Nhiệm vụ cấp bách của giáo dục hiện nay là gì?

14/09/2018 07:01
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Thất bại trong các dự án giáo dục ngàn tỷ đồng, khó thấy, không như con đường, ngôi nhà… nhưng hệ lụy của nó vô cùng lớn, khó khắc phục.

LTS: Dư luận xã hội đang bàn luận rất nhiều về chuyện giáo dục hiện nay và đổi mới giáo dục.

Lắng nghe dư luận, thầy giáo Sơn Quang Huyến nhận thấy nhiệm vụ cấp bách của giáo dục hiện nay là lấy lại niềm tin của nhân dân.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong những ngày gần đây, ta thấy trên các báo, đài từ trung ương đến địa phương, mạng xã hội rộ lên những bài viết về giáo dục. Khen có, chê cũng nhiều.

Đặc biệt là tranh cãi gay gắt về sách giáo khoa của Công nghệ giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dư luận xã hội như thế, mừng hay lo? Phải nói là mừng nhiều hơn lo.

Mừng vì nhân dân ta đang quan tâm đến giáo dục, thấy được tầm quan trọng của giáo dục; xác định được giáo dục là “quốc sách, gia sách” hàng đầu.

Lo, rất lo, chỉ một đốm lửa nhỏ, thổi bùng ngọn lửa phản ứng của người dân, ngọn lửa đó có thể thiêu chết người thổi nó lên mà không biết.

Đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa: VTV
Đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa: VTV

Vậy tại sao dư luận xã hội trở nên gay gắt trong thời gian gần đây? Liệu có ai giật dây, định hướng dư luận để phục vụ lợi ích của mình?

Cái gì không biết, nhưng phía sau nó là hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mà người dân đang bỏ ra để mua sách giáo khoa là có thật, như báo chí mới khui ra đây.

Nguồn cơn dư luận phản ứng, chẳng do ngàn tỷ đồng đó, phải do ngàn tỷ đồng khác đã gây mất hoàn toàn niềm tin của người dân với giáo dục.

Khó đánh giá được hiệu quả của các dự án giáo dục ngàn tỷ đồng, khó thấy, không như con đường, ngôi nhà… nhưng hệ lụy của nó vô cùng lớn, khó khắc phục.

Ta có thể liệt kê những dự án gần đây như: dạy ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020: 9.378 tỷ đồng.

Nhiệm vụ cấp bách của giáo dục hiện nay là gì? ảnh 2Vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng trong đổi mới giáo dục

Với VNEN, 87,6 triệu USD cũng chưa biết hiệu quả thực sự là gì?.

Mới nhất dự án “Đổi mới thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” đã bị thu hồi với khái toán lên đến 749 tỷ đồng.

Chính sự chưa minh bạch trong thông tin về giáo dục, đã làm cho ngành xoay tít mù trong ma trận “tiền, tiền %...”, sự bất minh đó được kéo dài tận bốn mươi năm, một “thí điểm” thành “đại trà” mà vẫn là thí điểm.

“Công nghệ giáo dục” đã áp dụng bốn mươi năm nay, có 43 tỉnh thành triển khai, hàng triệu học sinh theo học, có gia đình hai thế hệ tham gia, minh chứng hùng hồn cho sự trì trệ giáo dục.

Ngày 10 tháng 8 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, bao gồm 9 nhiệm vụ:

1.Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục

2. Sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên

3. Định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông

4. Xây dựng các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc

5. Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học

6. Giao mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm cho trường đại học

7. Thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo

8. Giải quyết dứt điểm thiếu nhà vệ sinh và nước sạch ở trường học

9. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhiệm vụ cấp bách của giáo dục hiện nay là gì? ảnh 3Chuyện học xưa và nay

Vậy nhưng, muốn thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, đòi hỏi một vấn đề dễ đánh mất, khó xây dựng, niềm tin!

Niềm tin là tất thắng! Cuộc chiến nào, cách mạng nào, trận đấu nào, nhiệm vụ nào cũng cần niềm tin. Niềm tin là vũ khí sắc bén nhất, có niềm tin là có chiến thắng. 

Vậy làm sao lấy lại niềm tin cho ngành giáo dục?

Đơn giản nhất là minh bạch hóa các vấn đề giáo dục, không để lợi ích nhóm là lu mờ lợi ích người học, người dạy.

Tiếp thu đóng góp của quần chúng nhân dân; Chỉ rõ các cá nhân, tập thể đã gây nên thất bại trong các dự án giáo dục.

Xử lý kỷ luật thích đáng các cá nhân vi phạm, không dừng lại ở rút kinh nghiệm.

Với các “hiệu trưởng lạm thu”, kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ.

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo chống tiêu cực.

Lấy lại niềm tin không phải là nhiệm vụ bất khả thi, chỉ cần tâm sáng, trí thông là làm được.

Niềm tin, lấy lại niềm tin trong nhân dân nói chung, người học, người dạy nói riêng, là nhiệm vụ cấp bách nhất để đảm bảo một năm học mới thắng lợi.

Tài liệu tham khảo:  

https://baomoi.com/lang-phi-hang-ngan-ti-vi-sach-giao-khoa/c/27684021.epihttps://baomoi.com/lang-phi-hang-ngan-ti-vi-sach-giao-khoa/c/27684021.epi

https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/doanh-nghiep-phat-hanh-in-sach-giao-khoa-dang-lam-an-ra-sao-3806744.html

www.tienphong.vn/giao-duc/that-bai-nhung-du-an-giao-duc-tien-tan-ai-da-bi-xu-ly-1322675.tpo

nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lang-phi-hang-ngan-ti-vi-sach-giao-khoa-20180911220800921.htm

http://congdoangdvn.org.vn/index.aspx?def=556&ID=3681&CateID=548

Sơn Quang Huyến