"Chạy đua" học tiền tiểu học để con biết trước, không thua các bạn là sai lầm

09/05/2024 06:40
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Để trẻ học trước chương trình là đi ngược với tiến trình phát triển tâm sinh lý tự nhiên, có thể ảnh hưởng đến nhận thức và hứng thú học tập của trẻ.

Từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1, theo đó, Bộ nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu tất cả các trường mầm non trên địa bàn không được dạy trước chương trình lớp 1 dưới mọi hình thức.

Thế nhưng, cứ đến thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học, phụ huynh có xu hướng “chạy đua" tìm kiếm các lớp tiền tiểu học, cho con học trước chương trình lớp 1 để không thua kém bạn bè.

Hiểu đúng tâm sinh lý của trẻ trước khi “chạy đua" với xã hội

Nhận thấy nhiều bậc phụ huynh đầu tư cho con đi học từ sớm, chị Nguyễn Thu Trang (Thường Tín, Hà Nội) quyết định tìm lớp tiền tiểu học cho con từ sau Tết Nguyên Đán với mong muốn không để con “thua” các bạn.

Theo chị Trang, thời buổi xã hội hiện nay, việc trẻ con đi học sớm không có gì là lạ, nhiều bé 4-5 tuổi đã biết đọc chữ, đọc sách vanh vách, thậm chí là tính toán, nói Tiếng Anh rất giỏi. Do đó, nếu có điều kiện chị sẽ đầu tư cho con học hết sức có thể, không để con thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa.

“Giáo dục lớp 1 ngày nay rất khác so với giáo dục lớp 1 ngày xưa, trên cương vị là phụ huynh, tôi cũng muốn con mình được chuẩn bị kỹ càng nhất khi chuyển sang một môi trường mới.

Việc nhiều bé ngày nay hầu hết đều được học đọc, học viết, học Tiếng Anh thậm chí là học kèm nhiều ngôn ngữ cùng lúc từ nhỏ càng thôi thúc tôi phải cho con đi học sớm”, chị Trang chia sẻ.

Đăng ký lớp Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ cho con từ khi con tròn 3 tuổi, chị Nguyễn Hà Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết bản thân chỉ mong muốn con được rèn luyện nề nếp và kỷ luật từ sớm cũng như chuẩn bị kiến thức thật tốt. Như vậy, khi con vào lớp một sẽ không bị “bỏ lại" hay “chê cười" nếu như lỡ thể hiện chưa tốt trong quá trình học tập.

Chị Linh chia sẻ, bản thân không quá kỳ vọng vào đặt nặng về thành tích học tập của con nhưng khi con được giải nhất Rung chuông vàng tại trường, gia đình cảm thấy rất vui và tự hào.

Dẫu vậy, chị vẫn luôn lo lắng và băn khoăn giữa 2 lựa chọn: để con phát triển tự nhiên, học đúng độ tuổi cho phép và đối mặt với sự cạnh tranh trên lớp khi các bạn được học trước kiến thức, hay để con học sớm và đối mặt với áp lực, quá tải trong độ tuổi chưa thật sự phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho biết: Thay vì chú trọng cho con học trước chương trình lớp 1, các bậc phụ huynh nên để con tham gia các chương trình phát triển toàn diện các kỹ năng, để con nhận thức và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chứ không chỉ thực hiện như một “bộ máy" có sự thúc ép từ bố mẹ.

pgs huyền.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: NVCC

Trên thực tế, không có một tiêu chuẩn cố định nào dành cho trẻ em bởi mỗi một cá nhân đều có những tiềm năng và thế mạnh riêng. Do đó, việc quan trọng nhất mà phụ huynh cần lưu tâm chính là hiểu con mình cần gì, con có những năng khiếu và hạn chế gì để hỗ trợ con phát huy thay vì ép con học theo cái mình thích, “chạy đua" với ngoài xã hội, cô Huyền nhấn mạnh.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập cho biết, hiện nay một số quốc gia trên thế giới quy định độ tuổi phù hợp cho trẻ đi học là 7-8 tuổi thay vì là 6 tuổi. Quyết định này nhằm mục đích để trẻ có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn khi chính thức đi học. Với những trường hợp chưa chuẩn bị tốt, họ khuyến khích các gia đình cho học chậm lại khi trẻ chưa sẵn sàng.

