị khoảng 458 triệu người, chiếm 1/5 dân số thế giới và bao phủ  hơn 33.700.000 km², chiếm gần một phần tư tổng diện tích toàn cầu[4]. 

Có câu ví von “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh” để nói đến sự bành trướng cương thổ ra toàn địa cầu của nước này.

Khát vọng bình đẳng, tự do, bác ái là khát vọng muôn đời của con người từ ngàn xưa đến nay. Nhưng sang nửa đầu thế kỉ XX, bối cảnh thời đại đã khác bởi sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa Mác-Lê nin trên trường quốc tế. 

Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bắt đầu được nhen nhóm để rồi bùng phát mạnh mẽ sau đại Chiến thế giới lần thứ hai. 

Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ đối với nhân loại không chỉ là quyền con người. Bởi làm sao có được quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc khi ách thống trị của thực dân đế quốc vẫn quàng lên đầu lên cổ các dân tộc thuộc địa trên thế giới? 

Cho nên đấu tranh giải phóng dân tộc là mục đích tối thượng để đảm bảo cho quyền con người. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa hai thời đại cách nhau gần hai thế kỉ: thời đại của cách mạng tư sản Pháp 1791 và chiến tranh giành độc lập của Mỹ 1776 với thời đại của Cách mạng tháng Tám Việt Nam năm 1945.

Hồ Chí Minh trích dẫn những tư tưởng lớn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp để khẳng định quyền con người là cao cả, nhưng quan trọng hơn, thiêng liêng hơn đối với Người lúc này là quyền dân tộc. 

Bởi thế, mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới, ngay sau khi trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Người đã cụ thể hóa và khẳng định một cách dứt khoát tư tưởng lớn của thời đại từ một câu “suy rộng ra”:

Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. 

Đó có thể nói là đóng góp xuất sắc của Hồ Chí Minh cho tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Từ quyền con người, Hồ Chí Minh đã nâng lên một cấp độ cao hơn: Quyền dân tộc.

Tư tưởng ấy cùng với sự thành công của Cách mạng tháng Tám đã mở màn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh nửa sau thế kỉ XX.

Lịch sử Việt Nam từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược ngày 1/9/1858 cho đến trước ngày Cách mạng tháng Tám nổ ra đã minh chứng cho một thực tế rằng, một khi quyền dân tộc bị tước đoạt thì quyền con người mà bọn thực dân rêu rao chỉ là bánh vẽ để mị dân. 

Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh cũng đã vạch trần chân tướng ấy của thực dân Pháp, “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”.

Tư tưởng quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập ảnh 3

Quảng trường Ba Đình trong thời khắc lịch sử 70 năm trước

(GDVN) - Những hình ảnh tư liệu về buổi lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây 70 năm tại quảng trường Ba Đình lịch sử.

Cho nên, ta hiểu vì sao mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh lấy việc khẳng định quyền con người là tư tưởng lớn của nhân loại để đấu tranh cho quyền dân tộc của nước Việt Nam mới. 

Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhà nước cộng hòa dân chủ còn non trẻ đang bị vây bọc giữa những nanh vuốt của quỷ dữ: Phía Bắc quân Tàu Tưởng, phía Nam quân Anh-Pháp, thì đó là lập luận sắc bén, đập tan những luận điệu xằng bậy của kẻ thù hòng áp đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa.

Trong phần sau bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã chứng minh quyền dân tộc bình đẳng mà dân Việt Nam có quyền được hưởng như là một sự thật hiển nhiên, bởi nó đã được đánh đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ người Việt kể từ khi bị thực dân Pháp xâm lược cho đến khi bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai mà các nước đồng minh không thể không công nhận.

Bởi thế, Hồ Chí Minh khẳng định một cách trịnh trọng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". 

Và thể hiện quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc đã ý thức được sâu sắc quyền thiêng liêng ấy: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.[5]

Quyết tâm ấy của cả dân tộc đã được hiện thực hóa trong suốt ba mươi năm sau đó bằng hai cuộc kháng chiến trường kì bảo vệ và giải phóng đất nước.

Một trận Điện Biên “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”[6] và một Đại thắng mùa xuân 1975 đã đưa dân tộc ta lên ngang tầm thời đại.

Một dân tộc từ đêm trường nô lệ đã vùng lên “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”[7] làm chủ vận mệnh của mình, khẳng định vị thế bình đẳng cùng các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới.

Trong một lần trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".[8]

Câu nói ấy của Người đã hàm chứa hai tư tưởng lớn của thời đại mà Người đã đề cập trong Tuyên ngôn độc lập: Quyền con người và quyền dân tộc. 

Quyền dân tộc đã được giải quyết bằng cuộc Cách mạng tháng Tám còn quyền con người thì phải trải qua một quá trình lâu dài mới có thể xác lập và thực thi một cách đầy đủ thông qua việc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, trong mỗi con người; thông qua việc xây dựng nhà nước pháp quyền. 

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời ngày 3/9/1945, một trong sáu vấn đề cấp bách mà Hồ Chí Minh nêu ra là tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên càng sớm càng tốt với mục đích để nhân dân thực hiện quyền tự do chính trị của mình bầu ra một Quốc hội, và Quốc hội này có quyền thông qua một bản Hiến pháp ghi nhận quyền tự do và dân chủ cho nhân dân.

Bản Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua một năm sau đó đã xác lập quyền con người của dân Việt Nam. 

Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam được hưởng những quyền cơ bản của con người: Quyền được bình đẳng về mọi phương diện; quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, thư tín và nhà ở; quyền tư hữu tài sản, quyền học hành; quyền bầu cử, ứng cử, quyền phán quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia; …

Kế thừa và phát triển các quy định và các nguyên tắc của Hiến pháp 1946, các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013 tiếp tục làm rõ nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người.

Đặc biệt Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm bổ sung quan trọng về quyền con người, đánh dấu một bước tiến đáng kể về tư duy nhà nước pháp quyền và thực hiện quyền con người ở Việt Nam. 

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghiên cứu và thụ hưởng các kết quả khoa học; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành; …

70 năm đã trôi qua, kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước ta đã tiến những bước dài trên con đường đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

Nhân kỉ niệm những ngày lịch sử trọng đại này, đọc lại Tuyên ngôn độc lập, suy ngẫm về quyền dân tộc và quyền con người, chúng ta càng thấm thía hơn bao giờ hết những giá trị tư tưởng mang tầm vóc thời đại của Hồ Chí Minh. 

Quyền dân tộc, quyền con người luôn luôn và mãi mãi là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta vì sự vẹn toàn của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tài liệu tham khảo:

 [1,2,3,5] Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, Báo Cứu quốc 5/9/1945.

[4] Bách khoa toàn thư mở: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%BF_qu%E1%BB%91c_Anh.

[6] Tố Hữu Thơ, NXB Giáo dục, 1997.

[7] Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, 1983.

[8] Báo Cứu Quốc, số ra ngày 21/1/1946. 

Nguyễn Duy Xuân