Tướng Nguyễn Việt Thành sẽ bị kiện trong vụ bắt giam oan doanh nhân

25/10/2014 07:03
THỤY MIÊN (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Lời hứa “chịu trách nhiệm trước pháp luật” của Trung tướng Nguyễn Việt Thành đã không được thực hiện khi ông tham gia vào vụ bắt giam oan doanh nhân.

Bắt giam oan doanh nhân

Quay trở lại 10 năm về trước, câu chuyện được bắt đầu từ việc ông Nguyễn Văn Tạo tố cáo các thành viên trong công ty Gas Bình Dương (gồm ông Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng) và ông Bùi Mạnh Lân, chủ đầu tư khu công nghiệp Đồng An là “đệ tử” của Năm Cam đã gây ra vụ “gây rối trật tự công cộng” ngày 18/9/2000 tại công ty Gas Bình Dương. 

Tuy nhiên việc tranh chấp không xảy ra xô xát. Để giải quyết việc phân chia tài sản, các bên đã kiện nhau ra tòa án. Cũng tại thời điểm nhận được tin báo, cơ quan chức năng cũng đã có mặt để giải tán những người tham gia, tránh gây mất trật tự công cộng.

Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ trưởng CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang (cán bộ dưới quyền của tướng Nguyễn Việt Thành) đã báo cáo sự việc không đúng sự thật, với nội dung công ty Hưng Thịnh của ông Lân đã thuê “xã hội đen” chiếm giữ tài sản của công ty Gas Bình Dương. Do vậy, ông Nên đã đề nghị CQĐT Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản.

Tướng Nguyễn Việt Thành thời còn đương chức
Tướng Nguyễn Việt Thành thời còn đương chức

Sau đó không lâu, ông Nguyễn Văn Nên đã đề xuất tiến hành bắt khẩn cấp các đối tượng có liên quan.

Việc đề xuất bắt khẩn cấp này đều có bút phê chi tiết của ông Nguyễn Việt Thành. Các đối tượng sau đó đã được đưa về về giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang.

Tiếp đó, ngày 29/4/2003, CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang ký lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân, với lý do ông Lân cùng "đồng bọn" gây rối trật tự công cộng tại Công ty gas Bình Dương. Việc bắt giữ các “đối tượng” trên theo Tướng Nguyễn Việt Thành đánh giá là triệt phá “băng nhóm tội phạm nguy hiểm”

Được biết, các “đối tượng” bị tố cáo là “đệ tử” của Năm Cam có liên quan đến vụ việc nêu trên có các ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng và Phạm Văn Hướng vốn là những doanh nhân thành đạt, có vị thế ở đất Bình Dương

Tướng Nguyễn Việt Thành có vô can?

Sau khi bắt tạm giữ đối với ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng, cơ quan CSĐT đã báo cáo vụ việc với VKSND tối cao, đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam đối với hai ông nhưng không được chấp thuận vì lý do: “ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng không đồng phạm với ông Đỗ Cao Bằng trong vụ gây rối trật tự công cộng”.

Tuy nhiên Cơ quan CSĐT vẫn không trả tự do cho ông Lân và ông Hướng, đồng thời tiếp tục đề nghị VKS tối cao phê chuẩn lệnh giam giữ đối với hai doanh nhân này. 

Tướng Thành lúc đó cương quyết rằng, nếu bắt giam oan sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Xuyên suốt quá trình điều tra, kể cả khi có lệnh của Viện Kiểm sát Tối cao thay đổi biện pháp ngăn chặn, chính ông Nguyễn Việt Thành còn ra lệnh thực hiện chậm tống đạt các quyết định, dẫn đến tình trạng giam giữ oan sai các công dân nói trên. 

Điều này được minh chứng như sau, ngày 12/6/2003, đích thân điều tra viên của C16 Bộ Công an đã đến Công an tỉnh Tiền Giang giao quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Phạm Văn Hướng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên vẫn lập báo cáo ngày 13/6/2003, gửi ông Nguyễn Việt Thành với nội dung cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang chưa thực hiện việc thả ông Hướng mà phải chờ ý kiến của tướng Thành.

Sau đó Nguyễn Văn Nên báo cáo đến ông Nguyễn Việt Thành, cho rằng “cơ quan CSĐT đang mở rộng án làm rõ việc chiếm đoạt 8 tỷ đồng của Công ty Epco từ năm 1997 đến nay…Nếu giải quyết cho Bùi Mạnh Lân tại ngoại sẽ gây khó khăn cho việc điều tra mở rộng án”.

Ngày 16/8/2003, VKSND tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án “gây rối trật tự công cộng” tại công ty Gas Bình Dương. VKSND tối cao cho rằng, các "đối tượng" này không phải là tội phạm theo kiểu “xã hội đen” và càng không có cơ sở xác định những doanh nhân bị bắt là ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng là “đệ tử” của Năm Cam...

Sau đó, vụ án Năm Cam cũng kết thúc với bản án tử hình dành cho trùm xã hội đen này. Một số cán bộ điều tra liên quan tới vụ việc cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Thế nhưng, số phận của những người bị bắt giam oan thì không ai nhớ và lời cam kết “chịu trách nhiệm trước pháp luật” nếu ông Lân và ông Hướng bị oan của Tướng Nguyễn Việt Thành cũng bị lãng quên?

THỤY MIÊN (TỔNG HỢP)