Theo đó, việc quy định độ tuổi phù hợp để trẻ đi học được nghiên cứu kỹ càng dựa trên những đặc trưng về tâm sinh lý, trí tuệ, mức độ phát triển não bộ, phát triển cơ thể của trẻ. Ngoài ra còn đánh giá dựa trên khả năng của các con có thể chịu trách nhiệm những vấn đề liên quan đến công việc học tập.

Có thể nhận thấy, giai đoạn chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học là vô cùng quan trọng đối với trẻ. Ở môi trường giáo dục bậc mầm non, các con được cô giáo lo toàn bộ từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động thể chất…, do đó trẻ ở độ tuổi này sẽ chưa có đủ năng lực và nhận thức về trách nhiệm với việc học.

Trong khi đó, khi trẻ lên lớp 1 thì sẽ tiếp nhận một môi trường giáo dục hoàn toàn mới, ở đó con phải tự lo hoàn toàn và sinh hoạt theo quy định, nề nếp của nhà trường.

Các cô giáo chỉ có trách nhiệm là dạy học và kiểm tra bài vở, đảm bảo truyền đạt đúng và đủ kiến thức theo chương trình đào tạo.

Qua đó có thể thấy, việc để con học trước chương trình lớp 1 khi con đang trong độ tuổi là trẻ mầm non là không nên và không phù hợp với tiến trình phát triển của trẻ. Trước khi vào lớp 1, nên đẩy mạnh công tác giáo dục các kỹ năng sống để con dần thích ứng, thích nghi và thay đổi nhận thức khi chuẩn bị chuyển giao 2 môi trường giáo dục khác nhau.

Việc để trẻ tiếp xúc và học đúng độ tuổi sẽ tạo điều kiện để não bộ phát triển theo đúng tiến trình tự nhiên. Dựa theo nghiên cứu về khả năng tiếp thu của trẻ trên từng độ tuổi, giai đoạn, với trẻ 4-5 tuổi sẽ mất khoảng 3-5 ngày để nhận biết 1 chữ số trong khi đó, não bộ của trẻ lên 6 có thể ghi nhớ mặt chữ, mặt số trong thời gian ngắn hơn và ghi nhớ trong thời gian lâu hơn.

Ngoài ra, tâm sinh lý của trẻ ở 4 - 5 tuổi sẽ chưa thể nhận thức hết được về trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân, đặc biệt là trẻ em Việt Nam có thiên hướng được chiều chuộng và nâng niu quá mức nên trách nhiệm của con được phát huy muộn. Có thể nhìn thấy qua từng hành động, biểu cảm của trẻ khi con mè nheo, cáu gắt trước một vấn đề không đúng theo ý muốn hay nhiều trường hợp khi bố mẹ đưa con đến trường, các con có xu hướng cưỡng chế, khóc lóc thậm chí là khó chịu và căm ghét việc đi học.

Để trẻ phát triển tự nhiên thay vì “thúc ép" thực hiện giấc mơ của cha mẹ

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục trẻ đó là gợi ra tính tò mò và hấp dẫn.

Tâm lý của cha mẹ phụ huynh khi cho con học các lớp tiền tiểu học đa số với mục đích để con biết trước, hiểu trước và sẽ vững vàng khi bước vào học chính thức. Thế nhưng trên thực tế, việc giảng dạy trên lớp diễn ra theo đúng chương trình đào tạo nên việc để con học trước, hiểu trước sẽ dẫn đến tình trạng trẻ coi thường, chủ quan và tinh thần chán nản khi phải học lại nhiều lần kiến thức mà bản thân đã biết.

