Vạch trần thủ đoạn các Công ty game TQ xâm chiếm thị trường Việt Nam

27/08/2013 07:00
Hồng Tuyết
(GDVN) - Bằng cách phát hành game qua công ty con cũng như mua quyền phát hành những trò chơi có số lượng người tham gia đông đảo, Tencent đang dần nắm trọn thị trường trò chơi trực tuyến tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm Tencent ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư Trung Quốc, ngày 14/12/2012, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài 40 phút, nhấn mạnh vai trò quan trọng của internet và khẳng định Đảng, nhà nước Trung Quốc sẽ đầu tư và ủng hộ cho những công ty CNTT, internet như Tencent phát triển.

Đồng thời, ông Tập còn yêu cầu các đơn vị này phải nỗ lực tuyên truyền về chủ quyền, chính sách của Trung Quốc...
Công ty Tencent và Garena
  Công ty Tencent và Garena
Thực hiện chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc, Tencent đã nỗ lực phủ sóng WeChat trên toàn cầu, đồng thời họ "lén lút" đưa đường lưỡi bò vào trong ứng dụng OTT này. Tuy nhiên, âm mưu thâm độc đó đã bị công chúng Việt Nam phát hiện và tố cáo hồi tháng 1/2013.


Ở mảng game, Tencent khẳng định việc đưa sản phẩm, văn hóa ra quốc tế sẽ giúp đánh dấu nhiều hơn sự hiện diện của trí tuệ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, phù hợp với đường lối quảng bá văn hóa quốc gia của Chính phủ.
Theo hãng tin Reuters, ngay từ năm 2011, Tencent mua lại phần lớn cổ phần Riotgames tại Mỹ nhằm kiểm soát và quyền phát hành trò chơi trực tuyến League of Legends (LOL).

Trang tin tài chính Bloomberg dẫn lời một người có kiến thức về các thương vụ mua bán sáp nhập, công ty internet số một Trung Quốc đã cho hơn 350 triệu USD cho thương vụ này.

Tuy nhiên, League of Legends  đang được công ty Garena phát hành trong khu vực Đông Nam Á. Điều này đã gây nghi vấn cho rất nhiều người. Nhưng tất cả đã được giải tỏa sau hôm 15/7/2013, khi ông Phan Sào Nam, chủ tịch VTC Online, trong cuộc trao đổi với báo chí đã khẳng định Garena là công ty của Tencent. Vì thế đơn vị này được đại diện cho Tencent phát hành game trong khu vực Đông Nam Á.

Ở Việt Nam LOL cũng do Garena phát hành với cái tên Liên minh huyền thoại. Đây là trò chơi cài đặt có lượng người chơi động nhất với CCU (lượng người chơi cùng thời điểm) gần đạt mức 100 nghìn.

Trò chơi trực tuyến League of Legends
Trò chơi trực tuyến League of Legends 

Ngoài nội dung gameplay hấp dẫn, LOL ra mắt trong thời điểm thị trường Việt Nam đóng băng do cơ quan quản lý ngưng giấy phép cho nhà phát hành trong nước cũng là lợi thế của game này. Song song đó, để phát triển bền vững hơn, Garena cũng nhanh chóng Việt hóa phần mềm quản lý phòng máy của Trung Quốc để giúp quảng bá game tại các tiệm internet.

Sau thành công của LOL mới đây, Tencent tỏ ra quyết liệt khống chế thị trường khi họ giành được quyền phát hành FIFA Online 3 tại Việt Nam. Đây là thông tin gây ồn ào khi phiên bản của trò chơi này là FIFA Online 2 do một đơn vị trong nước VTC Online phát hành.

Họp báo ra mắt FIFA Online 3
Họp báo ra mắt FIFA Online 3 

"Ban đầu, VTC Online đưa ra con số 7 triệu USD, Tencent và liên minh của họ nâng lên 11 triệu USD. Chúng tôi thể hiện quyết tâm sở hữu FIFA Online 3 với việc đưa ra mức giá lên tới 15 triệu USD.

Tuy nhiên, cuộc chơi chưa ngừng ở đó. Tencent sau đó đã tạo ra cú chốt khi trả mức giá khủng là 20 triệu đô (tương đương 450 tỷ đồng)", ông Phan Sào Nam chua chat nói với truyền thông sau khi không thành công trong việc thuyết phục EA cho VTC Online phát hành FIFA Online.

Vị chủ tịch của VTC Online còn tiết lộ, đơn vị điều hành việc phát hành FIFA Online 3 cho Tencent tại VN lại là Garena. “Thậm chí, khi thuyết phục Tencent còn cam kết với EA sẽ phát hành tất cả game mobile của EA trên nền tảng Wechat hiện sở hữu cộng đồng người dùng rất lớn trên thế giới", ông Nam nói.

Như vậy, với hai sản phẩm LOL và FIFA Online, sắp tới Tentent có thể nhanh chóng giành ngôi vị nhà phát hành game hàng đầu VN. Hiện Garena đang thông qua một số đối tác trong nước để hoàn thiện thủ tục pháp lý phát hành FIFA Online 3.

EA là nhà sản xuất game ở Mỹ. Đơn vị này nổi tiếng với dòng game thể thao như FIFA, FIFA Online và game bắn súng góc nhìn thứ nhất Battlefield. Tuy nhiên, công ty này không giành được nhiều thiện cảm tại VN khi liên tục có những trò chơi xuyên tạc lịch sử Battlefield Vietnam hay xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng khi trong Battlefield 4 đã giới thiệu quần đảo Hoàng Sa của nước ta thuộc Trung Quốc.
Hồng Tuyết