TS Nguyễn Trí Hiếu: VNPT khó khăn vì tham gia quá nhiều lĩnh vực

22/07/2013 07:13
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thực tế để VNPT tham gia quá nhiều lĩnh vực bao gồm viễn thông di động, bưu điện, thư tín… nhưng lại không phân định rõ mục đích phát triển và ngay cả lãnh đạo VNPT chưa  rõ ràng nhiệm vụ chính của mình dẫn đến chưa có chiến lược kinh doanh phát triển đúng.

Nếu so sánh với năm 2011, lợi nhuận năm 2012 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã giảm 1.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của VNPT chỉ đạt 54.255 tỷ đồng và đạt lợi nhuận là 3.300 tỷ đồng, giảm hơn so với 6 tháng đầu năm 2012 khoảng 2.178 tỷ đồng (Tổng doanh thu phát sinh 6 tháng năm 2012 ước đạt 56.403 tỷ đồng với tổng lợi nhuận sau thuế 2.835 tỷ đồng, nộp ngân sách ước tính thực hiện 3.879 tỷ đồng). Theo các chuyên gia kinh tế và một nguyên lãnh đạo chủ chốt của VNPT thì biểu đồ tăng trưởng của VNPT liên tục giảm tịnh tiến trong thời gian do rất nhiều nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc VNPT sụt giảm về doanh thu trong đó nguyên nhân lớn nhất là sự sụt giảm doanh thu về mạng điện thoại cố định
Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc VNPT sụt giảm về doanh thu trong đó nguyên nhân lớn nhất là sự sụt giảm doanh thu về mạng điện thoại cố định
Đó chính là bộ máy nhân sự quá cồng kềnh và hiệu quả kinh doanh mạng điện thoại cố định khổng lồ tụt giảm nghiêm trọng. Để giải quyết hai bài toán này không dễ dàng đặc biệt trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn. Gánh nặng này đang kìm hãm sự phát triển của VNPT. Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan cũng như giải pháp với những khó khăn của VNPT đang gặp phải, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình. Trước bài toán nhân sự cồng kềnh kìm hãm sự phát triển của VNPT hiện nay TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đó là thực trạng chung của không ít doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước. Về nguyên nhân dẫn đến bộ máy VNPT cồng kềnh như hiện nay theo TS Nguyễn Trí Hiếu chính là do Chính phủ đặt lên vai các doanh nghiệp quá nhiều vai trò chức năng. “Trước đây hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước được xây dựng bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế còn bao hàm nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phục vụ xã hội, phục vụ người dân, chính vì đảm nhiệm nhiều vai trò nên các công ty, tập đoàn này phải xây dựng một đội ngũ cán bộ nhân viên đông đảo, cho đến nay vẫn được duy trì nên cản trở sự phát triển của doanh nghiệp quốc doanh” – TS Nguyễn Trí Hiếu lý giải.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu: Cởi nút thắt cho VNPT chỉ có thể là Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu: Cởi nút thắt cho VNPT chỉ có thể là Chính phủ.
Để giải bài toán nhân sự cho VNPT, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chỉ có thể là Chính phủ. “Bởi lúc này Chính phủ nên xem xét nhiệm vụ chức năng của VNPT nói chung và từng bộ phận riêng rẽ của VNPT. Xác định đâu là bộ phận chuyên làm nhiệm vụ phục vụ an ninh quốc phòng, phục vụ xã hội đâu là bộ phận Chính phủ nên mở ra hướng phát triển theo hướng cạnh tranh trên thị trường chạy đua lợi nhuận từ đó làm rõ nhiệm vụ chính của VNPT” – TS Hiếu cho biết. Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thực tế để VNPT tham gia quá nhiều lĩnh vực bao gồm viễn thông di động, bưu điện, thư tín… nhưng lại không phân định rõ đâu là phần cần phải duy trì với mục đích an ninh quốc phòng, mục đích phục vụ nhân dân phải do nhà nước quản lý và đâu là bộ phận có thể cho tư nhân hóa phát triển với mục tiêu lợi nhuận kinh tế, chính vì vậy ngay cả lãnh đạo VNPT chưa rõ ràng nhiệm vụ chính của mình dẫn đến chưa có chiến lược kinh doanh phát triển đúng. Là người có thời gian dài sống và làm việc tại Mỹ, ông thấy rằng trong ngành bưu chính viễn thông ở Mỹ, Chính phủ phải quản lý hệ thống bưu điện, quản lý tấn số, sóng… còn các ngành viễn thông, di động đều do đơn vị kinh tế tư nhân hoặc cổ phần nhà nước quản lý. “Ở nước ta, nhà nước cũng chỉ nên quản lý chặt các bộ phận tần số, trạm sóng, bưu điện còn các dịch vụ viễn thông di động nên để doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoặc doanh nghiệp cổ phần có một phần vốn nhà nước quản lý. Khi đó những doanh nghiệp viễn thông được tư nhân hóa, cổ phần hóa sẽ đặt mục tiêu chính là lợi nhuận kinh doanh từ đó mô hình quản lý, nhân sự được cơ cấu lại nhỏ gọn phù hợp hơn, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn” – TS Hiếu đưa ra giải pháp. “Để giải bài toán, cởi nút thắt của VNPT phải từ định hướng của Chính phủ, nếu Chính phủ muốn VNPT phát triển phải đặt vấn đề lợi nhuận kinh doanh lên hàng đầu thì khi đó lãnh đạo VNPT sẽ phải có chiến lược kinh doanh phù hợp để làm sao cho VNPT có doanh thu lớn nhất, khi đó vấn đề nhân sự sẽ được giải quyết để phù hợp với vai trò phát triển mới của VNPT” – TS Hiếu nhấn mạnh. Đối với mạng điện thoại cố định, trong quá khứ nhà nước đã đầu tư một lượng tiền lớn do vậy TS Hiếu cho rằng không thể bỏ phí mà không sử dụng. Do vậy trong lúc này VNPT cần phải tăng cường dịch vụ tốt và có giá thành hợp lý hơn để dù có thể không có lãi lớn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc co người dân.>> Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Hoàng Lực