Do đó, thay vì “sốt sắng” thúc ép con học trước kiến thức để “bằng bạn bằng bè" thì cha mẹ hãy để con làm quen môi trường giáo dục mới, rèn luyện các kỹ năng cần thiết như lắng nghe, tập trung trong giờ học, qua đó sẽ kích thích sự yêu thích, tò mò và hứng thú cho các con khi tiếp xúc ở một môi trường giáo dục mới, tiếp xúc với các dạng kiến thức mới”.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng cho rằng, để con học trước chương trình khi con chưa đủ năng lực tập trung sẽ dẫn đến việc con chóng chán học tập. Khi trường hợp này xảy ra, bố mẹ lại có thiên hướng “ép" con học nhiều hơn và với tâm lý của trẻ 4-5 tuổi chưa đủ nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, trẻ sẽ cảm thấy sợ và căm ghét việc học.

Ảnh 2 CG Thu Hương.jpeg
Tiến sĩ Vũ Thu Hương Ảnh: NVCC

Ngoài ra, khi con chưa được rèn luyện các kỹ năng như ngồi lâu, ngồi thẳng lưng sẽ dẫn đến những hệ luỵ ảnh hưởng đến thể chất, gây dị tật ở tay, ở lưng và ở mắt. Do đó, trước khi quyết định để con đi học các lớp tiền tiểu học, bố mẹ hãy là những người có kiến thức để làm những điều cần thiết cho con thay vì xuất phát từ mong muốn của mình.

Trước yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đối với các trường mầm non trên địa bàn không được dạy trước chương trình lớp 1 bằng bất kỳ hình thức nào, Tiến sĩ Vũ Thu Hương bày tỏ sự hoan nghênh và ủng hộ khi đơn vị đã nhìn nhận từ những quyền lợi của trẻ em thay vì lợi ích của người lớn.

Cô Hương phân tích: Việc học tiền tiểu học xuất phát từ tâm lý phụ huynh muốn được “nhàn" khi con chính thức bước vào lớp 1. Bên cạnh đó, nhiều trường mầm non mở lớp dạy tiền tiểu học để tăng thêm thu nhập cho giáo viên, dẫn đến nhiều trung tâm dạy trước cũng “mọc lên như nấm”, thậm chí nhiều nơi tự xưng là “giáo viên tiền tiểu học" dù không có bằng cấp, năng lực và trình độ giảng dạy.

“Việc để trẻ học trước chương trình sẽ có nguy cơ phá vỡ chương trình học tại các trường khi mà phần lớn các học sinh đã biết chữ trước thì các cô giáo có thể đảm bảo được chương trình dạy học hay không? Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng trẻ đi học trước tràn lan cũng như việc các trung tâm mở lên ồ ạt, các trường mầm non mở lớp dạy tiền tiểu học với nhiều mục đích khác nhau", cô Hương nêu quan điểm.

Chúng ta vẫn nghĩ rằng việc dạy trẻ em chuẩn bị lên lớp 1 là vô cùng đơn giản, đó là một suy nghĩ sai lầm bởi trẻ em có tâm sinh lý, trí tuệ và nhận thức hoàn toàn khác với người lớn.

Thực tế tại Việt Nam, khi trẻ không thể dung nạp được kiến thức, phụ huynh thường nghĩ là con kém thông minh, con không giỏi chứ không hề đặt câu hỏi là liệu rằng chúng ta đã dạy cho con đúng phương pháp chưa. Rất nhiều giáo viên dạy trẻ theo cảm quan suy nghĩ của người lớn chứ không hề đặt vấn đề đặc trưng tâm sinh lý của trẻ để nghiên cứu và tìm phương pháp truyền đạt phù hợp.

Tiếng Việt bao gồm rất nhiều bộ chữ như bộ chữ in hoa, bộ chữ thường, bộ chữ in.. và mỗi một bộ chữ sẽ có những chi tiết nhỏ khác nhau. Việc cho con học trước sẽ tác động đến nhận thức của trẻ mặc định là như vậy, do đó nếu giáo viên dạy thêm không truyền đạt đúng và đủ sẽ dẫn đến việc con khó chấp nhận thêm các dạng kiến thức mới khi đi học chính thức.

Trẻ em bình thường đi học đúng lứa tuổi thì chỉ cần học 1-2 lần là đã có thể nhớ được nhưng với trẻ học sớm sẽ phải học đến 10 lần thậm chí 15 lần cho một nội dung bài. Chính vì vậy, trẻ sẽ có phản ứng khó chịu khi đã biết mà vẫn phải học quá nhiều.

