Đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 20% các trường giao tiếp song ngữ

30/11/2018 07:08
Phương Linh
(GDVN) - Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030, sẽ có 20% các trường trung học phổ thông trên địa bàn giao tiếp song ngữ Anh – Việt.

Ngày 29/11/2018, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Kiều bào góp ý chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Hội nghị này thu hút sự tham dự của 80 đại biểu, là các chuyên gia Việt kiều, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học, một số lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và lãnh đạo Sở Giáo dục, Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2030, 20% các trường giao tiếp song ngữ

Thay mặt lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc cho biết, chỉ tính riêng địa bàn thành phố đã có 1,7 triệu người học, với tổng số khoảng 2.000 trường học đầy đủ các bậc học từ mầm non tới cao đẳng, đại học.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu, đến năm 2030 có khoảng 10% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tại thành phố được cấp bằng tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến nhất của thế giới.

Hội nghị kiều bào góp ý chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng (ảnh: CTV)
Hội nghị kiều bào góp ý chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng (ảnh: CTV)

Song song đó, cũng đến năm 2030, thành phố phấn đấu có ít nhất 20% các trường trung học phổ thông trên địa bàn giao tiếp song ngữ Anh – Việt trong các hoạt động giáo dục, nhất là trong hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo.

Học sinh sẽ đam mê ít nhất một môn thể thao, có các kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội để thích ứng được với cuộc sống, phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp.

Các em sẽ có chiều cao, thể lực trong tốp đầu các nước, đạt và vượt mức chiều cao trung bình khá ở các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chương trình đào tạo lạc hậu

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống – một kiều bào Mỹ, chương trình đào tạo các ngành nghề khoa học kỹ thuật ở nước ta còn quá lạc hậu so với các nước tiên tiến.

Ông Nguyễn Thiện Tống nói rằng, để giải quyết được vấn đề việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học phù hợp với ngành nghề được đào tạo, chương trình đào tạo không nên hướng vào các chuyên ngành nghề quá hẹp, mà cần phải theo mô hình ngành rộng.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tự đào tạo, để chuyên môn hóa thêm dần trong quá trình làm việc.

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống góp ý tại hội nghị diễn ra trong ngày 29/11 (ảnh: P.L)
Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống góp ý tại hội nghị diễn ra trong ngày 29/11 (ảnh: P.L)

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống kiến nghị thêm: Cần xây dựng chương trình bằng đôi, giữa các ngành khoa học kỹ thuật và các ngành kinh tế, để đào tạo nhân lực trình độ cao cho vùng giao giữa ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Thầy Nguyễn Thiện Tống lý giải: Từ lâu, nhiều sinh viên muốn học thêm bằng hai, để mở rộng thêm năng lực chuyên môn giữa hai ngành, tăng cơ hội tìm việc làm phù hợp với hai ngành nghề đã được đào tạo.

Những sinh viên giỏi hoàn toàn có thể theo học hai bằng cùng một lúc, bằng cách học chương trình bằng đôi để rút ngắn thời gian, chi phí cho việc học.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều kiều bào cũng đưa ra đề xuất: Các trường đại học, cao đẳng cần chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, tạo điều kiện cho người học có cơ hội vận dụng, thực hành những tình huống đã học vào thực tế của bản thân; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng, thứ hạng của trường mình…

Phương Linh