Nữ giảng viên trẻ với gánh nặng cơm áo, gạo tiền

13/10/2018 07:24
Phương Vy
(GDVN) - Giảng viên đại học là ước mơ của không ít người. Thế nhưng, khi bước vào nghề, nhiều giảng viên trẻ, sau giờ dạy trên lớp là nỗi lo tất bật cơm áo, gạo tiền

LTS: Với nhiều người, việc được ở lại trường làm giảng viên là mơ ước của rất nhiều người. Nhưng bước vào cuộc sống giảng viên, hàng loạt khó khăn trải ra trước mắt họ: thu nhập thấp, phải lo chuyện cơm áo gạo tiền... Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Giảng viên trẻ Phương Vy,

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của cô giáo Phương Vy  về vấn đề này.

Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với nhau, là nhiệm vụ chính của giảng viên đại học.

Nhưng trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh hiện nay mà các trường đại học, cao đẳng đang phải đối mặt, trong thâm tâm mỗi nhà giáo đều không trách khỏi sự buồn lòng.

Những nỗi niềm chẳng dám tỏ cùng ai

Với những người theo nghề lâu năm, một lòng gắn bó với học trò và nghề nghiệp, họ nhận ra “người học là lý do tồn tại của nhà trường”, nên công việc tuyển sinh là mang lại “nguồn sống” cho bản thân họ.

Nhưng, với những giáo viên trẻ, trước yêu cầu công việc của một cán bộ giảng viên đại học, áp lực của các vấn đề đời sống, môi trường học thuật, họ cũng phải “gánh vác” trách nhiệm tuyển sinh cùng với nhà trường.

Là giảng viên trẻ ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), cô Trương Phương cho biết:

“Truyền thông là một trong các ngành học được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì tính năng động. Việc kiêm thêm nhưng công việc ngoài chuyên môn như: lập kế hoạch chương trình hoạt động đoàn, công đoàn, lên danh sách khách mời, kết nối sinh viên triển khai thực hiện, giải quyết những trường hợp sinh viên khúc mắc về hưởng trợ cấp, điểm số, trợ giảng,...  đã khiến mình không còn đủ quỹ thời gian cho để tự nghiên cứu chuyên môn.”

Để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, việc sắp xếp thời gian để tự học, bồi dưỡng chuyên môn là vô cùng cần thiết với người dạy học. Tự học để cập nhật, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo án, cập nhật kiến thức theo nhu cầu thực tiễn.

Giảng viên trẻ Lê Anh trong giờ giảng Marketting du lịch. (Ảnh: NVCC)
Giảng viên trẻ Lê Anh trong giờ giảng Marketting du lịch. (Ảnh: NVCC)

Trong hoàn cảnh “đồng tiền trượt giá”, với người trong nghề có “thâm niên” công tác ổn định đời sống đã khó khăn thì với những nữ giảng viên mới vào nghề còn khó gấp bội.

Với thu nhập ban đầu lương cơ bản ở hệ số 2.34, giảng viên trẻ Nguyễn Bích Diệp –  Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) là một trong nữ giảng viên trải qua không ít khó khăn trong cuộc sống và công việc.

“Tuổi nghề chưa lâu nhưng nếu gắn bó lâu với nghề, lương hai vợ chồng với đứa con thì thật sự không đủ trang trải cuộc sống”.

Chồng cô giáo Diệp làm nghề cơ khí, thu nhập cũng không ổn định vì nhận theo công trình, từ khi hai vợ chồng có con nhỏ, em bé lại hay ốm đau nên để có quyết định tiếp tục theo nghề với chị thật không dễ dàng.

Ngoài giờ lên lớp, chị thường tranh thủ đi dạy Toán ở các trung tâm gia sư bên ngoài, đôi khi, chị đến tận nhà phụ huynh dạy kèm con em họ để kiếm thêm thu nhập.

Khác với cô giáo Diệp chọn cách dạy thêm, trước sự “nô nức” của đồng nghiệp “đi buôn” (người thì bán thêm mật ong, hoa quả, người thì mở thêm quán ăn ở nhà…), Còn giảng viên Nguyễn Quỳnh Anh, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cũng tranh thủ thời gian rảnh lên mạng bán hàng online để tăng thêm nguồn thu.

Với giảng viên trẻ Quỳnh Anh, việc kinh doanh trên mạng xã hội đang trở thành cứu cánh của gia đình chị.

Nhấp nhổm chân trong chân ngoài, tìm đường mưu sinh bằng nghề tay trái để chi phí cho gia đình khi thu nhập không đủ sống là điều không tránh khỏi ở đa số nhà giáo nữ.

Vẫn quyết tâm gắn bó với nghề

Nhớ lại kỉ niệm những ngày đầu mới đi làm, cô giáo Huyền - giảng viên Lịch sử - Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) bày tỏ tâm sự: “Nhiều khi tôi cũng thấy tủi thân vì nhiều việc quá.

Nhưng thời gian trôi đi và tôi thấy đó như một thử thách cho bản thân. Các trò chính là nguồn càm hứng lớn nhất của tôi.

Tôi chủ nhiệm một lớp, các em cũng có ý thức học hành nên những gì tôi tích lũy được, tôi sẽ truyền dạy hết cho các trò.”.

Trong suốt thời gian làm nghề, cô giáo Huyền đã luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nữ giảng viên trẻ với gánh nặng cơm áo, gạo tiền ảnh 2Yêu cầu giữ ổn định hệ thống mô hình cơ sở giáo dục đại học

Bảo vệ Xuất sắc luận án tiến sĩ; đạt điểm giỏi thi những giờ giảng hay, Giấy khen của Hiệu trưởng vì có thành tích cao trong hoạt động dạy và học; Giấy khen công đoàn viên xuất sắc… là những minh chứng cho sự quyết tâm, lòng yêu nghề của chị.

Cùng tâm trạng như cô giáo Huyền, giảng viên trẻ Lê Thị Anh - giảng viên Trường Đại học Khoa học, là một trong những giảng viên gắn bó với nghề.

Cũng đã có nhiều nơi tư vấn công việc lương cao, gần nhà nhưng với giảng viên Lê Thị Anh, cái nghề gắn với cái nghiệp rồi.

Giảng viên Lê Thị Anh tâm sự: “Cơ quan của chồng mình giới thiệu một vài việc làm tốt cho mình, có thu nhập khá hơn hiện tại nhưng mình nghĩ, giảng viên đại học là công việc mơ ước từ nhỏ của mình, dù nghèo nhưng thấy hạnh phúc vì được phát huy đúng chuyên môn.”.

Sự đam mê quyết tâm gắn bó với nghề được thể hiện ngay cả khi hết giờ dạy, chị vẫn dành thời gian nán lại giải đáp những khúc mắc cho sinh viên.

Với tình yêu đam mê gắn bó với nghề, cô giáo Anh quyết tâm tự nghiên cứu và học tập để tiếp tục theo đuổi ước mơ nghề nghiệp ngành Du lịch ở nước ngoài vào năm tới.

Nghề giáo là nghề tạo ra sản phẩm là những con người hoàn thiện. Vinh dự, tự hào bao nhiêu thì trách nhiệm và sự cố gắng càng lớn bấy nhiêu.

Hiểu về nghề giáo để có cái nhìn khách quan là một yêu cầu không thể thiếu đối với những người trong ngành mà còn với toàn xã hội, đặc biệt với những người trẻ đang có ý định muốn theo nghề.

Phương Vy