Vậy nên, nếu không đủ năng lực để hiểu về tâm sinh lý, trí tuệ của trẻ và trình độ phát triển nhận thức của trẻ, cha mẹ không nên để con đi học khi chưa đủ tuổi cho phép, để tránh mang lại những hậu quả lớn và gây thêm những khó khăn cho các con sau này.

Trang bị kỹ năng sống để con tự tin bước vào lớp 1

Khác với nhiều phụ huynh khi cho con theo học lớp tiền tiểu học vì lo ngại con sẽ bị “bỏ lại" hay học để chạy đua vào các trường tiểu học chất lượng cao, chị Thanh Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, điều bản thân mong muốn ở thời điểm này là con được chú trọng phát triển tâm lý, nhận thức và kỹ năng chứ không phải cứ thúc con học chữ, học số là sẽ tốt.

“Thời điểm này điều con cần học là các kỹ năng mới để phát triển như kỹ năng tập trung ngồi học, cầm bút đúng tư thế, giữ trật tự trong giờ học…để từ đó con có thể hình thành sự độc lập và tự chủ, học tập có nề nếp", chị Hà chia sẻ.

Theo đó, khi cho con học lớp tiền tiểu học, chị mong muốn con được chuẩn bị sẵn tâm lý cũng như làm quen với môi trường giáo dục mới, ở đó con cần tuân theo các quy định, nề nếp cũng những phương pháp giáo dục khác hoàn toàn ở bậc mầm non.

Đối với các bậc phụ huynh, cần nhận thức đúng đắn về độ tuổi phù hợp cho con đi học và không nên khuyến khích con phải học trước chương trình. Theo đó giai đoạn này cần tập trung rèn luyện thể lực và “lên dây cót" để con chuẩn bị tinh thần. Bố mẹ không nên kỳ vọng rằng con phải giỏi xuất sắc, vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa để tránh tạo áp lực cho con.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, hiện nay đa số cha mẹ chỉ tập trung con học kiến thức mà quên đi việc giáo dục con về các kỹ năng sống. Xã hội ngày càng hiện đại khiến cha mẹ có xu hướng chiều chuộng và bao bọc con dẫn đến việc trẻ không nhận thức được trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ mình phải làm.

Với trẻ độ tuổi 5-6 tuổi, cần cho con hiểu và thực hiện theo 3 chữ: Cấm - Được - Phải. Cụ thể, những việc cấm trẻ làm, cấm thực hiện theo là không để bản thân ở những chỗ nguy hiểm có điện, có lửa hoặc bờ sông, bờ ao có nhiều nguy cơ tai nạn. Không học theo, bắt chước theo những hành động sai trái, nguy hiểm ảnh hưởng đến người khác và bản thân mình.

Thứ hai, trẻ cần nhận thức mình phải làm gì. Ví dụ phải tự lo bản thân, biết tự mặc quần áo, tự túc ăn, tự đi vệ sinh một cách tự giác chứ không cần thúc ép. Làm tốt được điều này, khi con bước vào lớp 1 sẽ không gặp khó khăn khi học tập, trẻ sẽ tự giác học bài, làm bài mà không cần nhắc nhở.

Thứ ba là kỹ năng lao động, làm việc và học tập. Theo đánh giá thực tế hiện nay, trẻ em có nhận thức không cao về thói quen lao động. Học tập cũng chính là một hình thức lao động và nếu trẻ không đủ nhận thức sẽ cho rằng đây là công việc hết sức nặng nhọc và khó khăn, các bạn sẽ tìm cách chống lại việc học đó thay vì thực hiện như một nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, cần rèn luyện cho trẻ kỹ năng giữ trật tự và không làm phiền người khác, biết giữ gìn và bảo quản đồ đạc, hoà đồng với bạn bè và lễ phép với người lớn. Có đủ các kỹ năng cơ bản như vậy, trẻ sẽ dễ dàng thích nghi và đón nhận việc học trong tâm thế hào hứng, vui vẻ thay vì sợ sệt, chán nản và tìm cách cưỡng chế.

Đào Hiền